TPO - Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, cây trôi hơn 400 năm tuổi ở huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) vẫn vươn mình phát triển xanh tươi, toả bóng mát cho dân làng.
Theo các cụ cao niên, cây trôi ở làng Đông Đoài, xã Hoà Lạc, huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) đã có tuổi đời trên 400 năm. Gốc trôi là chứng tích cho sự chuyển mình qua những năm tháng lịch sử của làng Đông Đoài.
Năm 2015, người dân vui mừng khi đón Bằng công nhận Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam cho cây trôi trên 400 năm tuổi này. Sau đó người dân góp tiền xây bia tượng trưng tại gốc cây trôi.
Người dân xem đây như là “báu vật”, họ thường xuyên thay nhau đến chăm sóc, bảo vệ.
Theo lãnh đạo xã Hoà Lạc, trong thời kỳ chiến tranh, dưới tán cây trôi đã diễn ra nhiều cuộc họp trọng đại bàn việc nước, việc làng của các bậc cao niên trong vùng về kế hoạch chống kẻ địch xâm lược...
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, cây trôi vẫn vươn mình trong nắng, tỏa bóng mát, che chở cho dân làng.
Cây có chiều cao khoảng 27m, phần tán rộng 30m. Đặc biệt, phần thân cây có rất nhiều ụ nổi, lớp vỏ sần sùi, rêu xanh phủ kín từ gốc đến cành cây.
Cây không chỉ che chở, bảo vệ làng mạc, thôn xóm trước mưa sa, nắng táp mà còn là chứng tích của lịch sử, của các bậc tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Ngoài giá trị lịch sử, cây trôi cổ thụ cũng được xem là cây tâm linh của người dân địa phương. Vào những ngày rằm, lễ, tết... người dân vẫn ra gốc cây thắp hương...
“Gốc cây trôi này có trên 400 năm tuổi, đã được công nhận là Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam. Cây trôi là biểu tượng, niềm tự hào chung của cả làng vì thế người dân nơi đây luôn nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, dọn dẹp vệ sinh môi trường sạch sẽ", ông Trần Văn Điền – Chủ tịch UBND xã Hoà Lạc (huyện Đức Thọ) chia sẻ.