Cháy nổ, cứu người phải là ưu tiên

TP - Tại tọa đàm “Làm gì để giảm nguy cơ cháy nổ hiện nay?”, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, khi cháy phải tìm mọi cách cứu người.
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH. Ảnh: Thanh Hà

Trong buổi tọa đàm “Làm gì để giảm nguy cơ cháy nổ hiện nay?”, diễn ra sáng 10/11. Thiếu tướng Mạnh cho biết, kinh nghiệm cho thấy, công tác chữa cháy đạt hiệu quả cao nhất trong khoảng 10 phút từ khi xảy ra cháy, trong thời gian này nếu ứng cứu nhanh thì chỉ 1 gáo nước là có thể dập tắt. Nhưng sau 10 phút thì hệ quả khôn lường, ví dụ như trong vụ cháy quán karaoke làm 13 người tử vong trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa qua.

Theo ông Mạnh, về nguyên tắc, khi xảy ra cháy phải truy xét xem nguồn gốc lửa ở đâu và việc đầu tiên phải tìm mọi cách cứu người trong đám cháy. Khi người trong đám cháy còn tỉnh táo, sẽ được hướng dẫn thoát ra theo đường an toàn và tổ chức công tác cứu nạn nếu người bên trong mất phương hướng.

“Nếu đám cháy lớn, báo tin chậm thì công tác chữa cháy rất khó khăn, nhiệt độ rất cao không thể vào sâu bên trong. Lúc đó, song song công tác chữa cháy, phải chống cháy lan sang công trình lân cận” - thiếu tướng Mạnh nói.

Theo thiếu tướng Mạnh, công tác thẩm duyệt, thi công lắp đặt, nghiệm thu đặt ra là năng lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực PCCC phải rất cao mới có thể làm được.

Cũng theo tướng Mạnh, nhiều doanh nghiệp lắp đặt các trang thiết bị về PCCC không đảm bảo theo yêu cầu, không nắm được tiêu chuẩn kỹ thuật, lại cứ đưa hồ sơ lên sau đó bị trả lại thì nghĩ là bị gây phiền hà.

Có cháy là phải chạy ra ngoài

Cũng tại buổi tọa đàm, trao đổi với báo chí về việc xảy ra hỏa hoạn tại nhà chung cư cao tầng người dân cần phải làm gì, thiếu tá Vũ Công Hòa, Phó Trưởng phòng Công tác chữa cháy (Cục Cảnh sát PCCC) cho biết, đối với nhà chung cư, khi gặp sự cố cháy nổ, người dân phải giữ bình tĩnh sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa, đồng thời báo lực lượng chức năng,…

“Ở các chung cư đều có cầu thang thoát nạn, tránh được khói. Khi xảy ra cháy người dân mở cửa chạy vào trong sẽ tự đóng và cầu thang này phải thường xuyên được kiểm tra đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, khi không thể xuống được phía dưới thì có thể chạy lên trên tầng cao dùng các thiết bị như đèn pin để báo hiệu. Tuyệt đối không chạy vào thang máy” - Thiếu tá Hòa cho biết.

Còn theo thượng tá Phan Mạnh Hà, Trưởng phòng công tác CNCH (Cục Cảnh sát PCCC) việc tìm cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng là phản ứng tự nhiên, bản năng của mỗi con người, tuy nhiên để có thể đạt được hiệu quả thì mỗi người cần trang bị những kỹ năng cơ bản như khi đến nhà cao tầng phải tìm hiểu lối thoát nạn,… để khi có sự cố thì thoát ra ngoài an toàn.

Theo thượng tá Hà, trong vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông vừa qua, được biết có 2 người dùng khăn ướt che mũi, miệng để chạy xuyên qua đám khói thoát ra ngoài an toàn. Như vậy, kinh nghiệm cho thấy, đối với nhà cao tầng công tác thoát nạn đảm bảo tính mạng là yếu tố quan trọng nhất đòi hỏi khi xảy ra sự cố không được chần chừ mà phải khẩn trương thoát ra bên ngoài giữ được tính mạng trong tình huống nguy hiểm.

Cần xem xét trách nhiệm cán bộ trong quản lý karaoke, quảng cáo

Trao đổi với PV Tiền Phong bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Sau vụ cháy quán Karaoke 68 tại quận Cầu Giấy - Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu chấn chỉnh dịch vụ này. Nói về trách nhiệm để xảy ra sai sót, bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) cho hay: Bộ VHTT&DL quản lý bằng việc ban hành các quy định, còn trách nhiệm trực tiếp thuộc các địa phương. “Không chỉ quảng cáo, karaoke, khi xảy ra các sự việc như vừa qua cần xem xét trách nhiệm người thực thi công vụ. Bộ không thể chỉ đạo các địa phương xử lý cán bộ mà các địa phương cần chủ động thực hiện việc này. Tới đây, sau khi có công văn chấn chỉnh, Bộ sẽ có các đoàn công tác kiểm tra tại các địa phương” – bà Thủy nói.

Bà Thủy đồng tình với kế hoạch dự kiến tạm dừng hoạt động karaoke trên toàn thành phố Hà Nội để chấn chỉnh do Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra.  

Sỹ Lực