Đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) vốn được biết đến là nơi tập kết nhiều loại rác thải qua đôi bàn tay của các nghệ sĩ với 16 tác phẩm trở thành một không gian văn hóa nghệ thuật nổi bật vào ban ngày, rực rỡ vào ban đêm cùng với những câu chuyện kể về Thăng Long - Kẻ Chợ.
Về những câu chuyện trong những tác phẩm, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: "Khu Kẻ Chợ 36 phố phường được hình thành lên từ nơi giao thương của các vùng miền chung quanh Hà Nội, trong đó, bãi Phúc Tân, bãi Phúc Xá là những bãi bến thuyền lớn ở chân cầu Long Biên hồi bấy giờ. Người dân ở đây có khi đã lãng quên hoặc không biết về nó, dự án sẽ gợi lại không gian, những ký ức và nhắc nhở đến thực trạng về những dòng sông chạy qua thành phố".
Anh Sơn chia sẻ thêm, sau khi nhận đề tài về việc "biến khu bãi rác thành điểm đến nghệ thuật" thuộc dự án "Cải tạo, nâng cấp cảnh quan khu vực ven sông Hồng", nhóm nghệ sĩ đã hoàn thành, biến ý tưởng trên giấy thành sản phẩm sáng tạo chỉ trong vòng 1 tháng.
Những tác phẩm nổi bật như "Thuyền" của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông làm từ 10 nghìn vỏ chai nhựa, “Gánh hàng rong” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn làm từ sắt phế thảivà inox gương ánh vàng ánh bạc. Chiếc thuyền dài 7 mét, được ghép từ 5.000 mảnh gương, nặng 400kg của nghệ sĩ Cấn Văn Ân phản chiếu cầu Long Biên.
Băng ghế được thiết kế như một phòng trưng bày luân phiên, là chỗ nghỉ cho khách tham quan và người dân địa phương. Lấy cảm hứng từ băng ghế xi măng cũ của người dân địa phương, băng ghế mới bằng các inox và kính cường lực là sự tiếp nối của quá khứ vào tương lai, một bảo tàng của các bộ phận "ngựa sắt" cũ đã từng tạo ra những con mãng xà ô nhiễm ở trên.
Tác phẩm "Ngựa sắt đương đại" từ hai hiệp sĩ đi xe máy (ngựa sắt) dùng vũ khí tiêu diệt 2 con mãng xà tạo từ khí thải của chính 2 con ngựa sắt của họ (và chúng ta) tạo ra. Vẽ màu dầu và nét trên hai mặt sắt cắt laser. Tác phẩm đặt trên tường từ độ cao 1.6m. Kích thước: 5m x 2.5m
Bốn con thuyền và sóng nước được làm từ 10 nghìn vỏ chai nhựa và hộp dầu xe đã qua sử dụng.
“Gánh hàng rong” của nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn là những hình phụ nữ mặc yếm, váy đụp, đội nón quai thao đang gánh hàng. Họ là bóng hình của những cư dân buôn bán trên bến sông 100 năm trước.
Tác phẩm làm từ sắt phế thảivà inox gương ánh vàng ánh bạc. Ánh sáng, bầu trời, cây cỏ và dòng người qua lại phản chiếu vào bóng gương của tác phẩm.
Tác phẩm “Nhà nổi” của nghệ sĩ Đăng Ninh kể lại lịch sử nhà ven sông xuất phát từ những thùng gỗ. Hơn 20 thùng phi sắt sơn màu sặc sỡ, khoét cửa sổ, tạo hình thành những chồng nhà nổi.
Buổi tối, từ 19-22h ánh đèn hắt ra từ những ô cửa sổ nhỏ tạo hiệu ứng thị giác.
Chiếc thuyền được tạo từ các mảnh gương vứt bỏ với thông điệp bảo vệ môi trường.
Các tác phẩm hoàn toàn được tạo nên từ những vật liệu phế thải.