Chì là kim loại rất độc, có thể ảnh hưởng đến tất cả cơ quan nội tạng. Sự gây độc của chì cho cơ thể rất nặng nề, lâu dài và hay tái phát; thậm chí, theo Tiến sĩ Phan Thế Đồng, giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ, Đại học Hoa Sen, TP HCM, chì còn có khả năng gây ung thư. Điều đáng nói là bằng mắt thường, ngửi hoặc nếm đều không thể phát hiện hàm lượng chì có trong các loại nước uống và thực phẩm.
Nguy cơ và hậu quả nhiễm độc chì từ thực phẩm đồ uống có lẽ sẽ không được nhắc nhiều trong thời gian qua nếu như lô nước uống C2 và Rồng Đỏ của URC có hàm lượng chì vượt xa mức công bố không bị phát hiện hồi tháng 5.
Rất nhiều người dân đã sử dụng C2 là thức uống giải khát hàng ngày. Đặc biệt, C2 và Rồng Đỏ còn là đồ uống được nhiều trẻ em yêu thích, vì vậy, các bậc phụ huynh thường xuyên mua cho con mà không biết rằng đã vô tình hại con mình. Chị Nguyễn Quyên (Hà Nội) cho biết: “Tôi vẫn thường mua C2 hoặc Rồng Đỏ cho con uống mỗi khi tan trường mà không hề biết có lô sản phẩm độc hại này bị phát hiện. Thực ra, ở vị trí người dân, cứ thấy nước uống hợp khẩu vị, có tên công ty sản xuất rõ ràng thì mua chứ cũng chẳng có cách nào kiểm tra xem có an toàn với sức khoẻ của mình hay không”.
Theo thanh tra Bộ Y tế, có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì mà URC phải thu hồi. Tuy nhiên, URC chỉ thu hồi được gần 1.200 thùng, số còn lại là 38.800 thùng, mỗi thùng có 24 chai, tức là có 931.200 chai C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì vượt mức đã đi vào cơ thể người dân, mà trong số đó trẻ em chiếm đa số.
Theo các chuyên gia y tế, lượng chì vào cơ thể trẻ em gây nguy hại gấp nhiều lần người lớn và để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến não bộ trẻ nếu lượng chì cao, được tích tụ lâu ngày. Trẻ càng nhỏ, ảnh hưởng từ nhiễm độc chì càng lớn. Nếu ngộ độc nhẹ, trẻ sẽ bỏ ăn, thường xuyên quấy khóc nhưng nếu nhiễm nặng, trẻ có thể tê liệt, co giật và hôn mê, thậm chí tử vong. Đối với người lớn, nhiễm độc chì thường ăn không ngon, trí nhớ kém, khó ngủ, giảm khả năng làm việc, nặng hơn có thể bị tăng huyết áp, suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, chì có thể vượt qua hàng rào nhau thai và phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.
Có thể thấy, nguy cơ nhiễm chì từ thực phẩm đối với người dân là rất lớn bởi ô nhiễm môi trường, ô nhiễm từ các dụng cụ đựng thực phẩm như chén bát, chai lọ… Nghiêm trọng hơn, khi chì vào cơ thể trực tiếp bằng đường uống thì cực kì nguy hại.
Vì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia: Nếu nghi ngờ hoặc lo lắng mình đã uống phải thứ nước chứa chất độc này, người tiêu dùng đành phải… tự cứu mình trước khi trời cứu, bằng cách đi làm các xét nghiệm tổng quát sức khỏe.