Chiến dịch 2G-4G đưa lời hứa phổ cập smartphone của Viettel thành hiện thực

Từ những ngày đầu, Viettel luôn đặt các mục tiêu “phổ cập” gắn liền với trách nhiệm xã hội: phổ cập di động, phổ cập cố định băng rộng… Lời hứa năm 2014 về phổ cập smartphone tiếp tục là cam kết mạnh mẽ của tập đoàn trong việc đưa công nghệ đến với mọi người. Với chiến dịch chuyển đổi "2G-4G" ở giai đoạn nước rút năm 2024, đã đến lúc mọi người dân, dù ở thành thị hay nông thôn, đều được hưởng tiện ích của xã hội số.

Chỉ vài năm trước đây, nhiều người dân Việt Nam ở các vùng núi, hải đảo xa xôi sẽ không thể hình dung được rằng điện thoại thông minh (smartphone) kết nối Internet có thể làm thay đổi cuộc đời mình như thế nào. Cho đến khi sự hiện hữu của công nghệ số ngày càng lớn: Những người bệnh tại vùng nông thôn hẻo lánh được tư vấn, khám bệnh và hướng dẫn điều trị bởi bác sỹ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội qua hệ thống Telehealth; Những học sinh miền núi học, ôn thi trực tuyến qua smartphone kết nối mạng và đỗ đại học; Các bà, các cô người dân tộc thiểu số bán hàng online trên sàn thương mại điện tử, cải thiện kinh tế gia đình…

Tháng 10/2024, Việt Nam chính thức tắt sóng 2G trên thiết bị 2G Only theo lộ trình của Bộ TT&TT để nhường tài nguyên viễn thông cho các công nghệ mới 4G, 5G. Trong cùng thời hạn thực hiện, nhiệm vụ này đối với Viettel là khó khăn hơn cả, bởi lẽ đây là nhà mạng có nhiều khách hàng ở vùng sâu, vùng xa nhất. Các khách hàng ở khu vực này chiếm tới 70% lượng máy điện thoại 2G có trên thị trường.

Với chiến dịch “2G-4G”, Viettel đã dốc toàn lực để bà con ở những nơi trước đây chỉ có thoại 2G được tiếp cận với Internet thông qua điện thoại thông minh. Cuộc sống số nơi núi rừng, hải đảo đã bắt đầu, cũng là lúc Viettel hoàn thành lời hứa phổ cập smartphone đến người dân Việt Nam.

Nắm và hiểu được thực tế tâm lý khách hàng, Viettel Lào Cai mở ra hàng loạt giải pháp. Người dân ở huyện Bảo Yên vẫn còn ấn tượng với "Ngày hội đổi máy 4G" tưng bừng, những quầy hàng mang sắc đỏ Viettel tại chợ phiên Trung tâm xã hay những trận bóng đá cực kỳ sôi động trong Giải Euro 2024 trên truyền hình TV360 được chiếu qua màn hình rộng. Những sự kiện đó không chỉ thổi thêm màu sắc hiện đại vào cuộc sống của họ mà chính là dịp để người thờ ơ nhất cũng biết đến việc nhà nước sẽ tắt sóng 2G và họ được đổi điện thoại có trợ giá.

Giống như tại Lào Cai, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai trên khắp 63 chi nhánh tỉnh, thành của Tổ quốc. Những cán bộ Viettel đã đặt chân đến từng thôn, xóm, làng bản để vận động, hỗ trợ bà con, chuẩn bị cho ngày chính thức cắt sóng 2G trên các thiết bị 2G-only sắp tới.

Một vấn đề rất lớn trong quá trình chuyển đổi máy và sim 2G lên 4G, đó là ở nơi không có sóng 4G, smartphone không khác gì “cục gạch”. Vì vậy, việc đảm bảo chất lượng sóng 4G là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc chuyển đổi khách hàng lên môi trường số. Ngay 6 tháng sau khi triển khai 4G toàn quốc năm 2017, Viettel đã vươn lên số 1 với hơn 36.000 trạm phát sóng. Thời điểm đó, chỉ riêng hạ tầng của Viettel đã đủ để đưa Việt Nam vào top 20 quốc gia có hạ tầng 4G hiện đại nhất, chất lượng nhất, mật độ phủ dân cư tốt nhất theo chuẩn quốc tế. Công nghệ và vùng phủ sóng này đảm bảo khách hàng có thể sử dụng dịch vụ 4G siêu tốc độ, ít hao pin và không bị gián đoạn truy cập cho dù di chuyển đến các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Ở giai đoạn nước rút 2024, Viettel đã triển khai thêm được hơn 5.000 trạm 4G, hiện số trạm 4G Viettel hiện chiếm khoảng 40% tất cả số trạm 4G ở Việt Nam. Ngoài việc bổ sung các trạm phát sóng, Viettel cũng triển khai các giải pháp nhằm nâng băng thông, tăng dung lượng của các trạm 4G hiện tại. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2025, vùng phủ 4G sẽ tương đương với 2G, tức phủ khoảng 98% dân số. Tập đoàn Viettel cho biết sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 7.000 trạm 4G mới.

Khi số lượng khách hàng sử dụng 4G tăng, ngoài việc bổ sung các trạm phát sóng, Viettel cũng triển khai các giải pháp nhằm nâng băng thông, tăng dung lượng của các trạm 4G hiện tại để tăng chất lượng mạng. Theo số liệu thống kê của các tổ chức đo kiểm chất lượng dịch vụ, trong năm 2024 Viettel luôn là nhà mạng đi đầu trong việc đảm bảo tốc độ download và upload 4G.

Nhìn lại năm 2014, Việt Nam có khoảng 20 triệu người dùng smartphone, tương đương với khoảng 22% dân số, theo Statista. Hết năm 2023, theo số liệu của Bộ TT&TT, số người sử dụng smartphone tại Việt Nam là 84% dân số - cao hơn tỷ lệ bình quân của thế giới là 63%, đưa Việt Nam vào Top 10 quốc gia có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới (theo Statista). Cuối năm 2024, chắc chắn con số này sẽ còn cao hơn nữa.

Ở những thành phố thông minh như Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Bình Dương… định hướng trên nền tảng xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như chính quyền địa phương. Những đô thị thông minh với quy trình quản lý vận hành tối ưu, đem lại cuộc sống giàu tiện ích cho các cư dân văn minh. Với chiếc smartphone, mọi người dân thực sự làm chủ và nâng tầm cuộc sống của mình.

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, khi việc sử dụng smartphone phổ biến, việc tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Nhà nước hay đề xuất đóng góp ý kiến xây dựng cũng dễ dàng và nhanh chóng. Từ đó, chính quyền địa phương thuận lợi hơn trong việc truyền thông và xử lý sự vụ, nâng cao chất lượng quản lý. Trong tương lai, Viettel đang nỗ lực hướng tới mục tiêu chung vào năm 2030, 95% dân số Việt Nam có smartphone và tiến tới đặt mục tiêu phổ cập 100% smartphone để mọi người dân đều được tiếp cận các tiện ích số tại thị trường Việt Nam./.