Cận cảnh di tích nổi tiếng ở TPHCM sau một tuần cách ly toàn xã hội

TPO - Sau một tuần thực hiện cách ly toàn xã hội tại TPHCM, các di tích thắng cảnh nổi tiếng của nơi này hầu như đã quen với khung cảnh vắng lặng đến nao lòng. Trung tâm văn hóa lớn của khu vực ASEAN đang cố gắng thiết lập các vùng xanh không COVID-19. 

TPHCM là một trung tâm văn hóa, du lịch lớn của cả nước. Trước đại dịch, năm 2019, tổng lượt khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 8,5 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018. Khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 32,77 triệu lượt, tăng 13% so với năm 2018. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay khiến cho lượng du khách tới đây giảm rất nhiều. Đặc biệt trong những ngày giãn cách toàn xã hội, bắt đầu từ 0h 9/7/2021 đến nay, nơi đây hoàn toàn vắng lặng. Trong ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TPHCM đã đóng cửa từ tháng 5/2021

Chỉ những người làm các công việc thiết yếu mới được phép ra khỏi nhà và trên các ngả đường vào khu trung tâm thường có các chốt kiểm soát phòng chống COVID-19. Tất cả các danh thắng, công viên, phố đi bộ đều đóng cửa, tuyệt đối không phục vụ du khách. Trong ảnh: Đường phố đi bộ Nguyễn Huệ thành thiên đường của các loại chim (Ảnh chụp chiều 15/7/2021).

Công viên Tượng đài Bác Hồ có thông báo tạm ngưng hoạt động

Các di tích lịch sử vốn thu hút khách tham trong nước và quốc tế, nay lại là những nơi yên tĩnh, ít người nhất. Người ta không còn thấy từng đoàn xe tấp nập tới tham quan Dinh Thống Nhất. Thay vào đó, chỉ là những chiếc xe đưa thư từ, bưu kiện.

Chợ Bến Thành, nơi đón khoảng 16.000 khách mỗi ngày cũng hoàn toàn vắng lặng sau 1 tuần cách ly toàn xã hội. Đây là một trong số những lần hiếm hoi mà biểu tượng của thành phố này không hoạt động.

Nhà hát thành phố đã tắt đèn từ tháng 4/2021. Nhiều chương trình âm nhạc đã bị hủy bỏ và Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TPHCM gửi lời xin lỗi đến khán giả, mong sớm gặp lại.

Thảo cầm viên, khu vui chơi của trẻ em và thanh niên cửa đóng then cài. Đi ngang qua chỉ dăm ba người đưa hàng vội vã. Việc giao hàng cũng bị hạn chế, ngoại trừ giao các mặt hàng thiết yếu.

Bưu điện cổ, được xây dựng từ năm 1886 – 1891 bởi kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel người Pháp. Một viên ngọc kiến trúc và một điểm đến tham quan. Sau một tuần cách ly xã hội, bưu điện vẫn mở cửa phục vụ, song không thấy khách.

Các hoạt động tôn giáo tụ tập đông người tạm thời không tổ chức. Trong ảnh: Khu vực tượng đài Đức Mẹ vắng lặng.

Bảo tàng lịch sử nhuốm màu rêu phong. Bảo tàng đóng cửa từ tháng 5/2021 và vẫn chưa thể mở lại.

Người đàn ông ở phố Tây Bùi Viện "phong tỏa" nhà bằng cây xanh và ngồi nghe tin tức dịch bệnh COVID-19 qua chiếc điện thoại.