Giáo sư Trần Văn Khê:

Chiến binh âm nhạc truyền thống

TP - Giáo sư Trần Văn Khê là nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, nhà hoạt động văn hóa tiền bối từ trước cách mạng. Ông như một mảnh vỡ của nền âm nhạc đất nước trong thời loạn ly và cuối cùng đã về hợp nhất trong nền âm nhạc đất nước hòa bình và thống nhất.
Tranh: Nguyễn xuân Hoàng

Từ tiếng đàn đất nước

Tôi là hậu sinh, nhưng do gia đình chúng tôi nhiều người hoạt động nghệ thuật từ trước 1945, nên rất quan tâm tới nhạc sĩ Trần Văn Khê, một nghệ sĩ tài hoa và có nghị lực thật phi thường. Người ta thường biết sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Văn Khê gắn với Nam Bộ, nhưng ông xuất thân từ Huế. Cụ cố của ông là cụ Trần Quang Thọ vốn là một nhạc công nổi tiếng của triều đình Huế. Bởi vì Pháp đánh ta, các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm thời kỳ đầu đã thất bại, gia đình cũng lưu lạc mà đi. Cha của nhạc sĩ Trần Văn Khê là cụ Trần Quang Triều, vẫn giữ nếp nhà, rất giỏi chơi đàn bầu và đàn nguyệt. Hai cây đàn này cũng là những nhạc cụ rất đặc trưng cho âm nhạc Việt Nam. Cụ cố ngoại chính là người anh hùng Nguyễn Tri Phương, vị tướng tài trụ cột lúc ấy, khi Pháp dùng mưu chiếm thành Hà Nội, ông không đầu hàng mà tử tiết để tấm gương cho con cháu đời sau. Bên ngoại cũng nhiều người rất giỏi về âm nhạc, như người Huế thường nói là “văn võ song toàn”.

Theo hồi ký của nhạc sĩ, khi gia đình lưu lạc phương Nam, đã dựng gánh hát, tham gia vào sự phát triển nhạc tài tử, cải lương. Trong âm nhạc tài tử, cải lương của Nam Bộ, sở dĩ có rất nhiều bài bản xuất phát từ nhạc Huế đó là do những người con cháu của những người yêu nước chống Pháp như hậu duệ Nguyễn Tri Phương đưa từ miền Trung vào. Khi UNESCO vinh danh đờn ca tải tử là di sản văn hóa thế giới, nhạc sĩ rất mừng, song ông cũng nói rằng người chơi nhạc tài tử thì còn đó, nhưng truyền thống cả gia đình mấy thế hệ chơi nhạc trong một nhà như xưa thì nay rất hiếm. Chẳng là trước kia, có dịp gì vui thì cả nhà ông chia nhau mỗi người một nhạc cụ, cùng hòa đàn với nhau thật vui vẻ. Bây giờ, đôi khi trong nhà có người rất giỏi nhạc, nhưng con cháu thì chẳng mấy người theo, đó là phong tục văn hóa xưa đã mai một nhiều.

Hòa mình vào thế giới

Ít ai trải qua thời thơ ấu nghiệt ngã như Trần Văn Khê. Ông mồ côi mẹ khi 9 tuổi và mồ côi cha lúc 10 tuổi. Ba anh em mồ côi sống với người cô. Người cô giỏi nhạc và giỏi dạy cháu, từ nhỏ đã trang bị cho đứa cháu một cây đàn nguyệt bé xíu để tập tành. Khi đi học, vì học giỏi, ông được học bổng. Ông cùng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lập ban nhạc của trường. Ông ra Hà Nội học y và gặp gỡ nhiều nhạc sĩ ở Hà Nội. Tình bạn của các nhạc sĩ thật thân thiết. Cuộc sống gian nan thời Pháp thuộc, truyền thống âm nhạc còn đó. Khi vợ chồng nhạc sĩ Trần Văn Khê sinh hạ con trai Trần Quang Hải (1944) nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết hẳn một bài hát: “Trần Quang Hải bao nỗi mừng”.

