Học nghề “chạy xăng”
Sau nhiều ngày đi tìm mối sang chiết xăng, chúng tôi tìm đến nhóm đầu nậu chuyên chạy xăng của Tú (ấp Tân Phú, phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) xin “học nghề chạy xăng”.
Tú, mới 22 tuổi nhưng đã có 4 năm trong nghề chạy xăng lậu, nói: “Chạy xăng thì đơn giản nhưng kiếm mối lấy xăng mới quan trọng. Lấy từ mối vừa rẻ lại được số lượng nhiều chứ lấy cây xăng ăn không thông. Loại xăng lấy phải là A92 vì nó thông dụng”.
Theo Tú, trước đây cánh chạy xăng thường móc nối với cánh xe bồn, do thời gian qua báo chí nói nhiều về chuyện xe bồn ăn cắp xăng nên tài xe bồn không dám hút trực tiếp bán, buộc những tay chạy xăng như Tú phải kiếm các kho xăng để mua với số lượng lớn.
4h chiều 21-10, chúng tôi theo Tú tới kho vận tải công ty Xăng dầu Đồng Nai (104 Hà Huy Giáp, TP Biên Hòa, Đồng Nai) lấy xăng. 5 can nhựa Tú mang theo được người đàn ông tên Hòa mang vào trong kho nhưng ông ta không cho chúng tôi tiếp cận.
Sau 15 phút, ông này đẩy 5 can đã đầy xăng ra, tính tiền mỗi can 30 lít là 600 ngàn đồng. Có khá nhiều đầu nậu chạy xe tới lấy xăng, mỗi xe chở theo 3 đến 6 can loại 30 lít.
“Hết xăng rồi, đợi chút đang pha xăng. Bữa nay có mối mới hay sao mà chạy nhiều thế?”. Ông Hòa nói với một đầu nậu. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc xăng, ông Hòa cho biết: “Đây là xăng của công ty bán, chứ không phải xăng đểu đâu mà lo”.
Không chỉ lấy xăng từ nơi đây, các đầu nậu khi khan hiếm xăng hay chưa tìm được bãi xăng đành lấy xăng từ các cây xăng về phù phép để kiếm lời.
Với các đầu nậu không có kho lấy hàng lâu dài, giải pháp là lấy tại các cây xăng thuộc QL 1K đoạn qua Bình Dương. Tại các cây xăng tư nhân này, giá cho các đầu nậu sẽ rẻ hơn từ 1.000 - 1.500đ/lít.
Một tài xế chạy xe bồn cho công ty Petrolimex biển 57k 64… tên Đông cho biết: Cánh tài xế muốn lấy xăng bán cho các đầu nậu thì rất dễ, họ sẽ rút xăng trong đêm ra can, rồi bơm methanol bù vào lượng đã rút ra.
Còn với niêm chì, chỉ cần hơ nóng cho nở, rồi rút ra và sau khi lấy xăng xong lại hơ nóng rồi lấy một thanh kim loại đẩy dây niêm chì lại là không ai biết.
“Sau khi lấy được xăng vào can, cánh lái xe bồn sẽ hẹn đầu nậu xăng tại chỗ nào đó rồi bỏ xăng và lấy tiền, cách này vừa bí mật lại khó bị cánh nhà báo phát hiện”, tài xế Đông nói.
Tại QL 1K và các con đường lớn của Bình Dương tiếp giáp Đồng Nai, Q.Thủ Đức TPHCM, trong 30 phút, chúng tôi đếm được hơn chục chiếc xe gắn máy chở can xăng đi lấy và bỏ mối.
Từ 30 lít xăng “nở” thành 36 lít
Cánh chạy xăng luôn biết làm ảo thuật để can nhựa lấy xăng biến dạng to ra hay nhỏ lại, xăng cũng có thể làm “nở” ra. Theo đầu nậu tên An quê Thái Bình, cùng cánh chạy xăng với Tú tại Bình Dương, can xăng 30 lít mua về sẽ được hơ lửa cho dãn ra thành can 32 lít để đi lấy xăng. Còn can mang xăng đi bỏ cũng thuộc loại 30 lít nhưng về hơ lửa cho nhỏ lại thành can 28 lít để đem giao khách hàng.
