Cận cảnh nhiều cầu ngăn mặn ở Nghệ An bị sập, gãy đổ
TPO - Sau mưa lũ, cầu Khe Đầm và cầu Giằng thuộc xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An bị sập, gãy đổ khiến hàng chục héc ta đất sản xuất của người dân bị nhiễm mặn, không thể canh tác.
Cầu Khe Đầm (xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có chức năng điều tiết nước, chống lụt cho xã Nghi Phong, Nghi Thạch, Khánh Hợp (huyện Nghi Lộc) và phường Nghi Thu, Nghi Hương (thị xã Cửa Lò). Công trình còn có chức năng ngăn mặn cho gần 60ha đất sản xuất tại 2 địa phương này. Tuy nhiên, sau các đợt mưa lũ kéo dài, một phần thân cầu đã bị đổ sập, cuốn trôi nhiều bộ phận.
Hiện 2 cửa chắn nước đã bị hỏng hoàn toàn, những van cửa còn lại cũng bị ảnh hưởng về kết cấu. Các trụ cầu bung ra, treo lủng lẳng.
Nước xói vào cũng làm sạt lở gần 20m kè bờ đê, nguy cơ xói lở sâu vào đất liền vẫn tiếp diễn, đặc biệt là các đợt thủy triều lên.
Thân cầu Khe Đầm bị đổ sập.
Do cầu Khe Đầm bị hư hỏng, không còn khả năng điều tiết nước, nên lượng nước dồn về cầu Giằng (cách cầu Khe Đầm chừng 500m) khiến một số đoạn trên thân cầu bị gãy đổ.
Cầu Giằng có chiều dài 31m, rộng 6m, hiện nay đã bị sụt lún 5 chân trụ, gãy 2/3 thân cầu.
Không chỉ bị gãy đôi chính giữa cầu, những trụ bê tông trên cầu Giằng cũng bị nứt toác.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hợp cho biết: “Ảnh hưởng của các đợt mưa lũ vừa qua khiến cầu Khe Đầm và cầu Giằng là các cầu ngăn mặn trên địa bàn bị sập, gãy đổ. Từ thời điểm hai cầu bị hư hỏng, nước mặn từ bara Nghi Tân (TX Cửa Lò) liên tục tràn vào diện tích đất sản xuất của địa phương, không có cách nào ngăn được. Hiện, xã đã có báo cáo gửi các cấp, ngành nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục”.
Do 2 cây cầu bị hư hỏng nên nước mặn đã xâm nhập vào khoảng 60ha đất sản xuất. Chính quyền và nhân dân đang rất lo lắng vì nếu không có phương án khắc phục sớm thì những diện tích đất này buộc phải bỏ hoang các vụ tới vì không thể gieo trồng được.
Ông Trần Nguyên Hòa - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: “Hai cầu ngăn mặn này rất quan trọng trong việc điều tiết lũ, đặc biệt là ngăn nước mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân tạm thời không trồng lúa, hoa màu để chờ sửa chữa cầu. Nếu không thể xây lại 2 cây cầu này thì đành phải bỏ đất hoang vì không thể canh tác, cũng không có biện pháp xử lý nước mặn”.