Chạnh lòng Đồng Mai

TP - Tết cận kề, các ngư phủ bôn ba tứ tán lại tụ họp về quê nhà ở Tổ 18, phường Đồng Mai (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Tết năm nay vui, sum vầy hơn, nhưng họ biết ngay sau Tết ông bà, cha mẹ, con cái lại ly tán. Một giấc mơ Xuân đằng đẵng hàng chục năm qua, lúc nào họ sẽ được an cư lạc nghiệp trên mảnh đất quê hương.
Gia đình anh Nguyễn Văn Trang đã rời bỏ “tư dinh” của mình ở hồ Suối Hai để trở về sum họp với gia đình để bắt đầu cuộc mưu sinh mới.

Ăn Tết trên sông

Tuyến bài “Khát vọng lên bờ” nói về mong ước của hàng trăm hộ dân vạn chài tổ 18, phường Đồng Mai (Hà Đông, Hà Nội) được lên bờ để ổn định cuộc sống đăng tải trên báo Tiền Phong tháng 5/2019. Sau hơn nửa năm, chúng tôi trở lại đây trong những ngày cận tết. Một số gia đình đã bắt đầu trở về sau một năm dài mưu sinh. Đón chúng tôi trước hiên nhà, cụ Nguyễn Thái Tưởng khoe: “Thế là Tết này, cả gia đình được đoàn tụ, vợ chồng cháu lớn đang chở nhau đi sắm Tết. Cũng đến gần 20 năm gia đình chưa Tết nào được đoàn viên”.

Rót chén trà mời khách vừa hướng ánh mắt xa xăm như nhìn về quá khứ, cụ Tưởng nhớ lại: Quê ông nằm cạnh sông Đáy, có nghề chài lưới. Những năm 60 của thế kỷ trước, theo tiếng gọi của Ty Thủy sản Hà Đông, những hộ gia đình trong xóm mang theo chài, lưới, thuyền đi khắp các con sông để đánh bắt tôm, cá về nhập cho Ty Thủy sản. Cuộc sống lênh đênh cứ thế cuốn đi, kể cả khi Ty Thủy sản không còn. “Hết đời cha rồi đến đời con, chẳng kể Tết hay lễ, nắng hay mưa, sáng dậy vục mặt vào sông, đêm về gối đầu trên sóng mà ăn, mà nằm”, cụ Tưởng trần tình.

Từ năm 1990 đến 1998, cụ cùng gia đình “đóng chốt” tại hồ Suối Hai (Ba Vì, Hà Tây cũ) và trong vòng 8 năm trời ấy, gia đình 2 thế hệ của cụ đón Tết trên sông. “Lúc đó, cả nhà 5 miệng ăn, các con còn quá nhỏ, kinh tế khó khăn. Cả tháng, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ nuôi chúng qua ngày và gửi được một phần nào đó về cho mẹ. Ngày Tết lại vất vả hơn bởi trời lạnh, tôm cá cũng đi trú đông”, cụ Tưởng nhớ lại.

Tám năm trời ấy là cả một quãng đời lê thê: “Nếu tính cả thời còn Ty Thủy sản Hà Đông thì thế hệ chúng tôi đã gắn cả cuộc đời với nghề đánh bắt cá. Nhưng khó khăn và vất vả nhất là thời kỳ những năm lênh đênh trên hồ Suối Hai. Trên chiếc thuyền có 5 miệng ăn, ở quê nhà, còn mẹ già và cô em gái bệnh tật bẩm sinh”, cụ Tưởng kể. Ông cụ đã bước vào tuổi cổ lai hi đôi mắt ậng nước, hướng ánh mắt lên phía bàn thờ tiên tổ rồi nói: “Hồi mẹ tôi còn sống, chỉ mong được một cái Tết sum vầy, có con, có cháu”.

“Các con lên bờ, trở về gia đình là hạnh phúc lắm rồi, nhưng ruộng vườn không có, nghề ngỗng học hành cũng không, tồn tại thế nào đây?”, cụ Tưởng thở dài lo lắng

Nói chuyện với chúng tôi tại nhà cụ Tưởng, còn có cụ Giới, cũng là những người gắn bó cả đời mình với nghề đánh bắt xa nhà, đằng đẵng những lần đón Tết trên sông. “Dưới lòng sông vào dịp Tết, nhìn lên xóm làng, người người nô nức, còn gia đình mình thì vẫn cứ cặm cụi trên từng mảng lưới, cái rọ. Cũng có gia đình thương cảm, họ cho chiếc bánh chưng, gói kẹo”, cụ Giới nhớ lại.

