Trước đây, anh là sinh viên ngành Kỹ thuật nữ công, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Đam mê đan móc len đến với anh rất tình cờ. Mùa hè năm 2003, khi đi chơi ở Đà Lạt, thấy bà cụ bên đường tay thoăn thoắt làm và bán những sản phẩm bằng len rất đẹp như thú nhồi bông, khăn… anh Quang rất thích, sau đó tự mua sách tìm hiểu và bắt tay thử.
Được bạn bè và người quen đón nhận, những món đồ chính tay anh làm ngày càng đẹp, bắt mắt. Chàng trai quê Bến Tre đã tạo nên những bông hoa hồng, hoa đào, mai, vạn thọ…, những món đồ hàng ngày như giỏ trái cây, túi xách, túi đựng bình nước…
Với công việc này, anh Quang nói đó là kỹ năng, đã là kỹ năng làm nhiều sẽ quen tay và thành thạo. Đối với móc len thì tuỳ mẫu, ví dụ như hoa, có khi 2-3 ngày được 1 bình, giỏ xách hay rổ thì ngày 1 cái….
Anh Quang cho biết hiện công việc chính của anh là tư vấn du học nên 2 năm nay chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi dịch COVID-19, hầu như khép lại hẳn luôn nên anh dành nhiều thời gian tâm trí cho việc móc len sợi.
Trong thời gian giãn cách, anh dành thời gian dọn dẹp mọi thứ ngăn nắp hơn, chăm nấu ăn hơn, móc len sợi mọi lúc, … đặc biệt gọi điện nói chuyện với người thân nhiều hơn. Song song đó, anh kêu gọi trong nhóm các bạn cùng sở thích móc len, móc hàng chục ngàn tai giả hỗ trợ đeo khẩu trang gửi đến nơi có dịch, khu cách ly tập trung, giúp mọi người đeo khẩu trang lâu bớt đau nhức vành tai.
Ngoài ra, anh còn tích cực thiết kế các mẫu móc, quay video đăng YouTube để nhiều người cùng làm, giúp giữ chân mọi người ở nhà hạn chế ra ngoài, giúp bạn bè trong khu cách ly tập trung, nơi bị phong tỏa có video xem và làm theo cho đỡ thấy chán hay tù túng. “Anh luôn tạo cho mình nhiều việc, luôn chăm chút nấu ăn, miệt mài móc len, ăn ngủ điều độ … nên luôn thấy yêu và quý từng ngày.”
Anh chia sẻ, những ngày giãn cách, “nấu ăn anh thiên về nhanh gọn lẹ, một bữa ăn tốn chừng 15-40 phút là xong. Tại có một mình nên cũng không nấu gì cầu kỳ. Anh thích bày vẽ cho đẹp hay tỉa này nọ trang trí cho vui mắt thêm. Việc móc len, tỉa củ với anh nay cũng qua 20 năm nên không gặp gì khó khăn, chỉ thích là làm thôi. Việc giãn cách thật ra mấy ngày đầu hoang mang, lo lắng vì sợ mình cũng bị bệnh. Nhưng khi trải nghiệm 14 ngày anh rút ra: Phải bình tĩnh, chú ý đến sức khỏe hơn. Tự theo dõi cơ thể có gì lạ - sốt, ho, viêm họng… lưu ý vệ sinh thường xuyên và tuân thủ 5K. Đồ ăn mua lượng vừa phải, xung quanh ta rất nhiều người tốt. Nếu có khó khăn gì sẽ có người sẻ chia. Như anh 14 ngày cách ly ngày nào cũng có đồ tiếp tế từ người thân, bạn bè, luôn ăn nóng, bổ sung thực phẩm nhiều vitamin. Vui chơi giải trí trong thời gian này, anh chọn móc len và nấu ăn, dành thời gian làm những gì mình yêu thích thì mọi thứ xung quanh trở nên nhẹ nhàng thoải mái. Còn nếu bạn nào không biết móc len và nấu ăn, hãy thử trải nghiệm, biết đâu qua dịch mình có thêm kỹ năng mới khoe cùng mọi người. Tình hình dịch bệnh như hiện nay, mỗi chúng ta cần ý thức việc ở nhà rất quan trọng, bảo vệ chính chúng ta, gia đình và bạn bè. Mỗi người khỏe thì TP mới mau vượt qua đại dịch này.”
Anh Quang tâm sự: “Qua dịch bệnh này, cảm thấy thật may mắn với lựa chọn ngành học nữ công, bởi được trang bị kỹ năng luôn phải gọn gàng, ngăn nắp qua các cuộc thi cắm hoa, nấu ăn, được học về kỹ năng tự lo cho bữa ăn của mình từ cách lên thực đơn, chọn thực phẩm, chế biến và cuối cùng là trình bày, thưởng thức, được học nhiều kỹ năng về ẩm thực, dệt may, thẩm mỹ học… từ đó khơi gợi cho mỗi cá nhân nhận ra sở thích, đam mê của mình là gì để có sự đầu tư và phát triển phù hợp với chính mình.
Dịch bệnh đến làm mọi thứ bị xáo trộn, ảnh hưởng. Điều cần nhất bây giờ là thật bình tĩnh, cần lan tỏa điều tích cực để cùng nhau đi đường dài chống dịch. Vậy nên, mỗi phụ huynh có con nhỏ, ngay lúc này cần trang bị cho con mình nhiều kỹ năng, như biết dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Biết tự nấu ăn, hay ít ra chế biến được các món ăn đơn giản. Biết nhìn nhận hay định hướng cho con theo đuổi ít nhất một đam mê, để những lúc tù túng nhất con cũng cảm thấy có điều gì đó thú vị để làm. Tham gia tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe. Dẫu dịch bệnh đang căng thẳng nhưng mình vẫn luôn có một niềm tin rất lớn là Sài Gòn sẽ sớm vượt qua, chiến thắng đại dịch. Cùng chung tay chống dịch, hãy cùng nhau ở nhà, hạn chế ra ngoài, ít tiếp xúc người lạ… Hãy chăm chút cho tổ ấm của mình thêm sạch sẽ, gọn gàng. Mỗi gia đình khỏe mạnh là góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.”