Cầu Bạch Đằng 7200 tỷ bị lún, võng: Là chuyện bình thường?

TP - Đại diện BOT Bạch Đằng khẳng định cầu Bạch Đằng đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, an toàn khi đưa vào khai thác. Với hiện tượng võng, mấp mô ở mặt cầu, đơn vị sẽ thực hiện bù vênh ngay sau khi hết thời gian theo dõi, quan trắc bằng vật liệu bê tông.
Cầu Bạch Đằng mới đưa vào khai thác đã lún võng mặt - Ảnh: Giađình.net

Trước thông tin phản ánh mặt đường cầu Bạch Đằng lún, võng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi lưu thông, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh  đã có buổi làm việc với Công ty CP BOT Bạch Đằng và các đơn vị liên quan về chất lượng công trình. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết: “Trong xây dựng các cầu khi hợp long sẽ có những độ vênh nhất định, điều này là bình thường trong việc thi công cầu”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng khẳng định cầu vênh là bình thường ảnh: H.D

Cũng theo ông Hòa, các yếu tố kỹ thuật của cầu Bạch Đằng như: Ổn định trụ tháp, ứng suất bê tông, ứng suất cáp dây văng… hoàn toàn đảm bảo yêu cầu thiết kế cũng như an toàn chịu lực. Quá trình đưa vào khai thác sử dụng, các thông số kỹ thuật của cầu, trụ tháp, mặt đường, dây văng… cũng thường xuyên được theo dõi, kiểm tra, quan trắc kết quả, đảm bảo theo yêu cầu thiết kế, hoạt động ổn định.

Lý giải việc mặt cầu có hiện tượng lún, võng tại điểm hợp long giữa các trụ cầu, đại diện đơn vị thi công cho biết: “Đối với cầu Bạch Đằng ngay khi hợp long giữa các trụ cầu, đơn vị thi công đã thấy xuất hiện độ vênh giữa các đốt dầm. Ở các cầu cứng bình thường, để khắc phục độ vênh, đơn vị thi công sẽ dùng 1 lớp bê tông mỏng để làm phẳng, sau đó là thảm bê tông nhựa mặt cầu”.

“Đối với cầu Bạch Đằng, do đây là cây cầu dây văng, nên cần thời gian để dây văng cầu hoạt động ổn định (dự kiến khoảng 2-3 tháng khi đi vào hoạt động); do đó có hiện tượng võng giữa hai điểm hợp long như phản ánh. Ngay sau khi hết thời gian chờ dây văng hoạt động ổn định và kiểm tra độ an toàn, chúng tôi sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để khảo sát, thực hiện phương án bù vênh” - ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng nói.

Đánh giá về thực trạng của cầu Bạch Đằng hiện nay, ông Lê Minh Trà, chuyên gia tư vấn công nghệ thuộc Liên danh tư vấn APECO - VEC, cho biết hệ thống "quan trắc sức khoẻ" của cầu Bạch Đằng cho thấy kết cấu không bị ảnh hưởng. Các phương tiện lưu thông với tốc độ từ 80 đến 100 km/giờ vẫn đảm bảo an toàn.

“Tuy nhiên, việc mặt cầu đang bị mấp mô gây khó chịu cho các phương tiện lưu thông thì chủ đầu tư phải lên phương án bù vênh và xem xét có nên tạm thời giảm tốc độ lưu thông từ 100 km/giờ xuống 80 km/giờ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện hay không?”, ông Lê Minh Trà nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết, chủ đầu tư sẽ tiến hành bù vênh lại mặt cầu trong vòng 2 - 3 tháng, sau khi lên các phương án và lựa chọn đơn vị thi công, tập hợp hệ thống quan trắc số liệu. Ước tính khoảng 200 m3 bê tông sẽ được bù để giúp mặt cầu Bạch Đằng phẳng hơn.

Cầu hơn 7 nghìn tỷ mới khánh thành đã bị lún võng

Chưa đặt vấn đề dừng thu phí cầu Bạch Đằng

Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, sự cố vênh mặt cầu Bạch Đằng đã được phát hiện trước thời điểm thông xe. Tuy nhiên, độ vênh đó vẫn trong giới hạn cho phép, đảm bảo an toàn nên được thông xe, thu phí.

Sáng 8/11, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, cầu Bạch Đằng do UBND tỉnh Quảng Ninh là cơ quan đại diện nhà nước ký hợp đồng BOT, do đó vấn đề về chất lượng, bù vênh do địa phương chủ trì. Về phía Bộ GTVT, quản lý nhà nước chung về chất lượng và an toàn giao thông. Với cầu Bạch Đằng, ngay khi hợp long đã phát hiện vênh giữa 2 dầm cầu, dẫn tới mặt cầu không bằng phẳng.

“Độ vênh của cầu Bạch Đằng vẫn trong giới hạn cho phép, không ảnh hưởng tới chất lượng công trình. Trước khi đưa cầu vào khai thác đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu và bộ cũng có ý kiến chấp thuận nên được đưa vào khai thác và cho thu phí. Khi nghiệm thu công trình, bộ cũng có yêu cầu nhà đầu tư theo dõi và bù vênh, để đảm bảo an toàn giao thông êm thuận qua cầu”, lãnh đạo Bộ GTVT cho hay. Vì vậy, hiện vấn đề cấm cầu hay không cho thu phí chưa được đặt ra.

Trao đổi với Tiền Phong, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu đường Việt Nam Tống Trần Tùng cho rằng, hiện tượng đúc dầm cầu dây văng có lệch nhau xảy ra ở khá nhiều cầu. Trên thế giới cũng nhiều cầu như vậy. Điển hình ở Lào có cây cầu dây văng do Nhật Bản thi công độ vênh giữa 2 dầm đúc lên tới hơn 40cm.

Do đó, việc thi công cầu dây văng đòi hỏi giám sát đặc biệt, mỗi mét dầm đúc phải tính toán chi ly, phức tạp về thời tiết, nhiệt độ... chỉ cần sai chút, khi các dầm kết nối sẽ lệch nhau. “Vênh dầm với cầu dây văng ảnh hưởng tới lưu thông của phương tiện, nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng và tuổi thọ công trình”, ông Tùng nói.

Cầu Bạch Đằng thông xe ngày 1/9/2018, thu phí từ ngày 15/10, mức thu phí thấp nhất 35.000 đồng/lượt (xe con) và cao nhất 180.000 đồng/lượt (xe tải). Cầu dài 5,4km vượt ngã ba sông Bạch Đằng - sông Cấm (nối Hải Phòng - Quảng Ninh). Dự án thực hiện theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư 7.270 tỷ đồng (vốn nhà đầu tư 6.780 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ 490 tỷ đồng). 

Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, tham khảo ý kiến chuyên gia và khẩn trương đưa ra giải pháp khắc phục để đảm bảo chất lượng công trình cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối cho phương tiện. Trong quá trình thực hiện bù vênh phải đảm bảo an toàn giao thông khi các phương tiện lưu thông qua cầu.