Cách mạng nổ ra, Trần Văn Khê được uy tín cử vào “Nhạc trưởng quân đội Nam Bộ” hàm đại đội trưởng. Năm 1948, Trần Văn Khê bị lộ, bị Pháp bắt, theo hồi ký của mình, ông được bạn bè khuyên sang Pháp học để tạm lánh nạn. Ông cũng kể lại cuộc sống cơ cực khi mới sang Pháp, thường đi đánh đàn trong các tiệm ăn để mưu sinh. Năm 1958 ông đậu tiến sĩ Văn Khoa (môn nhạc học) với đề tài về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Từ đó ông tham gia rất nhiều hoạt động giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới và sau này, ông cũng đóng góp rất nhiều vào việc giới thiệu các di sản Việt Nam để UNESCO vinh danh.

Con đường nghệ thuật của nhạc sĩ Trần Văn Khê thật sự đặc biệt, ông đi ra phương Tây để nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam, từ phương Tây nhìn về âm nhạc Việt Nam, đến khi về Việt Nam những năm gần đây, ông lại giới thiệu âm nhạc Việt Nam cho UNESCO. Gặp gỡ với ông, người ngoại quốc thấy ông gần gũi, tin tưởng, người Việt Nam cũng thấy ông rất hiểu mình, là một người rất vững vàng về kiến thức dân tộc.

Chống chọi với bệnh tật của bản thân

Nhạc sỹ Phạm Duy và GS Trần Văn Khê

Tôi được bác tôi là Nghệ sĩ Ưu tú ca Huế Mộng Điệp giới thiệu rằng ông Trần Văn Khê là người rất giỏi về nhạc học và là một người cả đời không bao giờ ngừng viết. Khi nhạc sĩ trở về nước, tôi đã tìm đến nghe ông nói chuyện về âm nhạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Tháp tùng nhạc sĩ khi ấy là nữ danh cầm Hải Phượng, học trò của ông. Nhạc sĩ đã bày tỏ một thái độ hết sức lo lắng trước tương lai khó khăn của âm nhạc truyền thống trước sự bành trướng của âm nhạc nước ngoài. Tôi là người trong nước, khi nghe vậy lòng cũng nổi lên tự ái một chút, song tự nghĩ lại thì rất thấm thía: với nhiều người Việt Nam bây giờ, biết chơi nhạc nghĩa là biết chơi ghi ta, piano, violon chứ không phải là đàn nguyệt, sáo trúc hay đàn bầu. Anh em chúng tôi đã truyền tay nhau đọc hồi ký của nhạc sĩ Trần Văn Khê với sự ngưỡng mộ và ưu tư. Chính tập hồi ký của ông đã cho thấy những gian truân thử thách của âm nhạc dân tộc trong trường kỳ lịch sử. Âm nhạc dân tộc không tự nhiên mà tồn tại, đó là nhờ rất nhiều tâm huyết và công sức của các thế hệ.

Ông về TPHCM sống và làm việc trong một ngôi nhà vừa là nơi giao lưu với người nghiên cứu và yêu âm nhạc truyền thống. Nhiều lần tôi liên lạc, nhưng thư ký của ông đều nói ông không được khỏe, cứ khỏe thì ông sẽ có những cuộc trò chuyện với người yêu nhạc. Trong một lần như thế, tôi đã nghe ông nói chuyện về một đề tài rất hiếm hoi được nghiên cứu, đó là “Triết học phương Đông trong âm nhạc Việt Nam”. Đôi khi người ta chỉ biết đến âm nhạc dân tộc trong những đám tang, hay những hội hè, như thể đó là một phong tục, song với nhạc sĩ Trần Văn Khê thì âm nhạc truyền thống Việt Nam kết tinh những tư tưởng của người Việt và thể hiện sinh động những tư tưởng của người Việt Nam. Như vậy, ông đã lĩnh hội tư tưởng dân tộc và phát triển nó chính dựa vào âm nhạc dân tộc.   

