Mê nhạc từ nhỏ đặc biệt là các loại nhạc cụ nên Bình Phương từng có thời gian hơn 2 năm theo học ngành đàn nhị ở Học viện Âm nhạc Huế, sau đó anh trở về quê hương Hội An lập nghiệp. Đang giữa tháng ngày hăng say của tuổi trẻ thì biến cố bất ngờ ập tới với anh. Sau vụ tai nạn tháng 11/2017, từ một chàng trai khỏe mạnh ở tuổi đôi mươi, Bình Phương phải nằm một chỗ vì liệt tủy sống và tứ chi co rút, chỉ còn một ngón tay cái có thể hoạt động được. Mọi sinh hoạt của anh phải nhờ mẹ giúp đỡ.
Tưởng sẽ suy sụp, nhưng ai cũng bất ngờ trước nghị lực của chàng trai khi đối mặt với biến cố cuộc đời mình. “Mình buồn thì có nhưng chưa bao giờ sụp đổ, vì từng đi nhiều nơi và học được nhiều thứ khiến mình thấy nhẹ nhàng trước điều không may. Hơn nữa có mọi người động viên và đam mê âm nhạc giúp mình có lạc quan và niềm tin để vượt qua giai đoạn đó”.
Trải qua 2 năm cố gắng và kiên trì tập trị liệu, đến năm 2019 anh đã có thể đi lại từng bước với sự hỗ trợ của dụng cụ. Và cái duyên sáng tác nhạc của anh cũng bắt đầu từ đấy. Những ngày phải ở một chỗ nhìn 4 bức tường, cũng chính là lúc âm nhạc đã bầu bạn, tiếp thêm năng lượng và giúp anh vơi bớt đi những cơn đau về thể xác lẫn tinh thần.
Đôi tay thoăn thoắt, điệu nghệ khi chơi nhạc cụ ngày xưa đã bị liệt hầu hết các ngón, giờ chỉ một ngón tay cái còn linh hoạt, nên anh quyết định chuyển sang sáng tác nhạc – một việc trước đây anh chưa bao giờ nghĩ tới.
Thăng hoa với âm nhạc từ một… ngón tay
Chất liệu âm nhạc và giai điệu của quê hương cùng những chuyến đi phượt trước đó cùng bạn bè giúp Bình Phương lên ý tưởng, cấu tứ cho ca khúc của mình. Nhưng từ ý tưởng làm sao có thể ký âm, ghi lại từng giai điệu thật quá khó khăn với anh. Nếu người bình thường có thể nhanh chóng ghi lại những câu hát, hay dùng các loại nhạc cụ để xướng âm tìm ra giai điệu cho ca khúc của mình, thì với Bình Phương điều đó là không thể. Và rồi với ngón cái duy nhất còn có thể động đậy của mình, anh đã biến chiếc điện thoại thành công cụ hỗ trợ sáng tác.
Thế là mỗi khi có ý tưởng, anh dùng ngón tay cái gõ từng lời và giai điệu vừa nghĩ ra trên phần mềm hỗ trợ sáng tác. Cứ thế phần mềm sẽ giúp anh lưu lại cho đến khi ca khúc hoàn thành. Sau khi nghe đi nghe lại nhiều lần trên điện thoại, anh gửi tác phẩm cho bạn bè, thầy cô cũ - những người có chuyên môn về âm nhạc xem xét, góp ý. Khi cảm thấy ca khúc đã hoàn chỉnh, anh nhờ bạn ký âm rồi hòa âm phối khí, tiếp đến là tìm kiếm giọng ca phù hợp và tiến hành thu âm để tạo ra một ca khúc hoàn chỉnh.
Với kỳ công như thế, mỗi ca khúc Trần Bình Phương phải mất vài tuần có khi hơn một tháng mới có thể hoàn thiện. Và rồi hơn 3 năm qua, anh đã cho ra đời hơn 15 ca khúc đa dạng các chủ đề. Với anh, công đoạn khó khăn nhất để sáng tác một bài hát không phải là phần âm nhạc, mà là tìm ý tưởng cho tác phẩm. Bởi với các nhạc sĩ bình thường khác, dễ dàng đi thực tế để trải nghiệm những vùng đất, tìm kiếm chất liệu sáng tạo mới lạ. Còn anh không thể di chuyển, nên chỉ có thể… tưởng tượng, và “lang thang” với thế giới internet.
