Cấp điện giá rẻ, liên tục cho đảo Phú Quý

TP - Trên 27 nghìn dân huyện đảo Phú Qúy (tỉnh Bình Thuận) vui mừng khôn xiết khi được cấp điện 24/24 giờ mỗi ngày với giá bằng đất liền.
Ông Nguyễn Văn Bông (đứng), chủ cơ sở nước đá Triều Dương với chiếc mô tơ mới mua để chuẩn bị kế hoạch sản xuất mới. Ảnh: Đại Dương

Rẻ chưa từng có

Kể từ ngày 1/6 này, theo quy định mới của Chính Phủ, người dân trên đảo Phú Quý (cũng như người dân trên tất cả các hòn đảo khác của Việt Nam) được sử dụng điện với giá ngang giá điện đất liền 2014.

Thông tin này vô cùng có ý nghĩa đối với một hòn đảo nằm cách đất liền 54 hải lý, nơi mà từ trước đến giờ phải sử dụng điện với giá cao ngất ngưởng.

Ông Nguyễn Văn Bông (đứng), chủ cơ sở nước đá Triều Dương với chiếc mô tơ mới mua để chuẩn bị kế hoạch sản xuất mới.   Ảnh: Đại Dương

Ông Dương Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng, Sở Công Thương Bình Thuận, cho biết điện phục vụ cho đảo Phú Qúy từ trước đến nay chủ yếu từ nguồn máy phát Diesel với tổng công suất 3 MW. Gần đây, Phú Qúy còn có điện gió với tổng công suất 6 MW. Kể từ 1/6 trở về trước, giá bán điện do UBND tỉnh Bình Thuận quy định căn cứ trên cơ sở chi phí sản xuất. 

Tuy tối đa chỉ bằng 54% giá thành nhưng giá bán điện bình quân tại Phú Qúy cũng đã cao hơn trong đất liền từ 1,9 đến 4,96 lần. Cụ thể điện sinh hoạt cho 50kWh (cho hộ nghèo và hộ có thu nhập thấp): 2.049,3 đồng/kWh; từ 0 - 100kWh (cho hộ bình thường): 2.555,9 đồng/kWh; từ 101kWh trở lên: 3.415,5 đồng/kWh; điện sản xuất, kinh doanh-dịch vụ: 7.311,7 đồng/kWh.

Theo ông Phạm Văn Thanh - Giám đốc Điện lực Phú Qúy (Công ty Điện lực Bình Thuận) năm 2011 giá thành sản xuất điện trên đảo là 7.724 đồng/kWh, ngành điện phải bù lỗ 37,8 tỷ đồng. 

Đến tháng 8/2012, khi nhà máy phong điện Phú Quý với công suất lắp đặt 6MW đi vào vận hành thương mại, giá thành sản xuất điện trên đảo giảm xuống còn 6.915,34 đồng/kWh và mức lỗ của EVN SPC giảm xuống còn 26,07 tỷ đồng.

Theo tính toán của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), khi giá điện Phú Qúy giảm xuống bằng giá đất liền, mức lỗ tăng lên đến 90 tỷ đồng/năm và ngành điện phải gánh chịu khoản lỗ này. 

Tuy nhiên, theo một đại diện của EVN SPC: Đầu tư vào đảo Phú Quý, ngành điện xác định không vì yếu tố kinh doanh mà cái chính là vì nhiệm vụ chính trị, đó là đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng trên huyện đảo. 

Điện cấp 24/24 giờ

Không chỉ được sử dụng điện giá rẻ, người dân trên đảo Phú Qúy còn đón nhận thêm một tin vui: Từ 1/7 tới, thời gian cấp điện trên đảo tăng từ 16 giờ lên 24 giờ/ngày. Để chuẩn bị cho ngày này, Công ty Điện lực Bình Thuận (thuộc EVN SPC) đã hoàn tất lắp đặt thêm 2 tổ máy Diesel 2x1 MW, nâng tổng công suất lắp đặt lên 5MW. Công ty cũng đang tiến hành lập dự án đầu tư tăng thêm 2 MW nguồn Diesel trên đảo vào năm 2015.

Ngoài ra, Công ty Điện lực Bình Thuận lắp đặt 2 bồn dầu 400m3, đường ống dẫn dầu từ cảng Phú Quý đến nhà máy dài 600m bảo đảm khả năng vận chuyển, dự trữ nhiên liệu phục vụ phát điện, nhà xưởng sửa chữa... Cải tạo, phát triển lưới điện trung áp dài khoảng 42 km, tổng dung lượng các trạm biến áp là 900KVA, đường dây hạ áp 5 km. Tổng mức đầu tư xây dựng ước khoảng 10 tỷ đồng.

Trước đây, do giá điện cao và không liên tục nên nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã bỏ Phú Qúy để tìm cơ hội ở những nơi khác. Theo thống kê của UBND huyện Phú Qúy, đến năm 2013, đã có gần 20 doanh nghiệp dời cơ sở sản xuất chính vào TP Phan Thiết, Thị xã La Gi... đồng thời thu hẹp sản xuất tại đảo.

Tuy nhiên, tình trạng trên đang dần thay đổi. Hiện người dân trên đảo đang hồ hởi mua sắm các thiết bị điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã và đang khởi động những kế hoạch làm ăn mới. 

Ông Nguyễn Văn Bông, chủ cơ sở sản xuất nước đá Triều Dương (xã Qúy Hải, Phú Qúy) cho biết, để đón đầu sự kiện giá điện phát liên tục với giá bằng đất liền, ông đã mua 1 mô tơ điện 135 CV để thay thế hai chiếc máy phát điện chạy bằng dầu Diesel nhằm giảm chi phí đầu vào.

Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý “Việc thực hiện giá bán điện bằng giá bán điện trong đất liền và nâng thời gian sử dụng điện từ 16 giờ/ngày lên 24 giờ/ngày là bước ngoặt mang tính lịch sử đối với đảo Phú Quý. Đây là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quý và có ý nghĩa to lớn trong chiến lược an ninh quốc phòng của Đảng và Nhà nước về phát triển biển đảo của quốc gia”.