Ngay lần đầu tiên gặp ông ở Hà Nội tôi đã thấy ông ngồi xe lăn rồi và cuộc sống của ông nhiều năm qua chống chọi với không ít bệnh tật. Vài hôm nay, báo chí đưa tin ông bị bệnh nặng, nằm viện, viết di chúc. Tôi đã liên lạc với nghệ sĩ Hải Phượng, học trò của ông thì nghệ sĩ Hải Phượng nói: “Ngày nào em cũng vào thăm thầy, nhưng thầy nằm phòng cấp cứu nên không gặp được”. Một người Huế rất thân thiết với nhạc sĩ thì cho biết: “Ngày đêm lên núi đứng cầu cho ông qua khỏi bệnh”.

Chống chọi với “bệnh” của âm nhạc truyền thống

Trong một bài viết của mình, nhạc sĩ Trần Văn Khê đã cho rằng âm nhạc Việt Nam “mắc bệnh mãn tính”. Ông viết: “Trong lịch sử, từ hơn một trăm năm, nước Việt Nam mất chủ quyền.?Chánh sách thuộc địa, tuy không cấm đoán chúng ta học tập hay biểu diễn âm nhạc dân tộc, nhưng người thống trị thường phổ biến và đề cao văn hóa của họ, và tất nhiên đẩy lùi văn hóa người bị trị vào trong bóng tối”. Theo nhạc sĩ thì chính vì tâm trạng tự ti mà người dân dần xa lánh âm nhạc dân tộc: “Bị chóa mắt vì cái hào nhoáng bên ngoài, nhạc cụ lộng lẫy, dàn nhạc đông đảo, người dân Việt sanh ra tự ti, thấy cái gì mình cũng thua kém,?thì văn hóa mình cũng không bằng văn hóa người thống trị. Thấy cây đàn piano bóng bẩy, cả mấy chục dây, nhìn lại cây đàn bầu, thùng tre thùng gỗ trông nó nghèo nàn làm sao!”.

Nhạc sĩ Trần Văn Khê nêu lên sự thật khi ông để ý thấy người học nhạc ngày nay: “Đi học đàn cò, thì xấu hổ, dấu kín cây đàn cò trong bị. Đi học đàn violon, thì hãnh diện xách cây đàn trong hộp gỗ cho mọi người thấy!”. Những tâm sự của ông khiến người ta không thể không bùi ngùi. Bởi vì trước đây, thời kỳ đầu đánh Pháp, hình ảnh của người Việt Nam ngoan cường đó là tay cầm giáo mác mà lưng đeo đàn nguyệt, sáo trúc dắt lưng!

            6/2015

Trần Văn Khê đã đăng trong 27 năm làm việc, gần 200 bài đa số viết bằng tiếng Pháp, một số nhỏ bằng tiếng Anh có một số bài được dịch ra tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Ả Rập trong đó có hơn 130 bài từ hai ba chục đến cả trăm trang đánh máy, và những bài đăng trong tạp chí Le Courrier de l’Unesco được dịch ra hơn 15 thứ tiếng.

Trần Văn Khê được các nước mời, được Trung tâm nghiên cứu khoa học Pháp và UNESCO phái đi dự gần 200 hội nghị quốc tế trên 67 nước trên thế giới.

Đã tự ghi âm trên 600 giờ âm nhạc và trao đổi với nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam, trên 300 giờ âm nhạc châu Á, châu Phi, chụp hơn 8.000 tấm ảnh, dương bản, ảnh màu hoặc đen trắng về sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam và tại nhiều nước đã đi qua, thu thập được gần 500 đĩa hát của các nước trên thế giới, thực hiện được hơn 15 đĩa hát về âm nhạc truyền thống Việt Nam, 4 đĩa được 5 giải thưởng lớn của Hàn lâm viện đĩa hát Pháp, năm 1960, 1970, đĩa hát Đức quốc năm 1969, Diapason d’or của tạp chí chuyên về giới thiệu và phê bình đĩa hát tại Pháp, và Giải các nhà phê bình đĩa hát tại Đức quốc năm 1994 .