Chí Trung: Tương lai của tôi là trại dưỡng lão, không phải gắn với người nào đó

60 năm cuộc đời là dấu mốc đủ để người ta chiêm nghiệm, đúc kết về thành công hay thất bại của chính mình. Đó là lý do để chúng tôi phỏng vấn NSƯT Chí Trung, khi anh vừa đón sinh nhật lần thứ 60 của mình.

Đời tôi được nhiều hơn mất

Vào ngày sinh nhật lần thứ 60 của mình, anh chia sẻ một đoạn trạng thái ngắn gọn, không có chữ nào là thở than phiền não nhưng ngẫm thì thấy chất chứa khá nhiều tâm tư. Nhìn nhận lại anh thấy mình được gì và mất gì?

- Cuộc đời tôi được nhiều hơn là mất. Có mất thì đúng là cái khiến cho cuộc đời chuyển sang một trạng thái khác! Còn lại cả cuộc đời tôi đều rất bằng phẳng, mặc dù xuất phát điểm rất gập ghềnh.

Từ năm 4 tuổi, tôi đã trải qua sự mất mát quá sức so với tuổi. Đó là việc bố mẹ chia tay nhau vào năm 1965. Bố tôi lúc đó mới 28, còn mẹ 24, còn rất trẻ.

Bây giờ chuyện đó là quá bình thường nhưng với thời đó thì rất nghiêm trọng. Nó khiến tôi mặc cảm về sự thua thiệt với cuộc sống, đồng thời tạo nên tính cách khá là khắc kỷ với bản thân và những người xung quanh của tôi.

Ngày xưa người ta không dùng từ tự kỷ nhưng hình như tôi là một trong những "mầm non tự kỷ" đầu tiên thời đó. Lúc thì ở với bố, lúc ở với mẹ hoặc bà nội. Đời sống bao cấp khó khăn khiến cho những đứa trẻ chúng tôi ít được quan tâm. Bố mẹ tôi lại làm nghệ thuật (bố nghệ sĩ Chí Trung là ca sĩ - NSND Quý Dương, mẹ là nghệ sĩ violoncell - pv) nên cứ đi suốt. Tôi sống với bố mẹ rất ít mà ở với bà nội nhiều hơn.

Nghệ sĩ Chí Trung ở tuổi 60 bình an chiêm nghiệm về cuộc đời của mình

Hết lớp 10 (hồi đó là hệ 10 năm) tôi tự biết mình không thi được đại học nên quyết định không thi. Đúng lúc đó Nhà hát Tuổi trẻ tuyển diễn viên. Đó là năm 1978 bố dẫn tôi đến gặp chú Doãn Hoàng Giang, bảo con tôi muốn thi vào Nhà hát Tuổi trẻ. Chú Giang kiểm tra và cho một vài gợi ý. Khi vào thi thì cứ được 1 phút các cô chú lại bảo thôi, đi ra. Có thể vì tôi là con trai của bố Quý Dương - một hành trang khá tốt để được tuyển chọn nhưng cũng có thể vì chính ngoại hình sáng sân khấu của tôi là yếu tố quyết định. Chẳng gì thì so với hồi đó tôi cũng thuộc hàng cao ráo, mặt mũi sáng sủa, ăn nói lanh lợi, có tố chất con nhà…

18 tuổi tôi được nhận vào nhà hát và rồi từ đó, cuộc đời cứ thế may mắn mãi. Ở đó, tôi gặp Ngọc Huyền – tình yêu đầu đời một cách đúng nghĩa. Yêu từ năm 1978 đến năm 1986 mới cưới rồi lần lượt 2 đứa con ra đời.

Nhà hát Tuổi trẻ lúc đó vẫn còn mới nên nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Lãnh đạo nhà hát là những tên tuổi sáng giá như bà Hà Nhân, Phạm Thị Thành học ở nước ngoài về, rồi sau này đến anh Lê Hùng nữa. Được tiếp thu những tinh tuý của nghệ thuật nước ngoài nên các cô chú, anh chị đã đào tạo nên lứa diễn viên có phong cách và lối diễn khác với các nhà hát khác. Chân thật và đầy mới mẻ.

