Cận cảnh những cơ sở gây ô nhiễm phải di dời khỏi 'đất vàng' nội đô

TPO - Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội vừa khảo sát công tác thực hiện di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch trên địa bàn thành phố, kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn thành phố còn hạn chế, chậm so với yêu cầu.

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, thành phố đã chủ động hướng dẫn di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị. 67 cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng di dời do không phù hợp quy hoạch đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật đất dịch vụ thương mại với diện tích 102 ha.

Theo nhận định sau đợt khảo sát, kết quả thực hiện di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch trên địa bàn thành phố còn hạn chế, chậm so với yêu cầu. Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội chỉ rõ, theo kế hoạch, việc xác định đối tượng, lộ trình di dời hoàn thành xong trong năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2016 mới di dời được 67 cơ sở và chấp thuận chủ trương, phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất 27 cơ sở.

Kết quả đạt được chủ yếu do sự chủ động thực hiện của các chủ đầu tư cơ sở sản xuất, vai trò chủ động của cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế. Cùng với đó, việc xác định tiêu chí, phân loại, hướng dẫn tổng hợp lập danh mục, biện pháp di dời chưa thực sự rõ ràng, đồng bộ, chưa gắn với kế hoạch, lộ trình cụ thể, nhất là cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường không phù hợp phải di dời ngay trong các quận nội thành.

Tại Công ty In và văn hoá phẩm (số 83 phố Hào Nam), kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp đã di dời cơ sở in ấn gây ô nhiễm, đã chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án hỗn hợp xây dựng nhà ở, thương mại và văn phòng.

Tại địa chỉ Công ty Cổ phần Sơn Tổng hợp (81 phố Hào Nam) doanh nghiệp đã di dời cơ sở sản xuất sơn.

Theo ghi nhận của PV, trên ô đất chỉ còn văn phòng bán và giới thiệu sản phẩm của công ty.

Một cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị được chỉ ra là Công ty Cổ phần Xây lắp và cơ khí cầu đường tại số 460 Trần Quý Cáp (phường Văn Chương, quận Đống Đa).

Nơi đây đang được các công ty, doanh nghiệp khác thuê lại để kinh doanh.

Theo quy hoạch, toàn bộ diện tích đất này nằm trong chỉ giới thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 1.

Ghi nhận của PV, hoạt động sản xuất kinh doanh, trao đổi mua bán ở đây vẫn diễn ra tấp nập.

Nhóm ô nhiễm môi trường, phải tiếp tục theo dõi đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường theo kiến nghị cử tri 3 cơ sở, trong đó có Nhà máy bia Việt Pháp tại địa chỉ số 202H phố Đội Cấn (quận Ba Đình).

Cơ sở vẫn đang hoạt động tại khu đất trên.

Công ty Sen vòi Viglacera tại địa chỉ phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) đang nằm trong diện đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường.

Đây là cơ sở có diện tích và hệ thống xưởng sản xuất lớn.

Một đơn vị cũng được cử tri quan tâm mức độ ô nhiễm là Công ty cổ phần bao bì và má phanh Viglacera tại địa chỉ số 148 Khu Liên cơ phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm).

Công ty nằm trên ô đất rộng lớn với nhiều nhà xưởng.

Kiến nghị không gia hạn sử dụng đất

Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở TN&MT không tiếp tục gia hạn sử dụng đất cho các cơ sở bị di dời. Đồng thời, tham mưu cơ chế quản lý khu vực các đơn vị đã di dời, tránh tình trạng lấn chiếm, đổ phế thải không đúng nơi quy định. Sở Tài chính cần tham mưu, xây dựng cơ chế thuế cho doanh nghiệp đã di dời nhằm tạo động lực cho họ.