Cận cảnh một ngày của nữ sinh trường múa

Ăn uống kiêng khem, luyện tập vất vả, tai nạn rình rập... là những gì sinh viên trường múa phải đối diện mỗi ngày để có được giây phút thăng hoa trên sân khấu.

Sáng nào cũng vậy, 6h30 Lê Trần Thảo Nhi, 21 tuổi, sinh viên năm thứ 4 lớp K2 Dân Tộc lại đến Cao đẳng Múa Việt Nam (Mai Dịch, Hà Nội). Thời gian học bắt đầu từ 7h và kết thúc 5h chiều, nhưng hầu hết sinh viên ở lại tập tới 22h mới về nhà.

"Người học mùa thường có mu bàn chân cao, cổ chân cao để đi giầy mũi cứng cho tốt, thời điểm ban đầu tập luyện rất đau. Gia đình không ai làm nghệ thuật, lại là con một nên bố mẹ luôn hướng cho em công việc nhàn nhã. Sau nhiều lần khẳng định mình bằng những cuộc thi, thấy có năng khiếu nên em quyết tâm theo đuổi đam mê", Nhi chia sẻ.

Việc luyện tập diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nhi cho biết, nhiều người có cơ địa không thích hợp cho việc học múa nên phải thường xuyên luyện tập. Ngoài giờ học trên lớp, những lúc nghỉ giải lao hay lên giường trước khi đi ngủ, họ vẫn phải luyện tập, có khi tập một tư thế xoạc rồi ngủ quên đến ngày hôm sau không đi lại được.

Ballet là môn nghệ thuật hàn lâm, để làm được thành thục các động tác rất khó bởi quy chuẩn đặt ra hoàn hảo. Nhưng khi đã làm tốt thì đây là lợi thế để dễ dàng học những môn khác.

Mỗi lớp múa có khoảng 20 học viên. Tất cả đều phải có hình thể cân đối, khuôn mặt thanh tú, có độ mềm, độ mở, sức bật, có sức khoẻ và năng khiếu múa (ngành Diễn viên múa); có khả năng về tư duy sáng tác, năng khiếu múa, năng khiếu âm nhạc (ngành Biên đạo múa); có khả năng về kết cấu bài tập múa, năng khiếu múa (ngành Huấn luyện múa). Chính vì yêu cầu khắt khe, số lượng sinh viên được tuyển hàng năm rất thấp, chỉ vài chục một khóa.

"Với bộ môn múa, yếu tố hình thể đóng vai trò quan trọng nhất. Để trở thành diễn viên tỏa sáng trên sân khấu thì ngoài năng khiếu mà không có hình thể cân đối, đẹp hài hòa thì không thể lột tả, truyền tải hết tác phẩm tới khán giả. Chính vì thế việc giữ cân và ép cân rất quan trọng", cô giáo Linh (bộ môn múa Dân gian) chia sẻ.

Để giữ dáng, nửa năm nay Nhi bỏ hẳn ăn cơm và tinh bột. Đến giờ, cứ ăn những thứ nhiều chất, no quá là em cảm thấy buồn nôn. "Có lần về thăm nhà, mẹ quý con gái nấu cháo gà rất ngon, nhưng khi ăn no thì nôn ra hết, em đành phải ngồi ăn hết đĩa rau cho dạ dày đỡ căng tức", Nhi kể.

Văn hoá và kiến thức cơ bản là môn học song song với các môn học chuyên ngành mà mỗi học sinh trong trường đều phải tham gia.

Sau giờ học văn hóa, mỗi sinh viên trong trường lại chọn cho mình thời gian ôn luyện riêng. Có những thời điểm học thi hoặc tham gia thi tài năng phải đầu tư thời gian luyện tập tới 3-4 tháng.

"Mới đây 2 tuần em gặp chấn phải bó bột và đi nạng nhưng vẫn phải đến lớp để theo dõi các bạn học. Dù hiện giờ chân chưa khỏi hẳn vẫn phải băng bó rồi luyện tập nhẹ", Nhi kể. Các bệnh nặng diễn viên múa hay gặp phải là thoái hóa, vôi hóa cột sống, giãn dây chằng.

Nhi ở tại ký túc xá ngay cạnh trường nhưng ngày nào về phòng khi ánh điện đã tắt dần. Một ngày học tập kết thúc lúc 22h đêm.

Bàn chân không còn chỗ nào lành lặn, vết sẹo và chai sạn ở khắp nơi. Buổi tối trước khi đi ngủ, Nhi phải ngâm chân bằng thuốc giúp đỡ nhức mỏi xương khớp và có ngủ giấc sâu hơn.

Một ngày ăn chính một bữa (buổi trưa), nên trước khi ngủ Nhi thường phải bổ sung ngũ cốc ăn kiêng để không bị đói. Việc giữ dáng, giữ sức khỏe là điều tiên quyết của mỗi diễn viên múa.

Theo Theo VnExpress