Nghệ sĩ Chí Trung ghi dấu ấn đậm nét với vai Táo Giao thông trong Gặp nhau cuối năm

Đào tạo 3 năm, đến năm 80 tôi đã được diễn, mà toàn đóng vai chính. Năm 1983 bước chân vào truyền hình với series Chiến sĩ trẻ, và tôi là một trong những diễn viên đóng chiến sĩ đầu tiên. Tóm lại là một gương mặt sáng giá của sân khấu và phim ảnh lúc bấy giờ. Rồi sang chương trình Gặp nhau cuối năm, đóng 18 năm liên tục, được định hình với vai Táo Giao thông như mọi người thấy, dù đóng nhiều Táo khác nhau.

Bước qua lĩnh vực hài, tôi thấy mình may mắn vì bản thân tôi không phải là người diễn duyên dáng như các bạn Xuân Bắc, Quang Thắng, Quốc Khánh, Công Lý hay Vân Dung… Tôi tự đánh giá là mình kém xa. Chỉ có có một chút hóm hỉnh, duyên dáng ngoài đời thôi. Nhưng tôi có cái được mà trước đó là anh Khải Hưng, sau này là Đỗ Thanh Hải đánh giá là hợp với những vai hài thâm.

May mắn trong nghề không có nghĩa là cũng như vậy trong cuộc sống. Năm 86 tôi lao vào cuộc mưu sinh, làm rất nhiều nghề khác nhau vì thèm tiền. Rất nhiều năm tôi lăn lộn ở chợ trời buôn xe máy, xe đạp, bóng đèn… rồi sau này kinh doanh nữa nhưng đều giữa đường đứt gánh. Có lẽ, giời cho chúng tôi làm nghệ sĩ thì chỉ có thể sống chết với nghề đó thôi, không thể phân thân nhiều thứ được.

Tôi tuổi Trâu nên làm gì cũng khó giàu

Nghệ sĩ Chí Trung không còn day dứt về duyên và nợ

Nghe anh kể mới thấy, anh có chức quyền, tài năng, sự nổi tiếng, hoạt ngôn, nhiều mối quan hệ trong xã hội; bản thân lại có khát vọng làm giàu và đã làm nhiều thứ. Thế nhưng vì sao vẫn không thể giàu được? Như anh chia sẻ hôm sinh nhật 60 tuổi thì "vẫn ở nhà tập thể với chút danh quèn, tiền nong tích luỹ cũng đủ để mua thuốc đón đợi bệnh già trước khi đi 'hội ngộ' cùng ông bà bố mẹ". Nếu theo lý thuyết, anh giỏi thì anh phải giàu chứ? Thế vấn đề là nằm ở đâu?

- Tôi cũng thử lý giải và thấy nghề này nhiều người nổi tiếng mà lúc ra đi chỉ có hai bàn tay trắng mà…

Nghệ sĩ Chí Trung tâm sự, anh mất 2 năm sống trong nỗi buồn và cô quạnh

Nhưng họ không làm nhiều thứ giống như anh. Trong khi anh kinh doanh và có khát vọng kiếm tiền rất mãnh liệt…

- Con người ta đều có số mệnh cả. Tôi tuổi Tân Sửu. Con trâu là thế đấy, không giàu được. Nhiều người tuổi Trâu còn dính cả bi kịch nữa. Tôi đã trải qua nhiều nên tạm đóng bi kịch được rồi. Thực ra cơ hội của tôi nhiều, quen biết rộng với những người có chức quyền hay đại gia nhưng rất ngại mở miệng nhờ vả. Con trâu trông thế nhưng có gì đâu. Đến giờ gặm cỏ, tối về đi ngủ. Có thể cái tuổi tạo nên như thế chăng? Nhưng tuổi này được một cái khá an nhiên, làm chủ cuộc sống của mình.