Với một chàng trai vốn đầy năng lượng, nay phải tỉ mẩn với từng nốt nhạc kéo dài cả tháng trời mới có thể ra đời một ca khúc hoàn chỉnh, đến việc chưa ai tin những sáng tác của mình sẽ thành công đã khiến anh đôi lần chùn bước. Nhưng sau tất cả anh vẫn tin vào chính mình, vẫn tiếp tục kiên trì, bền bỉ hằng đêm với những nốt nhạc được bấm một cách chậm rãi vào điện thoại.
Sự cố gắng đó của Trần Bình Phương đã được đền đáp bằng những kết quả đầu tiên. Nhiều ca khúc của anh đã đạt giải cao tại nhiều cuộc thi lớn, như: “Những đóa hoa tuổi trẻ” (đạt giải B cuộc vận động sáng tác ca khúc tuyên truyền Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII của Trung ương Đoàn năm 2022), “Những dấu ấn sinh viên” (đạt giải A cuộc thi sáng tác biểu trưng, ca khúc tuyên truyền Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI nhiệm kỳ 2023-2028 của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam), “Khát vọng của thanh xuân” (giải nhì cuộc thi sáng tác ca khúc về công nhân và Công đoàn tỉnh Bắc Giang năm 2022), “Mây nghiêng bóng phố” (đạt giải 3 cuộc thi sáng tác tại tỉnh Cao Bằng),...
Có nhiều sáng tác đạt giải, nhưng với anh, bài hát đầu tay “Về thương Thanh Hà” viết về chính quê hương của mình vẫn là ca khúc để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Bình Phương tâm sự: “Khi xảy ra chuyện không may thì mình nhận được rất nhiều tình cảm từ bà con hàng xóm, từ những người dân quê hương Thanh Hà. Họ giúp đỡ cho mình nhiều quá nên mình luôn muốn làm cái gì đó để cảm ơn chính quê hương của mình. Và bài hát “Về thương Thanh Hà” ra đời từ đó, tuy đạt giải không cao nhưng nó vẫn để lại cho mình nhiều cảm xúc nhất”.
“Mình bất tiện chứ không bất hạnh. Mình nghĩ mình còn có niềm tin, có sự nỗ lực tập luyện và còn có khối óc để sáng tạo thì sự bất tiện về tay, chân chẳng là gì”
Nhạc sĩ Trần Bình Phương
Trong thời gian sắp tới, Trần Bình Phương muốn phát triển theo dòng nhạc quê hương và lấy âm nhạc dân tộc làm máu thịt cho những sáng tác của mình. “Những giai điệu từ nhỏ đến lớn mình được nghe như lời mẹ ru, câu bài Chòi Xàng Xê, Xuân Nữ,... Mình luôn muốn bảo tồn và phát triển những âm hưởng dân gian đó để nó không bị mất đi mà tiếp cận nhiều hơn với các bạn trẻ ngày nay”, anh chia sẻ.
Cũng bởi ảnh hưởng từ âm nhạc, Trần Bình Phương luôn có được năng lượng tích cực và lạc quan trong cuộc sống. Anh vẫn thường chia sẻ những điều tích cực ấy với mọi người đặc biệt là những bạn trẻ tại địa phương. Nghị lực của anh không chỉ là phát triển về âm nhạc mà còn là phấn đấu để chữa lành và tự lo được cho chính bản thân mình bởi anh biết mình còn rất nhiều người luôn yêu thương và đồng hành bên cạnh.
Hơn tất cả mọi giải thưởng, người mà anh muốn trao tất cả niềm vui và thành quả sự cố gắng của mình chính là người mẹ đã tần tảo đỡ đần anh bao tháng ngày. Còn bà Trần Thị Liễu, mẹ anh thì xúc động: “Thấy con bây giờ được như vậy tôi mừng lắm. Trước đây chính tôi cũng không dám tin là con mình sẽ thành công. Cũng nhờ có bạn bè, anh em luôn giúp đỡ động viên mà Phương mới được như hôm nay”.