Cao thủ võ sáo

TP - Gọi là cây sáo nhưng đó lại là một món binh khí thực sự. Một cây thiết bảng, nổi tiếng cùng võ sư Trịnh Như Quân ở đất Kinh Bắc. Dân gian kinh ngạc gọi là cây xà beng biết hát.

Món binh khí - nhạc cụ này là hiện thân của ngón võ tài hoa gắn với Thủ lĩnh Đề Thám, là di sản tinh thần thượng võ và tài trí Việt: Bóng trăng Phồn Xương và Thiết địch Thần phong.

Võ sư Trịnh Như Quân say sưa với cây sáo

Truyền nhân

Võ sư Trịnh Như Quân đang luyện lại những bài sáo để Tết đến đãi khách. Ông ngồi đó, mắt sáng, miệng rộng, mọi động tác đều có nét tinh nhanh của con nhà võ.

“Tôi rất mê chơi võ sáo vào mùa xuân, dường như lúc đó lòng người dễ xúc động trước thiên nhiên thì phải. Người luyện loại võ này, không biết rung động, không có cảm xúc thì khó mà thành công được” - Võ sư Quân tâm sự.

Võ sư Trịnh Như Quân là con của võ sư Trịnh Như Hiền nổi tiếng một thời. Từ nhỏ, ông đã đam mê luyện võ, lớn lên đi bộ đội, làm công nhân, rồi vào Đoàn Văn nghệ Xung kích.

Từ năm 1990, ông được Sở Thể dục Thể thao Bắc Giang mời làm chuyên gia phát triển đội võ thuật, giảng dạy về võ thuật cho học sinh, từ đó phát hiện tài năng cho các cuộc thi đấu quốc gia, quốc tế.

Trong một lần cùng đoàn điền dã đi sưu tầm các bài võ trên quê hương của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, ở bản Rừng Phe, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, ông Quân và đoàn đã được “thỉnh giáo” võ sáo của một truyền nhân, đó là cụ Triệu Quốc Úy.

Cuối năm 1990, ông Quân bỏ nhà, từ giã vợ con vào Rừng Phe bái cụ Úy làm sư phụ. Sau mấy năm khổ luyện, đến năm 1993, ông Quân đã tường tận bài võ sáo mà sư phụ truyền dạy.

Cụ Triệu Quốc Úy năm nay 90 tuổi, người đã truyền dạy “Bóng trăng Phồn Xương” và “Thiết địch Thần phong” cho Trịnh Như Quân, nói: “Cái tay Quân nhỏ thó mà lĩnh hội rất nhanh. Tôi có chết cũng nhắm mắt được rồi. Cả đời lo không tìm được truyền nhân, giờ thì...”.

Trong võ sáo, phải đẩy nghệ thuật biểu diễn sáo sắt đến độ âm thanh và các đường thế tấn công của vũ khí đều như gió, như mây, như bão táp mưa sa. Khi phát triển môn võ, ông Quân cũng dẫn các học trò của mình vào Rừng Phe bái tổ và thăm lão võ sư Triệu Quốc Úy.

Tương truyền “Bóng trăng Phồn Xương” là ngón võ sở trường và đam mê của Hoàng Hoa Thám - hùm xám Yên Thế. Được truyền lại, cụ Úy đã dày công tu luyện phát triển “Thiết địch Thần phong” làm nó tỏa sáng.

Sáng tạo sáo sắt

Khi chưa gặp võ sư Trịnh Như Quân, nghe đồn đất Kinh Bắc có một người làm ra những cây sáo sắt to và nặng, được mệnh danh là cây xà beng biết hát, tôi không tin. Đến khi gặp ông ở thành phố Bắc Giang và mục sở thị cây sáo của ông thì tôi mới ngã ngửa. Võ sư Trịnh Như Quân năm nay đã 59 tuổi nhưng vẫn mê võ sáo đến độ quên ăn, ngủ.

Thi thoảng, cảm hứng bất chợt thôi thúc, giữa đêm, ông ngồi dậy thổi sáo như người bị ám. Tiếng sáo mê mị, du dương trầm bổng, lúc khoan thai như suối chảy, lúc gấp gáp, mạnh mẽ như một đường quyền đầy biến ảo.

