Trẻ em thừa cân, béo phì gia tăng
Hiện nay, tình trạng thừa cân và béo phì ở trẻ em Việt Nam đã trở thành một vấn đề cấp bách. Theo các chuyên gia tại hội thảo, tỷ lệ trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020. Đáng chú ý, tỷ lệ này tại khu vực thành thị lên đến 26,8%, vượt mức trung bình của Đông Nam Á là 17,3%.
Bà Đỗ Hồng Phương - chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF Việt Nam - đưa ra dự báo đáng lo ngại: “Nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có gần 2 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 5-19 bị thừa cân, béo phì.”
Những trẻ thừa cân, béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư. Bên cạnh đó, trẻ em còn phải đối mặt với định kiến xã hội về ngoại hình, dẫn đến trầm cảm, thiếu tự tin, thậm chí suy giảm kết quả học tập. Đây không chỉ là mối lo ngại của Việt Nam mà còn là vấn đề toàn cầu.
Ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhấn mạnh: “Trẻ em là nguồn lực tương lai của đất nước. Do đó, công tác giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên hàng đầu nhằm hướng đến sự phát triển phồn vinh, bền vững”.
Tuy nhiên, ông Hạ cũng thừa nhận rằng các vấn đề dinh dưỡng và phát triển trẻ em vẫn còn nhiều bất cập.
Đồ uống có đường và các chính sách thuế
Tại hội thảo, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đồ uống có đường trong việc gia tăng tỷ lệ béo phì ở trẻ em.
PGS, TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - giải thích rằng, việc tiêu thụ quá nhiều đường tự do, đặc biệt từ các loại nước giải khát, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây béo phì.
“Một lon nước ngọt mỗi ngày có thể dẫn đến 8 tác hại nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, các bệnh về xương răng, và thậm chí là ung thư”, bà Mai nhấn mạnh.
Bên cạnh các quan điểm đồng tình với việc đánh thuế, bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, - cũng chia sẻ góc nhìn đa chiều. Bà Thơ cho rằng việc đánh thuế là cần thiết và mức thuế 10% là chấp nhận được; đề xuất cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng từ các cơ quan soạn thảo để đảm bảo tính công bằng và hợp lý.
“Đường không chỉ liên quan đến đồ uống mà còn được sử dụng trong nhiều sản phẩm thiết yếu khác. Để ngăn chặn tình trạng béo phì một cách toàn diện, cần cân nhắc áp dụng thuế đối với cả các sản phẩm khác như đồ ăn nhanh”, bà Thơ nêu quan điểm.
Trong khi đó, chuyên gia Đỗ Hồng Phương của UNICEF Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng ta cần hiểu rằng béo phì không chỉ là vấn đề của một cá nhân hay gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường thông qua các chính sách thuế là một bước đi quan trọng".
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh rằng các biện pháp thuế chỉ là một phần của chiến lược toàn diện. Cần kết hợp giáo dục dinh dưỡng, thay đổi thói quen tiêu dùng và xây dựng một môi trường lành mạnh hơn cho trẻ em.
PGS.TS Trương Tuyết Mai khuyến nghị: “Trẻ dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hay đồ uống nào có thêm đường. Đối với trẻ từ 2 đến 18 tuổi, lượng đường tiêu thụ hàng ngày nên được giới hạn dưới 25g, tương đương 5% tổng năng lượng nạp vào".