TPO - Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng, giáo viên mầm non hành hạ trẻ là “con xấu" của ngành giáo dục, cần được "chăm sóc" tinh thần.
Việc cô mẫu giáo nhốt học sinh 4 tuổi vào thang máy gây xôn xao dư luận, theo bà ngành giáo dục cần làm gì để giáo viên tậm tâm với nghề, tận lực với học sinh?
Khó nhất mà chúng ta chưa làm được vẫn là về đời sống cho giáo viên. Giáo viên phải lo cuộc sống, phần đầu tư, tâm huyết vào dạy học sinh có phần hạn chế. Cái cốt lõi ở đây là chúng ta phải giải quyết vấn đề cho những nhà giáo chân chính, làm sao họ sống bằng chính đồng lương của mình để toàn tâm toàn ý cho việc dạy trẻ.
Trong giáo dục hay ngành nào cũng vậy, đều có “con tốt, con xấu”. Trong đó, “con xấu” thường do tập thể đó rèn luyện, đào tạo chưa nghiêm. Nhà trường phải thường xuyên theo dõi và giám sát giáo viên. Điều cần làm là rèn luyện hàng ngày, làm chưa tốt thì nhắc nhở, góp ý.
Tôi thấy hiện nay, người ta chạy theo công việc hành chính nhiều hơn, nghĩa là xem giáo viên làm được hay không, không làm được thì phạt, cho thôi việc. Cái đó không để lại dấu ấn cho con người, giữa người với người. Đồng nghiệp cần thương nhau để giúp nhau tốt hơn. Theo tôi, ngay cả giáo viên cũng phải được chăm sóc về mặt tinh thần nữa.
Vậy theo bà, những đứa “con xấu” của ngành giáo dục càng ngày càng nhiều là do đâu?
Thực ra, những giáo viên đó là những con sâu làm rầu nồi canh. Cô giáo trước đây làm thế hiếm lắm. Nhưng giờ lương ít, người ta cứ tuyển cho đủ nên không chọn được người đúng theo chuyên ngành.
Tất nhiên, cuộc sống thay đổi, ngành này không xin được thì chạy qua ngành kia. Hạn chế là ở chỗ đấy, tuyển cả những người không tâm huyết với nghề. Nghề dạy nghề mới tâm huyết được.
Nhiều người cho rằng, giáo viên cũng cần có chứng chỉ hành nghề. Ý kiến của bà về vấn đề này?
Thực ra, chứng chỉ hành nghề chính là kĩ năng sư phạm, đạo đức làm thầy. Kĩ năng làm thầy chính là… nghề. Nói một cách thực sự, ngành giáo dục vẫn lí luận, đi theo lí luận cơ bản nhiều quá.
Nhà nước, giáo dục cùng… ôm
Học sinh bị “ bạo hành”, cô giáo nhốt trẻ vào thang máy dẫn đến hoảng loạn, phần nhiều xảy ra ở trường tư thục. Theo bà, có phải chúng ta buông lỏng ở mảng trường tư thục, dẫn đến yếu kém không?
Để xảy ra sai phạm là do buông lỏng quản lý thôi, chứ trường tư thục có công của họ. Họ có thể nhận trẻ sớm, về muộn, nhận ở mức học phí rất thấp.
Có lần, tôi đi khảo sát, những vùng công nhân Phường 11, quận 11 của TPHCM, những người lao động thu nhập ngày 10 nghìn đồng, mỗi sáng “vứt” một nghìn vào cho nhà trẻ, còn chín nghìn về nuôi cả nhà. Khi đó, ít trường công lập nào nhận mỗi sáng một nghìn.
Theo tôi, trừ những trường lừa đảo gọi là quốc tế (sau rút dần hết người quốc tế, có bằng cấp, đưa vào người không bằng cấp), còn thực sự, mạng lưới tư thục góp phần bổ sung cho trường công lập, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang phổ cập trẻ năm tuổi.
Theo bà, nên có mô hình nào cho giáo dục mầm non?
Theo tôi, nhà máy, xí nghiệp nên thành nhà trẻ công lập, nó là tư thục nhưng của đơn vị. Đơn vị nên tính đến phúc lợi của người lao động. Nhưng đó không phải trường của nhà nước vì của công đoàn xí nghiệp, nhà máy làm. Thay vì phúc lợi, đi làm từ thiện thì các nơi này nên có phòng học cho các cháu.
Mô hình này mang tính xã hội cao vậy sao chưa được nhân rộng?
Trước chúng ta có nhưng giải tán hết rồi, bị “ôm” trả về nhà nước. Ngành giáo dục của mình cũng “ôm” về. Tôi tha thiết xin nhưng họ không trả về; họ tính lỗ, lãi. Như thế là tính không con người rồi.
Ý kiến của bà về vụ cô phạt trẻ mới bốn tuổi bằng cách nhốt vào thang máy, giáo viên và trường tạm thời bị đình chỉ?
Theo tôi, giáo viên chưa học thì mình gửi đi học bồi dưỡng thêm. Tôi quan niệm, quản lý là cùng tham gia chứ không phải quản lý là xử phạt. Xử phạt là kém nhất trong năng lực quản lý. Nhà trường cần đầu tư vào chỗ khiếm khuyết của giáo viên.
Cô giáo gây hại cho cháu bé phải chịu về tội hình sự rồi. Bây giờ thì không thể tha thứ, phải có thời gian ba đến năm năm, cô giáo này chứng minh rằng mình tốt, ân hận, vẫn thiết tha với việc dạy dỗ trẻ em, cần cho con người ta cơ hội. Nếu không thay đổi thì cả đời không cho quay lại.
Xin cảm ơn bà!
Đỗ Hợp