Cần xử lý hình sự việc bỏ chất cấm vào thực phẩm
> Phạt 15 doanh nghiệp sử dụng chất cấm nuôi heo
TP - Những ngày qua, dư luận bức xúc về các vụ sử dụng chất độc hại vào thực phẩm, chăn nuôi gia súc; kinh doanh thực phẩm ôi thối, quá hạn sử dụng... song chỉ bị xử lý hành chính, không đủ sức răn đe.
Trao đổi với Tiền phong, chuyên gia pháp luật Nguyễn Quốc Việt, Thường trực Tổ biên tập Bộ luật Hình sự (BLHS) nói: “Đúng là việc sử dụng các chất cấm trong thực phẩm và chăn nuôi đang gây bức xúc cho xã hội, để lại những hậu quả khó lường cho sức khoẻ con người. Sắp tới, sửa đổi BLHS năm 1999 chắc chắn phải nêu vấn đề này ra.
Theo điều 15 của Nghị định số 45/2005/NĐ-CP, hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm ôi, thiu, nhiễm bẩn, quá hạn sử dụng hoặc không đảm bảo VSATTP... sẽ bị xử lý hành chính từ 10-15 triệu đồng.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt này là quá thấp trong khi các đối tượng có thể kiếm lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Cá nhân tôi ủng hộ đưa hành vi sử dụng chất cấm trong thực phẩm, chăn nuôi vào BLHS. BLHS hiện hành mới chỉ quy định xử lý người chế biến, người bán, chưa quy định xử lý người chăn nuôi tạo ra sản phẩm để chế biến.
Tuy nhiên, ở đây cũng rất khó xử lý. Chẳng hạn sử dụng chất tạo nạc trong nuôi lợn. Người chăn nuôi mua về chỉ biết nó tạo nạc, không có chất độc hại, thì khó xử người chăn nuôi. Vậy thì phải xử người bán chất đó. Người bán chất cấm thì có điều luật quy định rồi. Mặt khác, cần quy định rõ hàm lượng bao nhiêu sẽ gây tác hại cho con người”.
Có ý kiến cho rằng, nếu các cơ quan chức năng sớm ban hành danh mục chất cấm không được phép đưa vào thực phẩm, thức ăn chăn nuôi thì có thể xử lý ngay về hành vi buôn bán hàng cấm theo điều 155 BLHS?
Đúng là các quy định về danh mục chất cấm chưa rõ ràng, thiếu tính pháp lý. Điều này thể hiện trách nhiệm quản lý của nhà nước còn mù mờ, yếu kém. Trình độ của người dân chưa cao, họ mua về để chăn nuôi có biết đó là độc hại đâu, có biết bị cấm đâu. Muốn trị tận gốc ở đây là phải không cho bán trên thị trường.
Thưa ông, hành vi kinh doanh thực phẩm thối, ôi thiu, quá hạn sử dụng... đã có quy định xử lý hình sự, nhưng hầu như chưa xử được vụ nào, vì sao?
Điều 244 BLHS quy định về tội “vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”, trong đó nêu rõ hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, quy định 3 khung hình phạt tương ứng với 3 cấp độ nguy hiểm và có điều khoản về hình phạt bổ sung.
Tuy nhiên, cái khó ở đây là yêu cầu phải có hậu quả, nói cách khác là phải có người “lăn đùng ngã ngửa” ngay ra khi sử dụng loại thực phẩm này. Nếu không có hậu quả tức thì, khi phát hiện chỉ có thể xử lý hành chính. Cái khó ở đây chính là việc chứng minh nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Vậy theo ông, sửa đổi BLHS sắp tới nên sửa theo hướng nào để bịt kẽ hở này?
Vì liên quan đến sức khoẻ con người, cá nhân tôi ủng hộ hướng xử lý, nếu vi phạm lần đầu có thể chỉ xử lý hành chính, nhưng nếu tái phạm phải xử lý hình sự.
Khi đã sửa theo hướng như vậy, thì phải có cơ quan hay đầu mối đăng ký, ghi nhận xử lý vi phạm hành chính. Hiện chúng ta đang xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính, tới đây sẽ có cơ quan đứng ra làm việc này. Chính cơ quan này sẽ giúp cho việc thống kê xử lý hành chính và xử lý hình sự sau này.
Xin cảm ơn ông.
Hoàng Long