Cần xem lại lương ngành điện

TP - Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nhận rất nhiều câu hỏi xung quanh việc công khai giá điện, xăng dầu, công khai hoạt động của Tổng Cty Xăng dầu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam và “vì sao lương ngành điện cao trong khi kinh doanh lỗ?”.
Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ trao đổi bên hành lang Quốc hội

> Điện lỗ, xăng dầu lãi

Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ trao đổi bên hành lang Quốc hội.

“Lương cao có đúng đạo lý không?”

Chất vấn hoạt động của EVN và giá bán điện, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích, ngành điện luôn kêu thiếu vốn, lỗ và đòi tăng giá trong khi không hoàn thành nhiệm vụ chính vì EVN đã dành hàng ngàn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành, trong đó có hoạt động bị lỗ nặng.

Lương và thưởng của nhân viên rất cao, vượt xa mức thu nhập trung bình của người dân, lương tới 7,3 triệu đồng mà Tổng giám đốc EVN còn nói “Tôi rất đau lòng”… “Xin hỏi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công thương, phải chăng từ độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp EVN đã buộc người tiêu dùng không những phải chịu những khoản lỗ do yếu kém của tập đoàn, mà còn phải chịu cả những khoản lỗ do thất thoát điện năng, do đầu tư ngoài ngành và do việc trả lương, thưởng rất cao. Pháp lý và đạo lý nào cho vấn đề này? Việc đề nghị tăng giá điện như vậy có minh bach không” - ĐB Nga chất vấn.

Không trả lời vấn đề thu nhập của EVN, Bộ trưởng Vương Đình Huệ tập trung trả lời về vấn đề quản lý, điều hành giá của các tập đoàn này. Giá phải theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng quyền định giá của DN, hạch toán đủ chi phí, có lãi hợp lý, không cho phép bao cấp, bù chéo các ngành.

Tuy nhiên, hiện nay giá than vẫn bao cấp (bù chéo) khi bán cho ngành điện và điện vẫn phải bao cấp cho sản xuất thép, xi măng. Riêng năm 2010, hơn 11% sản lượng điện thương phẩm phải bao cấp chéo lên đến 2.547 tỷ đồng. Vì vậy, có tình trạng các DN sử dụng điện rẻ để cán thép bán ra nước ngoài…

Được mời trợ giúp Bộ trưởng Huệ, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nói: EVN là DN nhà nước, quỹ tiền lương bao nhiêu là do Bộ LĐTB&XH quyết định. Hơn nữa, trong lương còn có 25% phụ cấp, nên tính ra cũng chỉ hơn 5 triệu. “Lương cao hay thấp phải so sánh với thu nhập bình quân của người lao động cả nước, so sánh cùng loại hình kinh doanh, cùng khu vực DN. Nói một câu thấp hay cao sợ không đủ cơ sở”- Ông Hoàng diễn giải.

Ngay sau đó, ĐB Minh và ĐB Nga cùng tái chất vấn. “EVN có biểu hiện độc quyền hai đầu mua và bán, hai bộ làm gì chống độc quyền? Lương cao là tốt nhưng phải có lãi, còn lương cao mà thua lỗ thì ĐB, cử tri không đồng tình” -ĐB Nga nói.

ĐB Minh cho rằng: “Lương cao mà kinh doanh lỗ là có vấn đề, bởi mức lương phải căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh là chính”.

“Tôi cũng nghĩ như ĐB Minh, quan trọng là tiền lương phù hợp năng suất lao động và hiệu quả. Vì thế, Bộ LĐTB&XH cần xem xét lại mức lương này hợp lý đến đâu”- Bộ trưởng Huệ nói.

Lỗ do đâu?

ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đề nghị Bộ trưởng Tài chính làm rõ EVN lỗ vì sao, có phải vì đầu tư ra ngoài ngành không? Bộ trưởng Tài chính cho biết: Năm 2010 EVN lỗ tổng cộng 23.500 tỷ đồng do phải mua điện giá cao của các đơn vị bên ngoài, chênh lệch tỷ giá.

Theo Kiểm toán Nhà nước, đầu tư ngoài ngành của EVN có loại lỗ, có loại lãi nhưng lỗ không được tính vào phần kinh doanh điện. Năm 2011, dự kiến EVN lỗ trên 11 ngàn tỷ đồng, nhưng lỗ thực tế đến nay chỉ trên 680 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch. Về giá điện năm 2011 dự kiến sẽ tăng lên 1.242 đồng/kwh (tăng 4,6% so năm 2010) trong đó có phân bổ một phần ba lỗ của năm 2010.

“Năm 2012 điện sẽ tăng ở mức kiềm chế, nhưng với các hộ tiêu thụ thấp sẽ không phải chịu tăng giá, Nhà nước sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo 30 nghìn đồng /tháng” - Ông Huệ cho biết. Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, thất thoát điện năm 2010 là 9,28% do mạng lưới cũ nhưng tới đây rất mong EVN và các Tập đoàn giảm 5-10 % chi phí để giảm một phần chi phí giá thành.

Trả lời câu hỏi ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) “vì sao các DN xăng dầu (Petrolimex) kêu lỗ để tăng giá, nhưng lãi không công khai?”. Ông Huệ nói, từ năm 2008 đến nay các DN này có lãi. Nhưng cụ thể lãi, lỗ như thế nào phải đợi có báo cáo mới có thể công bố.

“Có ý kiến giá xăng dầu nhảy múa. Trên thế giới xăng dầu nhảy múa thật. Năm nay, chúng ta điều chỉnh 4 lần giá xăng dầu nhưng 2 lần tăng, 2 lần giảm. Vì 70% phải nhập khẩu, nên giá phụ thuộc giá thế giới. Tới đây, giá xăng dầu vẫn phải theo thị trường, nhưng phải đảm bảo kinh tế vĩ mô, chống lạm phát” - Ông Huệ cho biết.

“Chất vấn nóng” Bộ trưởng Hoàng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cho biết “các DN có giảm được 10% chi phí sản xuất theo đề nghị của Bộ trưởng Tài chính không?” “Bộ có yêu cầu các DN tìm biện pháp thực hiện NQ11 để giảm chi phí. Năm 2011 ngành điện đã tiết kiệm được gần 500 tỷ đồng” - Bộ trưởng Hoàng trả lời.

ĐB Lê Thị Nga: Nhiều công chức lương chỉ 2 triệu đồng

“Tôi đã nói ngay trên hội trường là lương cao thì rất khuyến khích nhưng ở tập đoàn Nhà nước thì lương phải tương xứng hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ. Lương cao mà lỗ thì chúng ta không thể đồng tình được. Hiện nay, nhiều công chức Văn phòng QH lương cũng chỉ khoảng 2 triệu đồng, ở Bộ Y tế có người lương chỉ 1,8 triệu thì cao hay thấp?...”.

N.T (ghi)

Theo Báo giấy