Cấu trúc khác nhau nên khó so sánh

TP - Ngày 5/12, ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa Việt Nam và giáo dục (IVCE) tại Hoa Kỳ gửi Tiền phong ý kiến xung quanh kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012 cho rằng: mỗi quốc gia có cấu trúc hệ thống phổ thông trung học (PTTH) khác nhau nên kết quả so sánh, kiểm định mang tính tham khảo, chứ chưa phải khung hoàn toàn chính xác. PISA 2012 kiểm định tại 65 quốc gia với 550.000 học sinh ở lứa tuổi 15. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 17 về Toán, cao hơn cả Mỹ và Anh.

> 'Kết quả đánh giá học sinh Việt Nam gây bất ngờ cho cả thế giới'
> Bộ bất ngờ việc học sinh Việt xếp trên Anh, Mỹ

Theo ông Thắng, cấu trúc học quyết định nhiều nền tảng kiến thức học sinh. Tại Hoa Kỳ, khảo sát từ Trường tư thục nội trú Cheshire Academy và nhiều trường khác, thiết kế các môn học từ lớp 8-12 phần lớn chỉ từ 5 đến 8 môn. Trong khi đó, số môn học này tại các lớp Việt Nam có đến khoảng 13 môn. Đặc biệt các môn Toán, Vật lý, Hóa tại Việt Nam khối PTTH tương đương với môn năm thứ nhất của ngành Kỹ Sư; môn Sinh tương đương với môn năm thứ nhất của ngành Sinh, Sinh-Hóa tại ÐH Hoa Kỳ.

Ông Thắng nhận định, việc so sánh rất khó chính xác do yếu tố cấu trúc từng nước. Ví dụ Hoa Kỳ thiên về đào tạo học sinh kiến thức xã hội, kỹ năng cá nhân, kỹ năng phản biện, kỹ năng đọc sách; trong lúc các nước châu Á học thiên về kiến thức khoa học. Nền tảng PTTH tại Hoa Kỳ giúp cho sinh viên học tốt ở bậc ÐH& sau ÐH Hoa Kỳ và vững vàng khi vào môi trường làm việc.

Theo Báo giấy