Võ sư Trịnh Như Quân cho biết: “Sau nhiều ngày nghiên cứu võ sáo, có ngón nghề rồi, tôi nghĩ nên chế tạo những cây sáo sắt to lớn, đẩy nghệ thuật võ sáo lên một bậc. Việc chế tạo sáo sắt nặng là sự bất chấp những nguyên tắc thông thường về chế tạo nhạc cụ. Sáo sắt của tôi chưa có tên trong từ điển nhạc cụ”.

Tôi hỏi: “Tại sao không phải là những chất liệu khác như đồng, nhôm mà lại là sắt?”. Ông Quân giải thích: “Tôi đã thử làm trên nhiều chất liệu và đúc rút ra, chỉ có sắt mới thích hợp để chế tạo. Ngoài việc là một thứ kim loại nặng, rất thích hợp dùng làm vũ khí ra, nó còn cho âm thanh rất chuẩn, sáo đúng là sáo”.

Ông Quân mang “gia tài” của mình cho bạn bè xem và biểu diễn. Một cây sáo có tên “Tiêu Tương”, dài 1,6m, nặng 4kg; một cây tên “Cõi Thiên Thai” nặng 3,5kg; một cây tên “Giọt Mưa Thu” nhỏ hơn.

Nâng niu cây sáo trên tay, võ sư nói: “Tôi đặt người ta làm cho cái thân sáo ở một làng luyện có tiếng, rồi vật vã rèn giũa những cái xà beng đó thành cây sáo thật, có âm thanh rất chuẩn. Tay tôi phồng rộp, tứa máu để chạm khắc, nhưng thấy rất vui”.

“Bóng trăng Phồn Xương” diễn tả cảnh trời mây non nước đẹp đẽ và khát vọng của người võ sĩ: Tự do.

Tiếng nhạc là nỗi lòng của người thổi, nó cảnh báo với đối phương rằng: Người trước mặt không dễ bị khuất phục.

“Bóng trăng Phồn Xương” có sáu thế tấn, 53 chiêu thức cao siêu nhất của võ thuật, 13 đặc dị kiếm pháp.

Tất cả được biến hóa để tạo sức công phá cho sáo sắt. Mọi người kinh hoàng khi võ sư Quân dùng sáo bổ vào chồng gạch cao, tất cả tan tành.

Ông cho biết thêm: “Cây sáo khổng lồ của tôi có thể hòa nhạc điện tử, đáp ứng tốt được các tiêu chuẩn âm nhạc quốc tế và đã được thẩm định qua nhiều kỳ biểu diễn”.

Những chữ nho khắc trên thân sáo như “Cõi Thiên thai”; “Thiết địch Thần công” và hình chim hạc giống như hình chim trên trống đồng..., võ sư Quân phải nhờ đến sự tư vấn của ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng thành phố Bắc Giang.

Còn việc đục lỗ cho sáo thì ông nhờ đến sự giúp đỡ của ông Nguyễn Quốc Vệ, người từng đục khắc bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ông Vệ cảm phục tài năng của võ sư Trịnh Như Quân, nên đã khắc tặng ông chữ “Phụng” với nghĩa chính: Con người là chủ của thiên nhiên, phải phụng sự theo ý trời mới có thể điều khiển được cây sáo sắt, một khí cụ của trời đất, cũng là để phụng sự nhân dân.

Để tặng bạn bè, người võ sư biểu diễn bài “Bóng trăng Phồn Xương” với những đường quyền biến ảo, vừa lạnh ngắt, vừa hồ hởi. “Bóng trăng Phồn Xương” được biểu diễn như sau: Người võ sĩ cầm hờ sáo trên tay, đứng thế hạc tấn, ngón tay trỏ như mỏ hạc ngước hờ lên trời, ý rằng trăng đang mơ màng sáng. Rồi chàng chuyển thế trảo mã tấn, mắt nhìn đất, người khom, tay khua nhẹ trong không gian, như đang thưởng nguyệt bên hồ nước.

Kết hợp vừa đánh vừa thổi sáo, ông “khiển” cây sáo một cách linh hoạt, cứ như còn ở tuổi 30. “Bóng trăng Phồn Xương” diễn tả cảnh trời mây non nước đẹp đẽ và khát vọng của người võ sĩ: Tự do. Tiếng sáo cất lên, thể hiện khí lực và nội công thâm hậu.

