Báo cáo trên được WB công bố tại Hội thảo Thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh tại Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 12/3.
Theo WB, điểm cho chỉ số tiếp cận điện của doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam còn kém điểm của nước dẫn đầu (Hàn Quốc) tới 63,38 điểm.
Để có điện, mỗi DN tại Việt Nam phải hoàn thành 6 thủ tục (trong khi các nước thuận lợi chỉ có 3 thủ tục); thời gian để làm những thủ tục này và được cấp phép lên tới 115 ngày, chi phí tốn 1.432,8% mức thu nhập bình quân đầu người (chi phí ở các nước dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ 44,1% mức thu nhập bình quân đầu người).
“Chi phí để đấu nối điện tại Việt Nam tụt hậu hơn nước khác rất nhiều, đặc biệt các nước có thu nhập cao”, chuyên gia WB đánh giá.
WB lấy ví dụ một DN tại TP.HCM, đơn vị này bắt buộc phải làm 6 thủ tục, gồm: Nộp hồ sơ xin đấu nối điện và chờ Cty điện lực TP.HCM xét duyệt (mất 30 ngày); khách hàng được công ty điện lực kiểm tra thực địa (1 ngày); được duyệt thiết kế và được cấp phép đào đường, vỉa hè để đấu nối dây ngầm do Sở GTVT cấp (15 ngày); thuê một công ty thiết kế và tiến hành thi công ngoài trời, lắp đặt máy biến thế (65 ngày, chi phí mất 544 triệu đồng); cơ quan phòng cháy chữa cháy cấp giấy chứng nhận thiết kế đạt yêu cầu an toàn (30 ngày); được lắp công tơ và đấu nối điện (7 ngày).
Trong khu vực ASEAN, Thái Lan là nước có chỉ số tiếp cận điện dễ nhất (xếp 12/189 quốc gia xếp hạng), tiếp đến là Philippine (thứ 16/189), Malaysia (thứ 27/189), Indonesia (thứ 78/189), Lào (thứ 128/189). Trung bình khu Đông Á và Thái Bình Dương là 4,6 thủ tục, mất 77,4 ngày, chi phí hết 887,6% mức thu nhập bình quân đầu người.
Theo WB, trong năm 2013-2014, đã có 107 quốc gia tinh giảm quy trình xét duyệt cấp điện, khách hàng không cần phải cất công làm việc với nhiều đơn vị, cơ quan khác nhau (như Campuchia). Trong khi đó, tại Việt Nam, các DN phải làm việc với nhiều đơn vị, cơ quan khác nhau (như giao thông, phòng cháy chữa cháy, chính quyền địa phương…) để được hạ ngầm cáp, hoặc các quyền khác liên quan tới đấu nối điện. “DN tại Việt Nam phải làm nhiều thủ tục nên sẽ kéo dài hơn”, chuyên gia WB nói.