Cũng trong chia sẻ hôm sinh nhật 60 tuổi, anh nói: "Yêu thương lắm nhưng cũng oan trái nhiều. Chả ân hận, không đớn đau mà cũng thấy hơi hơi hạnh phúc". Chẳng phải hiện giờ anh đang có cuộc sống riêng rất tốt sao? Như có bạn gái xinh đẹp, giỏi giang, lại trẻ nữa… Ở tầm tuổi này hay vì trải qua đổ vỡ mà anh trở nên dè chừng khi nói về hạnh phúc?

- Đúng là tôi đang có một cuộc sống khá thoải mái. Có bạn gái xinh đẹp, trẻ trung, có sự tự chủ… nhưng tôi vẫn cẩn trọng và chừng mực khi nói về hạnh phúc.

Tôi không còn tin lắm vào hạnh phúc bền vững, vì như tôi và Huyền hơn 30 sống với nhau mà một ngày còn tan, huống chi là chỉ vài năm.

Biến cố hôn nhân có cái "lợi" là tôi không còn khắc kỷ và độc đoán

Trở lại với phần đầu buổi trò chuyện anh nói, cuộc đời anh được nhiều hơn mất. Cái mất chính là sự chia tay với người vợ hơn 30 năm chung sống. Điều đó đã làm thay đổi cuộc sống của anh như thế nào?

- Nó làm thay đổi tất cả tư duy của tôi!

7/6/2017 là ngày tôi nhậm chức giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Huyền đến nhà hát chúc mừng tôi. Đó cũng là năm Huyền nghỉ hưu và từ đó không đến nhà hát nữa.

Nhậm chức vài tháng thì tôi đi công tác Nhật từ 20/10/2017 đến 31/10/2017. Về nhà thì thấy Huyền đã dọn đồ đi rồi. Tất nhiên để dẫn đến chuyện này thì trục trặc của gia đình tôi đã bắt đầu xảy ra từ năm 2016. Dù vậy, để đi đến quyết định như Huyền thì đó là một biến cố cực lớn với tôi. Tôi coi đó là bất hạnh cho riêng mình.

Người ta sẽ nói, ông phải sống thế nào thì người vợ mới bỏ ông chứ? Trong cuộc sống thì không ai nói chắc là mình đúng và tốt hết. Nếu tốt sao ai người ta bỏ mình? Nhưng để trở thành một kẻ khốn nạn hay xấu xa thì tôi nghĩ không phải như vậy.

Tôi không muốn mượn diễn đàn của GiadinhNet để bào chữa, cũng không muốn khới lại câu chuyện này nữa. Nhưng như bạn nói, muốn ghi dấu sự kiện 60 năm cuộc đời của tôi thì tôi mới chia sẻ, vì bạn là người mà tôi tương đối tin tưởng.

Chốt lại, tôi thừa nhận là chồng mà không giữ được người phụ nữ của mình thì đó là lỗi của tôi. Bởi thế mà tôi thấy mình không còn nhiều nỗ lực và khát vọng nữa, trừ công việc của nhà hát.

Nhưng có một điều tích cực là bây giờ tôi không dằn vặt vì chia tay, không canh cánh nợ một người vợ đức hạnh, tốt lành như Huyền; không buồn vì các con không ở với mình nữa vì giờ chúng đã có cuộc sống riêng khá ổn định. Bản thân tôi cũng thay đổi nhiều sau biến cố. Hiền hoà hơn, biết lắng nghe hơn chứ trước chỉ ra lệnh thôi. Khắc kỷ và độc đoán.

Nghĩa là chị Huyền ra đi đã mang theo của anh nhiều thứ, cả nỗ lực và khát vọng vào hạnh phúc của anh?

- Câu đó không hoàn toàn đúng. Nó là cảm giác của tôi sau biến cố gia đình thôi. Đến lúc đó tôi mới ngộ ra một chữ duyên. Sau khi đọc những "Hành trình về phương Đông", "Muôn kiếp nhân sinh", "Bên rặng tuyết sơn" của tác giả Nguyên Phong thì mới hiểu ra một điều rằng vợ chồng nó là duyên. Có thể kiếp trước chúng tôi nợ nần nhau đến đó thôi và đã trả nợ xong rồi thì đường ai nấy bước.