“Trước kia xăng A83 còn rẻ, xăng A92 sẽ được pha với xăng 83 để lấy phần chênh lệch giá. Nhưng giờ xăng A83 cũng đắt ngang ngửa với xăng A92 nên nếu pha như vậy thì không thể có lời được”, An nói.
Vì thế, bây giờ sau khi lấy xăng về, các đầu nậu rút 6 lít xăng trong bình 32 lít được biến hóa ra còn 26 lít. Sau đó số xăng còn lại sẽ đổ vào can 28 lít thu nhỏ từ can 30 lít và pha vào đó 2 lít methanol để thành xăng thành phẩm rồi đem giao cho các chủ xăng lẻ.
Từ khoảng 4h chiều, cánh đầu nậu bắt đầu đi gom xăng từ nhiều mối mang về nhà. Sau khi xăng được gom đủ, cánh chạy xăng bắt đầu bí mật chiết xăng và phù phép để 30 lít thành 36 lít.
Ngoài Bắc xe cháy nhiều là do cánh chạy xăng ngoài đó ăn tham, pha quá nhiều methanol vào xăng. Nếu pha vừa phải như bọn này, ăn ít nhưng bền mà không gây hậu quả nặng”
7h sáng hôm sau, số xăng này được vận chuyển đi các mối bỏ, thu can và lấy tiền can xăng những ngày trước đã bỏ. “Mỗi đầu nậu phải đảm bảo có 20 điểm bán lẻ xăng thì mới ăn thua, bán kính hoạt động càng rộng càng tốt”, An bảo.
Sau khi theo xe An đi giao xăng từ Bình Dương sang Q. Thủ Đức, các mối đều hết xăng và yêu cầu về lấy xăng giao thêm. Đầu nậu này liền phóng xe về lấy số xăng dự trữ nhưng không đủ. An liền pha thêm methanol bù vào số xăng thiếu.
“Methanol rất rẻ, trên thị trường bán rất nhiều, chỉ 9 ngàn đồng/lít. Nhưng khi pha cũng phải chú ý bởi chính trong xăng các bãi giao cho mình họ đã pha rồi nên không thể pha nhiều. Chỉ có thể pha thêm 2 lít để nếu các điểm bán xăng lẻ có pha thêm ít nữa vào cũng không làm xe cháy được, vì nếu hàm lượng quá cao chất methanol sẽ phá hủy động cơ, đốt nóng nhanh và gây cháy xe ngay”, An nói.
“Ngoài Bắc xe cháy nhiều là do cánh chạy xăng ngoài đó ăn tham, pha quá nhiều methanol vào xăng. Nếu pha vừa phải như bọn này, ăn ít nhưng bền mà không gây hậu quả nặng”, An nói thêm. Can xăng 30 lít được lấy từ bãi với giá 20.000/lít và giao cho cánh bán lẻ giá 23.000/lít. Cánh chạy xăng bỏ túi 120.000 đồng/can.
Một ngày mỗi đầu nậu chỉ cần bỏ ra 4 tiếng đồng hồ đi bỏ và lấy xăng. Trung bình một ngày nếu bỏ đủ 10 can xăng 32 lít đã phù phép xuống thành 28 lít là có trong tay hơn triệu bạc.
Tại huyện Củ Chi, TPHCM, đầu mối tên Đức với hơn 10 năm trong nghề cho biết: “Tất cả xăng bán lẻ ngoài đường đều bị pha methanol, hàm lượng thì mỗi chỗ pha một lượng”. Khi lấy xăng về, Đức chỉ cần quan sát, nếu màu xăng đen sậm thì xăng đã bị pha nhiều và chỉ được pha thêm khoảng 2 lít methanol/can 28 lít. Nếu màu xăng vàng sánh có nghĩa xăng nguyên chất chưa pha và có thể pha được thêm đến 5 lít.
Sau khi Tú giao xăng cho một mối bán lẻ tại đường số 8, khu phố 3, phường Linh Xuân, Q.Thủ Đức, chủ cửa hàng này đưa vào cây xăng bơm tay, xăng có màu đen sậm chứ không sánh vàng như loại A92 đổ tại các cây xăng nhà nước, nghĩa là xăng có thể đã pha quá nhiều tạp chất.
Chúng tôi đổ 2 lít với giá 25.000/lít từ cây xăng này. Chạy được khoảng 3km thì xe có biểu hiện giật giật, máy nóng rất nhanh.