Tiếng nhạc là nỗi lòng của người thổi, nó cảnh báo với đối phương rằng: Người trước mặt không dễ bị khuất phục. “Bóng trăng Phồn Xương” có sáu thế tấn, 53 chiêu thức cao siêu nhất của võ thuật, 13 đặc dị kiếm pháp. Tất cả được biến hóa để tạo sức công phá cho sáo sắt. Mọi người kinh hoàng khi võ sư Quân dùng sáo bổ vào chồng gạch cao, tất cả tan tành.

Ngoài ra, “Bóng trăng Phồn Xương” còn hội tụ những tinh hoa về âm nhạc dân tộc. Ở tầng cao, âm thanh phát ra mạnh mẽ, thách thức đối thủ. Ở tầng thấp, nó da diết, khắc khoải, thể hiện tình người. Nói chung, võ sáo biến hóa khôn lường.

Người bình thường, chỉ cần đưa được cây sáo lên ngang miệng được bốn phút đã là khỏe. Nhưng võ sư Quân thì đủ sức thổi hết bài này đến bài khác.

Trong nhiều năm qua ông đã tập đủ cả Tân cổ giao duyên, nhạc tiền chiến… Tiếng sáo ngân lên bài Giọt mưa thu da diết: “Giọt mưa thu/ thánh thót rơi/ trời lắng u hoài/ mây hắt hiu ngừng trôi...”. Nhìn bàn tay chai sạn của ông, tôi hiểu, ngoài nội công thâm hậu ra, đôi tay của ông đã biết “học” cách điều khiển cây sáo rất uyển chuyển.

Chu du với sáo

Tháng sáu năm 2008, bộ phim tài liệu “Võ sáo đất Kinh Bắc” nói về võ sư Trịnh Như Quân đã đoạt giải nhì Liên hoan phim Quốc tế. Tháng tám năm 2008, võ sư biểu diễn trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) và được tặng danh hiệu “Kỳ sáo Kinh Bắc”.

Theo võ sư, để đạt đến trình độ tuyệt kỹ của “Bóng trăng Phồn Xương”, người học phải có sức khỏe dẻo dai, thân hình cường tráng và phải có một trình độ hiểu biết về âm nhạc. Các đệ tử của ông như Tô Hồng, Nguyễn Quý Toàn đã thành danh trong giới võ thuật nhưng để thể hiện âm nhạc trong võ thì vẫn chưa đạt.

Giờ đây, trong căn phòng riêng, ông Quân vẫn dày công nghiên cứu từng ca khúc, nắn sửa từng thế võ và sáng sáng chiều chiều tiếng sáo sắt lại réo rắt vang lên.

Thi thoảng, ông lại bỏ hai cây sáo sắt vào bao, đeo như đeo súng đi biểu diễn. Đôi lần, đến một vài cơ quan, ông bị bảo vệ giữ lại vì nghĩ ông mang theo súng. Đến khi cây sáo được rút ra thì đôi bên bắt tay nhau cười xòa.

Là người ham vui, nên ông sẵn sàng biểu diễn cho bà con ở nơi đồng ruộng, bìa rừng hoặc trong hang động. Ông ước mình có thể mang cây sáo đi khắp nơi, đến tận các vùng hải đảo để biểu diễn võ nghệ, cho mọi người biết rằng võ sáo Yên Thế còn truyền nhân, và bí kíp võ công của tổ tiên vẫn rất cần những người truyền nhân tâm huyết.

Được đi biểu diễn là niềm vui của võ sư Trịnh Như Quân. Ông mong muốn truyền dạy thêm cho nhiều học trò nữa, vì rèn võ sáo cũng là rèn tính khảng khái, cương trực, rèn cái đức độ, lòng yêu nghệ thuật và tính nhẫn nại của con người. Ông vẫn còn thích sáng tạo thêm nhiều cây sáo khác, để làm giàu thêm kho tàng của mình. Ông tiễn tôi bằng bài Đêm đông...

Bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” của Nghĩa quân Yên Thế (do cụ Đề Thám lãnh đạo trong suốt 30 năm 1883 - 1913) nổi tiếng từ bấy đến nay. Sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, bài võ sáo này tưởng cũng theo đó mà tan.

Mãi đến năm 1990, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang cử người đi tìm lại những bài võ sáo cổ truyền đất Yên Thế. Người ta vui mừng khi bài võ sáo vẫn được cụ Triệu Quốc Úy gìn giữ.

Sau khi xem biểu diễn, võ sư Trịnh Như Quân bị hút hồn và ông đã quyết học lại bài võ này. Không những thế, ông còn sáng tạo ra những cây sáo mới.