'Chân lý' nhà giàu: Tích vàng, giữ USD

Giá vàng giảm liên tục trong thời gian qua và USD được kiểm soát chặt chẽ cũng không thể khiến một số người bỏ thói quen tích trữ vàng, USD. Và thói quen đó nhiều khi lại đúng đắn dù không cần tính toán kỹ càng. Và với những người có thói quen tích cóp, tiết kiệm thì đó như là một 'chân lý'.

Nhà giàu mừng thầm

Không nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư (NĐT), giá vàng đã quay đầu tăng mạnh trở lại ngay sau khi Trung Quốc bất ngờ thay đổi chính sách, phá giá đồng tiền nhân dân tệ (NDT) trong 3 phiên giao dịch trước đó.

Từ khoảng 32,7-32,9 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước (9/8/2015), giá vàng miếng SJC trong nước bất ngờ tăng vọt và tới trưa ngày 13/8, giá mặt hàng kim loại quý này đã lên tới 35 triệu đồng/lượng (bán ra), tương đương mức tăng gần 10% trong một thời gian rất ngắn.

Đồng USD được bán ra tại các ngân hàng, trong khi đó cũng tăng vọt, ở mức khoảng 21.800-21.850 đồng/USD cuối tuần trước lên gần kịch trần 22.106 đồng/USD trong phiên giao dịch ngày 14/8. Trên thị trường tự do, giá thậm chí đã lên tới gần 22.300 đồng/USD. 

Ông Đỗ Anh Tuấn - chủ một cửa hàng tại Hoàng Mai - cho biết, sau khi bán hơn 50% số vàng nắm giữ hồi giữa tháng 7, ông vẫn còn giữ một lượng vàng lớn. Giá tăng trở lại khiến ông trở lại kiên định với chân lý giữ vàng, USD của mình.

“Thế giới ngày nay biến động liên tục, không thể lường trước được. Chính vì vậy, tôi vẫn giữ lại vàng không bán hết trong đợt rớt giá thê thảm vài tháng trước đây. Vàng và đô (USD) vẫn là những lựa chọn an toàn trong thời buổi hiện nay”, ông Tuấn chia sẻ.

Bà Hồng, một nhân viên kế toán của một DN thú y nước ngoài cho biết, hồi giữa tháng 7, bà định bán 5 cây vàng tích trữ nhưng do xót ruột với khoản lỗ 15 triệu đồng nên cuối cùng đã không bán ra. Và giờ đây, giá vàng miếng tăng mạnh trở lại bà cảm thấy rất vui vì quyết định của mình.

Với ông Tuấn, bà Hồng, việc bán vàng còn nằm thường trực trong suy nghĩ của họ mỗi khi giá biến động lên xuống mạnh. Bà Hồng tích trữ vàng từ số tiền chắt chiu làm việc qua nhiều tháng năm. Trong khi đó, ông Tuấn vì là người kinh doanh nên ông phải tính toán đối với đồng vốn của mình.

Nhưng với nhiều người, họ không phải lo tính toán thiệt hơn khi giá lên xuống. Nhiều nhà giàu không quan tâm tới việc USD thụt hay tiến vài ba chục giá, hay vàng lên xuống dăm bảy trăm ngàn đồng/lượng.

Ông Thành, một đại gia người Bắc làm việc trong lĩnh vực dầu khí ở Vũng Tàu chia sẻ, lắm khi tiền nhiều chẳng biết đầu tư gì, mua USD và vàng để đấy. Nhưng tính ra nhiều khi lời lớn, hơn nhiều so với đầu tư lăng nhăng.

Những ngày biến động bất thường của giá vàng và USD trong vài ngày qua đã chứng minh chân lý giữ vàng, đô luôn đúng của một số người.

'Chân lý' của nhà giàu

Nhìn trở lại lịch sử biến động vàng và USD có thể thấy, nhìn chung hai loại hàng hóa đặc biệt này có xu hướng chính vẫn là tăng nếu tính trong dài hạn. Giá vàng ở mức 35 triệu đồng/lượng như hiện nay đã giảm nhiều so với đỉnh 49 triệu đồng/lượng hồi cuối 2011 nhưng cao gấp khoảng 3,5 lần so với cách đây 10 năm. Nếu tính trong một khoảng thời gian dài như vậy, thì mức lãi tính theo mỗi năm cũng từ 20-25%, cao hơn rất nhiều so với NH, mà rủi ro cũng không lớn.

Cách đây 10 năm, đồng USD có giá khoảng 15.800 đồng. So với mức 22.250 đồng như hiện nay, mức tăng đã là khoảng 40%. Đó là chưa tính tới tiền lãi nếu gửi vào NH. Tính từ đầu năm tới nay, USD đã tăng 3% theo điều chỉnh của NHNN và trên thị trường tự do có thể đã tăng tới 3,5%. Năm ngoái, USD cũng đã tăng 2% so với USD.

Các con số nói trên cho thấy một thực tế, nhiều nhà giàu Việt có thể thu được những khoản lời không hề nhỏ cho dù không cần tính toán, đầu tư làm ăn gì nhiều. Họ chỉ cần mua vàng và đôla Mỹ để đó, vừa là của để dành vừa sinh lời ổn định.

Cú sốc vàng giảm giá trong vài năm gần đây khiến nhiều người lung lay. Nhưng đối với một số người thực sự giàu có, đây vẫn là một kênh đầu tư an toàn cho dài hạn. Những ngày biến động bất thường của giá vàng và USD trong vài ngày qua, sau quyết định phá giá bất ngờ đồng NDT của Trung Quốc, đã lại một lần nữa chứng minh chân lý giữ vàng, đô luôn đúng của một số người.

Trên thực tế, tâm lý thích trữ vàng, USD có từ xa xưa, theo kiểu thỉnh thoảng mua một vài chỉ vàng để đút két. Gần đây, sự giàu lên nhanh chóng của một số người đã tiếp tục thúc đẩy xu hướng cất trữ tài sản kiểu này, nhất là trong bối cảnh thế giới không ổn định. Mà theo như cách nói của chuyên gia Võ Trí Thành (Phó Viện trượng Viện nghiên cứu và quản lý Trung ương) là: thế giới giờ đây là “bất định”.

Theo ông Thành, một trong 5 đặc trưng kinh doanh cơ bản trên thế giới hiện nay là vì tốc độ chuyển rất nhanh nên không bền vững, tính rủi ro và những cú sốc diễn ra thường xuyên. Cái từ mà ông Thành rất thích giờ là “bất định”.

Tiết kiệm và tích trữ nhìn chung là tốt. Tuy nhiên, nếu nguồn lực này mà cất kỹ, không được chu chuyển theo một cách nào đó vào nền kinh tế để đầu tư cho phát triển, hoặc chảy ra nước ngoài thì là một điều đáng tiếc.

Theo Theo VietNamNet