Sau Tết lại lang bạt

Câu chuyện đang dở, cũng là lúc vợ chồng con trai cả của cụ Tưởng đi sắm Tết về. Trên chiếc xe máy đã bạc phếch có nải chuối xanh, quả bưởi và một vài thứ lỉnh kỉnh khác. Vừa chào khách, anh Trang vừa thanh minh: “Tranh thủ đi sắm ít đồ Tết chứ chưa được nghỉ các bác ạ. Chiều nay nhà cháu vẫn phải làm”.

Cụ Nguyễn Thái Tưởng đang lau dọn lại ban thờ gia tiên để chuẩn bị đón năm mới

Đầu tháng 8 vừa rồi, anh chị Trang quyết định trở về quê để tìm việc làm bởi nguồn khai thác cá, tôm giờ đây đã cạn. “Cũng định chuyển sang con sông khác làm, nhưng nghe ngóng thấy sông khác cũng không còn nhiều cá. Sức khoẻ ngày càng yếu hơn nên đành bỏ “tư dinh” trên sông trở về quê”, anh Trang chia sẻ.

Cũng như bố mình, sau khi tiếp quản gia tài trên hồ Suối Hai từ năm 1998, vợ chồng anh Trang cũng đã gần 10 năm đón Tết trên sông. Mười năm ấy là những năm dài đằng đẵng ăn Tết trên sông, chỉ khác với bố anh, khoảng 20 tháng Chạp âm lịch, khi các cháu đã nghỉ học, anh Trang lại gửi các con về đón Tết cùng ông nội. “Ba ngày Tết, vợ chồng tôi trở thành cặp vợ chồng son, quanh quẩn trên chiếc thuyền chưa đầy 10 mét vuông”, anh Trang chua chát.

Bên cạnh câu chuyện được đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình trong những ngày Tết, những người dân xóm ngư nghiệp vẫn khắc khoải, đau đáu về công việc của họ ngày mai sẽ ra sao, sẽ làm gì khi một tấc ruộng không có. “Các con lên bờ, trở về gia đình là hạnh phúc lắm rồi, nhưng ruộng vườn không có, nghề ngỗng học hành cũng không, tồn tại thế nào đây?”, cụ Tưởng thở dài lo lắng.

“Cần câu cơm” ban đầu của những người dân ven sông là những mảnh ruộng. Bởi cuộc mưu sinh và theo tiếng gọi của Ty Thủy sản, những con người như cụ Tưởng, cụ Giới và bao người khác nữa dành cả cuộc đời mình và cả tuổi thanh xuân của các con để đối đầu với sóng, nước. Khi họ trở về, những mảnh ruộng xưa kia của mình đã thuộc về người khác. “Chúng tôi chẳng cần quyền lợi gì nhiều, chỉ mong những mảnh ruộng, mảnh vườn trước đó thuộc về chúng tôi được trả lại để chúng tôi làm ăn, kiếm sống”, cụ Tưởng nói.

Qua người giới thiệu, vợ chồng anh Trang đã kiếm được một công việc ở cơ sở hàn xì. Nghề không biết nên mức lương bèo bọt. “Chỉ mong nhận lại được mấy sào ruộng của gia đình để làm thêm, chứ mang tiếng con nhà nông mà không có một sào ruộng nào thì sống làm sao” - anh Trang nói.

Chúng tôi sang thăm một số gia đình khác ở xóm ngư nghiệp này. Tận sâu trong tâm khảm những người cha, người ông và những người con nơi đây vẫn đau đáu một điều: Có ruộng, có vườn để làm, để những chuyến đò không còn phải gánh theo phận người khó nhọc.

Sau khi báo Tiền Phong đăng loạt bài, giữa tháng 5/2019, UBND quận Hà Đông đã cử đoàn công tác xuống làm việc với các hộ dân để tiếp nhận, kiểm tra nội dung mà người dân ở đây kiến nghị để tham mưu cho UBND quận giải quyết. Ngoài ra, một vị lãnh đạo phường Đồng Mai cho hay, phường Đồng Mai đã gửi những kiến nghị của người dân đến các cấp lãnh đạo quận Hà Đông, thành phố Hà Nội để sớm giải quyết nhưng vẫn bế tắc. Lại những mùa xuân qua gánh theo những tiếng thở dài.