"32 năm chung sống cuối cùng một ngày vẫn tan", tôi nghĩ nó phải âm ỉ từ trước rồi, bởi tôi nhớ trong một lần phỏng vấn, chị Ngọc Huyền biết những nhược điểm của anh nhưng chấp nhận điều đó bởi trên tất cả thì hai người luôn yêu và trân trọng nhau. Vậy anh có biết để đi đến quyết định ly thân rồi ly hôn là từ đâu?

Nghệ sĩ Chí Trung hiện tại luôn trẻ trung và biết chăm sóc bản thân để giữ gìn sức khoẻ

- Nói thật là đến giờ tôi vẫn không biết vì sao Huyền bỏ tôi và cụ thể cái sai của tôi là thế nào. Tôi chỉ mơ hồ đoán định và đưa ra nhiều lý do để lý giải điều đó. Tôi chắc chắn có lỗi chứ, sống với nhau 32 năm mà? Nhưng lỗi trầm trọng như bỏ bê vợ con, tệ bạc, làm chuyện khuất tất thì chắc chắn không có. Tiền nong trong nhà tôi không bao giờ để ý. Trong túi tôi lúc nào cũng chỉ có 10 triệu để thỉnh thoảng đi nhậu với bạn bè. Hết lại xin vợ.

Khi Huyền đề nghị ly thân, tôi đã xin lỗi và mong Huyền quay lại nhưng không được. Dù vậy thì tôi cũng không giận đâu mà vẫn thương lắm vì tôi chắc chắn là Huyền không sung sướng gì khi chọn giải pháp này.

Hay cô ấy có người khác nên mới cương quyết thế, anh có nghĩ đến lý do này không?

- Tôi tin là Huyền không có người khác. Chỉ là lỗi ở tôi thôi, chắc chắn là tôi đã sống thế nào đó, gia trưởng, độc đoán, ghê gớm… Trước đây tôi không bao giờ cho vợ đi đâu xa mà không có mình, vì tôi rất sợ mất vợ. Tôi thấm thía cảnh bố mẹ chia tay rồi nên sợ ly hôn vô cùng. Sau đó thì tôi lý giải rằng có thể là hết duyên. Duyên vợ chồng đã "trả" xong thì "đi" thôi. Từ khi nghĩ như thế thì tôi thấy nhẹ lòng hơn.

2 năm ly thân, tôi khóc nhiều và không dám về nhà

Sau ly hôn thì thực tế cho thấy, khả năng chịu đựng của đàn ông kém hơn phụ nữ. Bao nhiêu năm quen được nghệ sĩ Ngọc Huyền chăm sóc, hẳn anh sẽ chuếnh choáng nhiều lắm?

- 2 năm ly thân, tôi chỉ cố thủ trong nhà hát. Sáng 6 giờ đã đến, pha một ly cafe rồi đàn, hát, nước mắt cứ tự nhiên chảy ròng ròng. Đêm thì 11-12 giờ mới đứng dậy về nhà. Không phải bận mà lúc đó tôi rất sợ về nhà vì tôi chỉ còn một mình. Làm gì cũng không khỏi nghĩ về những ngày tháng đầy đủ đã qua.

Như bạn nói, sức chịu đựng nỗi cô đơn của người đàn ông kém lắm. Tôi có nuôi một con chó. Ăn cơm cũng cho nó ngồi lên lòng ăn cùng. Trước nay tôi chưa bao giờ biết nấu cơm cả. Có 2 thứ tôi làm được là đun nước với luộc trứng. Vậy mà 2 năm đó tôi phải tự làm hết tất cả. Lắm hôm nấu cơm mà nước mắt cứ chảy ra tự lúc nào. Nấu xong thì không ăn nổi, lại đi nằm đến tối muộn mới cố ăn cho xong. Mà nấu thì cũng ăn đi ăn lại vài ngày mới hết chứ làm gì được "ăn tươi" đâu.

