Cảnh đìu hiu của làng nghề vàng mã 'vào vụ' Rằm tháng Bảy
TPO - Đến làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) những ngày cận Rằm tháng 7 Âm lịch năm nay khi đại dịch COVID -19 vẫn đang hoành hành mới cảm nhận rõ cảnh vắng lặng, đìu hiu. Ngay từ cổng làng, ngựa cúng tế chất đầy ven đường, đồ hàng mã chất đầy kho nhà dân không người hỏi mua
Mọi năm, những ngày này, người dân làng nghề Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) đang hối hả sản xuất cho kịp những đơn hàng vàng mã phục vụ lễ cúng ngày Rằm tháng Bảy.
Tuy nhiên, năm nay, chỉ lác đác khách tới Phúc Am mua hàng. Các hộ gia đình sản xuất hàng mã tại làng cho biết, năm nay sức mua của thương lái chỉ bằng 50% so với năm ngoái, tức chỉ bằng khoảng 20 đến 30% so với trước khi có dịch.
Một chủ hộ sản xuất chuyển từ đan cốt hàng mã sang đan rổ, rá bằng tre nứa.
Các sản phẩm ở làng nghề Phúc Am có nhiều mẫu mã đa dạng cùng với đó rất có uy tín và được ưa chuộng, nên đồ vàng mã nơi đây có mặt ở nhiều vùng của miền Bắc phục vụ nhu cầu cúng lễ ở đền, phủ, miếu.
Năm nay, đã vào mùa sản xuất hàng hóa phục vụ rằm tháng 7 Âm lịch, nhưng hàng mã chất đầy ven đường không có khách hỏi mua.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay tất cả các mặt hàng đều bán rất chậm.
Đặc biệt trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội, lượng hàng hóa tiêu thụ gần như bằng không do nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố... Hàng hóa làm xong chất đống trong kho không tiêu thụ được.
Các cơ sở sản xuất hàng mã trong làng đều khá im ắng. Không còn cảnh ô tô nườm nượp về làng để vận chuyển đồ dùng cho những người ở cõi âm như trước đây.
Sức mua giảm mạnh, nhưng giá mặt hàng này vẫn không biến động so với năm ngoái. Nhà giấy, xe có giá dao động từ 60.000 - 80.000 đồng, tuỳ kích cỡ.
Vật liệu bằng tre nứa bị bỏ vương vãi nhiều nơi do không thể đưa vào sản xuất.
"Năm nào tôi cũng xuất xưởng hàng nghìn bao hàng. Tuy vậy, thời điểm này chỉ ghi nhận mức tiêu thụ trên 30%" - một chủ xưởng cho biết.