An Giang:

Cận cảnh người dân ngâm mình trong nước gặt lúa

TPO - Mấy ngày nay, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều khiến hàng trăm héc ta lúa ngoài đê bao ở An Giang chìm sâu trong nước. Nhiều người dân tranh thủ ra đồng lặn ngụp gặt từng mớ lúa đem về.

Người dân gặt lúa chìm trong nước 

Ngày 29/8, phóng viên Tiền Phong có mặt tại cánh đồng mênh mông nước, nhấn chìm hàng trăm héc ta lúa ở xã Vĩnh Gia (Tri Tôn, An Giang). Tại đây, nhiều người từ sớm đã ngâm mình dưới nước, lặn ngụp cầm lưỡi hái gặt lúa.

Bà Nguyễn Thị Nhi đang gặt lúa
Người dân đang hì hục mò lúa

Bà Nguyễn Thị Nhi năm nay 62 tuổi ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia cùng con gái đang đang hì hục gặt lúa. Bà Nhi cho biết, nhà không ruộng đất, chồng bị đau khớp không làm nặng được, giờ hai mẹ con đi gặt (mót) lúa của chủ bị ngập bỏ đem về phơi để dành xay gạo ăn. Đồng thời, có dư chút đỉnh đem bán sống qua ngày.

Bà Nhi cầm mớ lúa trên tay

Quanh năm vợ chồng bà Nhi làm thuê kiếm sống. Mấy ngày nay lũ nhấn chìm lúa của nhiều nông dân nên bà đến đây mót lúa. “Mình mót được lúa thì mừng nhưng kiếm ăn trên sự đau khổ của chủ đất. Bởi lúa bị lũ nhấn chìm nên chủ đất bỏ lúa cho mình mót. Vì nếu họ thuê cắt thì khi bán không đủ tiền trả công cắt”, bà Nhi nói.

Người dân gặt lúa 
Ngâm mình trong nước gặt lúa

Đang hì hục gần bà Nhi là cả gia đình 3 người của ông Mai Văn Tốt ở cùng ấp. Ông Tốt cho biết, không ruộng đất, quanh năm đi làm thuê sống, mấy ngày nay vợ chồng tranh thủ đi mót lúa dưới nước để dành ăn qua 3 tháng nước nổi.   

Người dân mót lúa bị ngập 
Ông Nguyễn Văn Bé hút điếu thuốc cho đỡ lạnh
Người dân gặt lúa chìm trong nước  ẢNH: HÒA HỘI 

Ông Nguyễn Văn Bé cũng đang cặm cụi gặt từng mớ lúa lên xuồng. Ông cho biết, 6 giờ sáng đã có mặt ở đây gặt đến giờ, tôi gặt đầy ghe chở vô nhà xong, giờ đang gặt tiếp để kiếm chút gạo để dành ăn. “Ngâm mình suốt ngày lạnh lẽo lắm nhưng vì cuộc sống phải chấp nhận chứ biết làm sao giờ”, ông Bé bộc bạch. 

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn,  đến ngày 28/8, nước lũ làm thiệt hại hơn 720 ha lúa thu đông (tỷ lệ thiệt hại bình quân khoảng 70%) nằm ngoài đê bao ở các xã Vĩnh Gia, Lạc Quới. Đồng thời, ngành chức năng của huyện tập trung bảo vệ hơn 2.000 ha lúa thu đông đang bị nước lũ uy hiếp.