Vậy từ khi nào thì anh thoát ra được nỗi cô đơn đó?

- Cuộc đời cứ như là số phận đã an bài vậy. Từ năm 2017-2019 tôi cứ sống và chịu đựng một mình như thế. Đến giữa năm 2019 thì tôi quen Ngọc Lan, cũng lại là Ngọc – bạn gái hiện tại.

Lan là người rất mực thước, cẩn thận, luôn chăm chút cho tôi từ quần áo, vóc dáng đến ăn uống hàng ngày. Cô ấy bảo, anh phải đẹp lên để em được tự hào khi đi bên cạnh anh. Giờ thì hàng ngày tôi đều dành thời gian tập thể dục để body đẹp hơn. Trưa và chiều về ăn cơm với Lan. Tôi cũng không còn thích nhậu nữa mà ăn theo chế độ của bạn gái vạch ra để tốt cho sức khỏe.

Hướng của tôi là trại dưỡng lão chứ không phải gắn bó với một người nào đó

Có người chăm chút như vậy mà anh chỉ gọi là "hơi hơi hạnh phúc" thì nghe chừng khắt khe với hạnh phúc quá…

- Bây giờ tôi đang rất tốt, còn hạnh phúc thì… làm sao mà hạnh phúc được khi vẫn canh cánh về cuộc hôn nhân cũ. Vui sướng sao được khi các con không ở với mình...

Có lẽ do tôi không hi vọng nhiều như thời trẻ nữa. Mà mình cũng là người gàn dở, ghê gớm thì khó tìm được sự đồng cảm lớn lao trong lúc này. Tử vi nói tôi cô quả, cho nên tương lai của tôi là trại dưỡng lão chứ không phải gắn bó với người nào đó.

Nghệ sĩ Chí Trung bên bạn gái Ngọc Lan

Anh cứ thẳng tuột thế sẽ làm cho người phụ nữ cảm thấy chênh vênh. Thế nhỡ giờ bạn gái muốn một danh phận thì anh tính sao?

- Tính tôi trước nay đều thẳng thắn như thế và Lan chịu được. Cả hai chúng tôi vừa qua một cuộc lật đò và mới bơi được vào bờ nên khá tỉnh táo trước các mối quan hệ. Lan rất hợp với tôi vì không muốn một sự ràng buộc nào. Có khi cứ yêu nhau lại bền, còn kết hôn lại hỏng. Sợ nhất là sự luỵ nhau.

Kết hôn chỉ là một cái giấy chứ có gì đâu, rồi tự nhiên bị ràng buộc về nhiều thứ.

Giờ chúng tôi ai ở nhà nấy, tôi vẫn về nhà mình để chăm sóc cây cối, hương khói cho các cụ và xin có sức khoẻ để tự chăm sóc mình, không làm liên luỵ đến ai. Không biết lúc mình mất rồi có ai thắp hương cho mình không? Bạn bè bảo, rồi lúc đó khắc có người lo vì cái thằng thắp hương nhớ các cụ thì ít mà xin cho nó thì nhiều. Giống tôi bây giờ đây, xin một tràng dài cho mình (cười).

Vậy với anh bây giờ điều quan trọng nhất là…

- Tôi từng rất hạnh phúc và có những lúc bất hạnh tưởng chừng không vượt qua được, để rồi rút ra một điều: trên đời này, mỗi người sinh ra, sống đều có số mệnh, có phúc, có phận. Tôi nhận ra mình đã bỏ quên một người rất quan trọng là chính tôi. Bây giờ tôi chăm chút cho bản thân bằng cách giảm các cuộc ăn nhậu, tập luyện hàng ngày để giữ sức khoẻ. Sang năm về hưu rồi, tôi sẽ còn nhiều thời gian hơn để sống cho mình, đi chơi, du lịch… làm sao để cảm thấy mình xứng đáng có mặt trong cuộc sống này và mình là quan trọng nhất.

Cảm ơn NSƯT Chí Trung về cuộc trò chuyện!

Theo Giadinh.net.vn