Lầu Năm Góc vừa điều động tàu khu trục mang tên lửa điều khiển USS Curtis Wilbur (DDG-54) đi vào vùng 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép nhằm thực thi quyền tự do hàng hải. DDG-54 có chiều dài 154 m, rộng 20 m, mớn nước 9,4 m, lượng giãn nước toàn tải 9.000 tấn, thủy thủ đoàn 280 người. Hệ thống động lực của tàu gồm 4 động cơ tuabin khí LM2500 với tổng công suất 100.000 mã lực, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ, dự trữ hành trình 4.400 hải lý.
DDG-54 là chiếc thứ 4 thuộc lớp Arleigh Burke - loại tàu khu trục mang tên lửa điều khiển chủ lực của Hải quân Mỹ với 62 tàu đang hoạt động. Tàu được đặt theo tên Bộ trưởng Hải quân thứ 43 Curtis Wilbur, phục vụ dưới thời Tổng thống Calvin Coolidge (1923-1929).
Cảm biến chính của DDG-54 là radar mạng pha hoạt động theo từng giai đoạn AN/SPY-1D (vòng tròn đỏ) với 4 mảng ăng ten bố trí xung quanh tháp chỉ huy. Radar này là "trái tim" của hệ thống chiến đấu Aegis, có khả năng đối phó với hàng loạt mối đe dọa khác nhau.
Bên trong tàu được trang bị các thiết bị điện tử hàng hải hiện đại với khả năng tự động hóa cao cho phép thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc.
DDG-54 là tàu khu trục Aegis đầu tiên của Mỹ tiếp nhận nữ thủy thủ làm nhiệm vụ trên tàu vào năm 1994.
Tàu được trang bị pháo hạm Mark 45 127 mm, pháo có tốc độ bắn từ 16-20 viên/phút, tầm bắn tối đa 24 km, lên đến 37 km với đạn tăng tầm. Khoang chứa đạn của pháo có thể mang theo tới 680 đạn pháo cho phép tác chiến trong thời gian dài.
Hỏa lực mạnh nhất trên tàu đến từ 90 ống phóng thẳng đứng Mk41 với 29 ở phía trước và 61 ở phía sau. Mk41 có thể phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk tầm bắn 2.500 km, tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-ASROC.
Ngoài ra, Mk41 có thể phóng tên lửa đánh chặn RIM-156 SM-2 tầm bắn 240 km, tầm cao 33 km. Tên lửa này có khả năng thực hiện nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Năng lực chống hạm của tàu dựa trên 8 tên lửa cận âm RGM-84 Harpoon. Tên lửa được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp quán tính giai đoạn đầu và radar chủ động giai đoạn cuối. Harpoon có tầm bắn 124 km, mang theo đầu đạn nặng 221 kg.
Hai bên mạn tàu được bố trí cụm phóng ngư lôi hạng nhẹ Mark 32 với 3 ống mỗi cụm. Ống phóng này có thể khởi động ngư lôi Mark 46 tầm bắn 15 km.
Nhiệm vụ phòng thủ và đánh chặn tầm cực gần được giao cho 2 hệ thống Phalanx 20 mm. Hệ thống gồm một pháo 6 nòng 20 mm cùng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực. Phalanx có thể đánh chặn các mục tiêu trong phạm vi 3,5 km xung quanh tàu.
Ngoài ra, xung quanh tàu còn được lắp 4 súng máy hạng nặng 12,7 mm và 2 pháo 25 mm để đối phó với các xuồng đổ bộ hay các mục tiêu nhỏ của đối phương.
Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm SH-60 Seahawk. Trực thăng có thể hoạt động ở bán kính 200 km quanh tàu mẹ.
Từ năm 2011, USS Curtis Wilbur thuộc biên chế nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76), Hạm đội 7 có cảng chính tại Yokosuka, Nhật Bản.