Hiện có trường 100% học sinh lớp 12 đã hoàn thành phiếu ngay trong ngày đầu tiên đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học (ĐH) 2021. Năm nay được đăng ký nguyện vọng tuyển sinh ĐH bằng hình thức trực tuyến nên các em vẫn còn thời gian cân nhắc, lựa chọn ngành nghề.
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng THPT Trần Phú (Hà Nội), cho biết, ngay trong ngày đầu tiên đăng ký dự thi, 100% học sinh lớp 12 (708 em) của trường đã hoàn thành phiếu dự thi nộp về trường. Cán bộ làm công tác tuyển sinh của trường nhập dữ liệu của học sinh vào hệ thống, sau đó cung cấp tài khoản, mật khẩu để các em vào đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH theo hình thức trực tuyến. Về việc lựa chọn ngành nghề học của học sinh, bà Yến cho biết, kết quả thăm dò trước đó cho thấy, phần lớn các em chọn học những ngành liên quan kinh tế, một số ít lựa chọn y dược, kỹ thuật, nghệ thuật hay các ngành khoa học xã hội như báo chí, truyền thông…
Trường ĐH Y Hà Nội luôn ở nhóm “top” lấy điểm đầu vào tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) cao nhất nước. TS Lê Đình Tùng, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, nói rằng, xác định vào học y là chỉ có học và học. Ngoài ra, thí sinh phải mài giũa ngoại ngữ thật tốt vì ngành y đòi hỏi môn này rất cao.
Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) năm nay có 402 học sinh lớp 12. Trường đã tập huấn việc khai phiếu đăng ký dự thi cho cán bộ của các lớp; những em này có nhiệm vụ về phổ biến lại cho các bạn trong lớp mình. Bà Ngô Thị Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, hằng năm, những sai sót trong khai phiếu đăng ký dự thi khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trường tổ chức cho các giáo viên kiểm tra chéo giữa các lớp, không những thế, giữa các trường THPT trong quận cũng kiểm tra lẫn nhau. Vì vậy, các sai sót đều được khắc phục trước khi chuyển dữ liệu cuối cùng lên hệ thống.
Lời khuyên cho thí sinh muốn vào trường “top”
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định, đầu vào và đầu ra của trường đều rất khó. "Năm nay, thí sinh muốn trúng tuyển vào ngành khoa học máy tính thì điểm thi phải đạt 10 điểm/môn. Dù thí sinh được tuyển chọn vào rất giỏi nhưng vào trường vẫn phải học chăm, giữ vững phong độ, không được phép xả hơi”, ông Điền nói. Ông dẫn chứng, hằng năm trường có 700 - 800 sinh viên phải ra khỏi hệ chính quy do không đảm bảo được yêu cầu của nhà trường. Ngoài ra, có 40% phải trả nợ môn đến năm thứ sáu mới ra trường được.
Ông Điền cho biết, mỗi năm trường có 5.000 sinh viên, trong đó có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn, cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa nhóm đầu và nhóm cuối. “ĐH là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ, các trường đều siết chặt chất lượng, nên các em xác định vào ĐH là để học”, ông nói.
Khi lựa chọn ngành nghề cho con, hầu hết phụ huynh và học sinh đều quan tâm khả năng xin việc khi ra trường. Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, nhận định, đó chỉ là một khía cạnh. Ngoài việc phân tích xu hướng của thị trường lao động, thí sinh phải căn cứ vào năng lực và mong muốn của bản thân, xem mình phù hợp với ngành nghề nào.
Các chuyên gia đều cho rằng, thị trường lao động hiện nay biến đổi quá nhanh, sinh viên mới vào trường nào đó đang “hot”, nhưng đến khi tốt nghiệp, ngành đó có thể thoái trào. Nên để kiếm được việc tốt trong thị trường lao động thì sinh viên cần nắm chắc kiến thức nền tảng và rèn luyện kỹ năng thích nghi, chuyển đổi linh hoạt. Khi lựa chọn ngành nghề, thí sinh cần dựa theo 5 nguyên tắc: mục tiêu việc làm sau này là gì; ngành, trường, điều kiện tuyển sinh, học phí ra sao; năng lực bản thân (sở thích nghề nghiệp, sức học, tài chính gia đình); chọn phương thức tuyển sinh phù hợp; cải thiện sức học. Không nên chọn ngành nghề chỉ xuất phát từ điểm bài thi tổ hợp đã chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, rồi mới chọn ngành. Hiện có khoảng 230 tổ hợp nhưng các em thường chỉ chú ý tới các tổ hợp truyền thống, trong khi có 150 tổ hợp mới xuất hiện. Thí sinh nên xuất phát từ 5 nguyên tắc trên để đăng ký xét tuyển.