Ông Nguyễn Văn Đ., ở xã Phú Châu cho biết, người dân địa phương nhiều lần dùng gạch đá xua đuổi cát tặc nhưng chỉ đuổi được vài tàu ven bờ còn những tàu hút cát giữa dòng thì chịu. Cát tặc hoành hành khiến hoa màu và công trình xây dựng của hàng chục hộ gia đình ở thôn Cao Cương, xã Đông Quang bị ảnh hưởng.
Khó xử lý vì địa bàn giáp ranh?
Từ phản ánh của người dân, PV nhiều lần nhập vai tiếp cận hiện trường. Ngày 5/4, PV chứng kiến gần chục tàu cuốc, tàu hút công suất lớn hoạt động giữa lòng sông như đại công trường. PV đã điện thoại cho trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Ba Vì, song hơn 1 tiếng đồng hồ sau mới thấy công an xuất hiện. Ông Lê Văn Hiền, Phó trưởng Công an xã Phú Châu, cho biết những con tàu trên thuộc biên chế của Cty CP QT.
Đến 17h ngày 5/4, trung tá Nguyễn Anh Tuấn thông báo bắt được 2 tàu hút cát tại khu vực PV Tiền Phong thông báo, 6 tàu còn lại đã tháo chạy khỏi địa bàn. Ông Tuấn cho biết, các đối tượng khai thác cát trái phép rất ranh ma, thường hoạt động tại các địa bàn giáp ranh giữa Hà Nội với Vĩnh Phúc. Nếu địa bàn này “động”, chúng sẽ chuyển sang địa bàn khác. “Để xử lý triệt để, lực lượng chức năng cấp thành phố phải có văn bản phối hợp với tỉnh bạn mới hiệu quả” - ông Tuấn nói.
Chưa đủ giấy phép đã nhộn nhịp vét sông
Được biết, UBND TP Hà Nội cấp phép cho Cty CP QT và Cty TNHH LHH khai thác bãi nổi tại khu vực huyện Ba Vì để lấy cát san lấp. Dù chưa hoàn thiện thủ tục, thế nhưng nhiều doanh nghiệp đã hoạt động khai thác cát. Thậm chí, có doanh nghiệp lợi dụng giấy phép khai thác cát sai vị trí, sử dụng những phương tiện là tàu hút, tàu cuốc “khủng”, gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Về việc này, trung tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các doanh nghiệp trên có giấy phép khai thác, song còn thiếu nhiều loại giấy phép “con” như phương án tập kết tài nguyên tận thu, phương án về phương tiện vận chuyển…
Ông Lê Văn Hiền - Phó trưởng Công an xã Phú Châu cho biết, thời điểm “nóng” nhất vào khoảng tháng 3-4/2015, một số Cty đưa tàu về khai thác cát trộm nhưng bị người dân và cơ quan chức năng ngăn chặn nên đã tạm lắng. Vào thời điểm hiện tại, Cty CP QT có công văn thông báo với UBND xã Phú Châu về việc được UBND TP Hà Nội cấp phép để khai thác cát tại bãi nổi.
Từ khi nhận được thông báo của Cty CP QT, tàu cuốc, hút cát đã xuất hiện trên địa bàn ngày càng nhiều gây tiếng ồn khiến người dân không chịu nổi, phải gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng. Điều đáng nói, người dân phát hiện tàu cuốc công suất lớn khai thác cát ở dưới dòng sông chứ không khai thác ở bãi nổi…
Ra văn bản đề nghị “tạo điều kiện” cho cát tặc?
Ngày 14/4, UBND huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội ra văn bản số 225 về việc đồng ý để Cty TNHH Thương mại Kim Thanh thực hiện dự án khai thác cát tại xã Vân Hà và Vân Nam. Tại văn bản này, UBND huyện Phúc Thọ thông báo các nội dung để các xã Vân Hà, Vân Nam, Phòng TN&MT, Công an… tạo điều kiện giúp đỡ Cty Kim Thanh hoạt động khai thác.
Nhận được văn bản của lãnh đạo UBND huyện, Cty Kim Thanh huy động hàng loạt tàu cuốc hút cát sông Hồng. Tới ngày 25/4, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49 - Công an TP Hà Nội) đã truy bắt 1 tàu cuốc và 1 xà lan công suất lớn của Cty Kim Thanh khi đang hút cát dưới lòng sông Hồng thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ. Tiếp đó, Phòng PC49 bắt giữ 2 tàu cuốc 1 xà lan của Cty CP XNK XD và Dịch vụ thương mại Hoà Bình có hành vi khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng địa bàn huyện Phúc Thọ.
Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó trưởng phòng PC49- Công an TP Hà Nội cho biết, tại văn bản số 20 ngày 13/1/2016 của Sở TN&MT Hà Nội gửi Cty Kim Thanh ghi rõ: Phương án khai thác bằng tàu cuốc không phù hợp với điều kiện khai thác là bãi nổi. Theo đó, khai thác bãi nổi phải dùng máy xúc thủy lực gàu ngược, xúc cát lên ô tô.
Điều kiện để tiến hành khai thác cát dưới lòng sông rất khắt khe vì liên quan đến nhiều vấn đề như: An toàn giao thông, an toàn dòng chảy, đảm bảo phòng chống lụt bão… Chính vì thế, nhiều Cty đã phải lách luật bằng cách xin giấy phép nạo vét luồng lạch để tận thu cát. Ngoài ra, có tình trạng một số đơn vị khác xin giấy phép khai thác bãi nổi rồi lập lờ hút cát dưới lòng sông.
M.Đ