Năm đã xa, trong một cuộc họp trọng, được chứng kiến chất giọng khàn khàn nhưng cảm khái của ông Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Lê Huy Ngọ khi bộc bạch với Thủ tướng Phan Văn Khải rằng để xóa nghèo không thể bằng cách cứ đổ tiền đổ gạo này khác! Thủ tướng hôm đó nối thêm, triển khai thêm cái ý ấy rằng việc đưa tiền gạo cũng chỉ là giải pháp tình thế, phải có những phương cách xóa nghèo bền vững!
Cao su vực Thạch Thành
Buổi qua Thạch Thành, huyện miền núi địa đầu xứ Thanh ngồi với ông Đỗ Minh Quý, Bí thư huyện ủy cũng khá ấn tượng. Thạch Thành, một huyện có truyền thống túng thiếu triền miên. 140 ngàn dân trong đó trên 50% dân tộc Mường.
Theo chuẩn nghèo mới, Thạch Thành đương gặp thứ nan giải là có tới 40% hộ nghèo. Nghèo nhưng tình thế không phải bi đát tắc tỵ mà có lối thoát! May mắn Thạch Thành có trên 1.700 ha cao su, hầu hết là cao su tiểu điền đã cho thu hoạch mủ 4 năm nay.
Ông Bí thư Quý khóa trước là chủ tịch huyện, từng tháo vát năng nổ trong phong trào trồng cao su tiểu điền. Một ha cao su trên đất dốc (đất xấu đầu thừa đuôi thẹo) bỏ rẻ cũng cho thu hoạch trên 50 triệu đồng. Mỗi ha cao su như thế liên tục tạo việc làm trong 6 tháng cho gần chục lao động mà mỗi ngày chỉ làm 4 tiếng đã có thu nhập trên 800 ngàn đồng/ tháng. Có thể nói, với thời giá hiện tại, 115 triệu đồng một tấn mủ cao su (năm 2007 chỉ 18 triệu/tấn), chưa có thứ nông sản nào được giá như thế.
Ngoài cao su, Thạch Thành còn có trên 6.000 ha mía của hàng trăm hộ là vùng nguyên liệu quan trọng cho nhà máy mía đường Đài Loan. Nhiều hộ xóa được hẳn nghèo vươn lên khấm khá rồi làm giàu bằng việc trồng cao su, mía, nuôi bò.
Hàng ngàn lao động tự do nhàn rỗi không chỉ của huyện Thạch Thành mà nhiều huyện khác như Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa và nhiều địa phương khác đã tìm đến chăm sóc thu hoạch mía, cao su. Hơn 15 ngàn lao động được thu hút vào cây cao su và mía của Thạch Thành.
Biên ra mấy việc như thế để thấy xoay quanh cây mía và cao su của Thạch Thành đã nhỡn tiền việc khó có thể xảy ra trình trạng thiếu đói gay gắt diện rộng trên địa bàn huyện Thạch Thành trong thời kỳ giáp hạt hiện nay. Đó là chưa kể, cận ngày bầu cử Quốc hội khóa XIII, 140 tấn gạo cứu trợ của chính phủ vừa áp sát đến những hộ đói theo báo cáo thống kê (tất nhiên như kỳ trước đã nói, con số ấy chưa qua thẩm định xem xét?)
40% số hộ nghèo của Thạch Thành chắc cũng đắp đổi tránh được cái đói gay gắt vào những lúc nông nhàn đi làm thuê làm mướn cộng với số gạo trợ cấp? Nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế cầm hơi để Thạch Thành duy trì và phát sinh mãi cái nghèo từ tỷ lệ 40% ấy! Cách xóa đói giảm nghèo bền vững của Thạch Thành?
Bí thư Quý cho biết, Thạch Thành hiện tại cơ cấu có 27% nông nghiệp. Sang năm tới kiên quyết đưa xuống 20%. Cụ thể giảm 1.000 ha lúa để chuyển sang trồng mía, trồng cao su, trồng cỏ nuôi bò. Khoảng 10 ngàn lao động sẽ được thu hút vào địa hạt chuyển dịch cơ cấu và lao động công nghiệp. Chỉ giữ mức 350 kg lương thực/ người/ năm (hiện tại là 450 kg/ người/ năm).
Bí thư Quý cho biết thêm, nếu cứ tình trạng chăn nuôi hộ nhỏ lẻ và mọi khoản chi tiêu trông chờ vào cây lúa, hạt thóc thì Thạch Thành vẫn luẩn quẩn mãi không thể thoát nghèo, mỗi kỳ giáp hạt cái đói vẫn lơ lửng và úp chụp lên đầu người dân.
Ông dẫn ra những hộ làm lúa cự phách thu nhập đến mươi mười lăm tấn lúa mỗi vụ nhưng vẫn nghèo vẫn bị cái đói bủa vây rình rập. Đơn giản mọi khoản chi tiêu đều trông vào việc bán thóc. Giật mình với con số cứ 10 tấn thóc thì 9 tấn dùng cho các khoản chi tiêu...
Tôi biên vào sổ thông tin cái ý mà Bí thư Quý nói (kèm theo động tác chém gió khá kiên quyết) rằng, bây giờ phải bỏ cái tư duy dai dẳng của người làm nông là phải đạt bao nhiêu tấn trên một ha canh tác mà phải thay bằng tư duy mới. Đó là cung cách chuyển dịch cơ cấu để có tiền triệu, nhiều triệu đồng trên mỗi ha!
Đã có kha khá những cái chém gió hùng hồn như thế nhưng khi bắt tay vào việc thì lại trật lấc? Nhưng với riêng Thạch Thành, đã có đối chứng, đã có kinh nghiệm cộng với sự hỗ trợ chăm chút của tỉnh, của cả trung ương. Việc xóa đói giảm nghèo bền vững với Thạch Thành có lẽ trong tầm tay của địa phương? Nhớ bữa gặp ông Trịnh Văn Chiến - chủ tịch tỉnh Thanh Hóa.
Ông say sưa trình bày về mô hình cao su tiểu điền của Thạch Thành và từ hiệu quả của Thạch Thành đang nhân rộng ra khắp Cẩm Thủy, Như Xuân... Phấn đấu năm 2015, mấy huyện miền núi sẽ có 20 ngàn ha cao su. Hiện tại mới có 11.000 ha. Trước mắt, để khai hoang nhân rộng diện tích trồng cao su, mỗi hecta tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 9 triệu đồng.
Có lẽ không phải một sớm một chiều tâm lý trông chờ ỷ lại được khắc phục thì Thanh Hóa, nhất là miền núi, mới có thể thoát nghèo? Thói quen ấy, tâm lý ấy, không phải phổ biến nhưng lại có sức ỳ và lan tỏa tệ hại. Mà miền núi, vùng cao xứ Thanh bao đời vẫn là mối lo đau đáu, là bao vấn đề cộm cán về kinh tế xã hội... Thì đã đành có chuyện quan đần thì dân khổ! Nhưng một bộ phận dân, mà phổ biến ở vùng cao miền núi, vùng xa vùng sâu vẫn nặng tâm lý trông chờ ỷ lại thì ngoài việc tự làm khổ mình còn làm khổ cho... tỉnh nữa?
Giận thì giận mà thương càng thương. Lên vùng cao xót xa khi thấy dân đói nhưng cứ ngồi cứ nằm hút thuốc lào, uống trà vặt. Hỏi ra mới biết đang phải đợi đám lao động dưới xuôi lên để chặt nứa chặt cọ bán lấy tiền mua gạo mua rượu.
Công xá tính thế này, cứ hai cây luồng, hai tàu cọ thì người chặt thuê được hưởng một nửa! Đã có những âm lượng hơi bị lớn của ông cán bộ bản, cán bộ thôn rằng, cứ từ từ, khắc chính phủ đem gạo lên thôi mà (!?)
Ảnh: Báo Thanh Hóa.
Hướng đi của đàn vịt Cổ Lũng
Vịt Cổ Lũng của huyện Bá Thước là thứ đặc sản nổi danh. Đã đành là rất thú khi được ngồi chắp bằng trên sàn nhà đưa cay bằng thứ hấp thứ nướng cùng những mảng tiết canh đông như thạch! Nhưng sẽ còn thú hơn khi mỗi vụ vịt dẫn hàng ngàn con vịt thịt giống Cổ Lũng vượt gần trăm cây số về với hàng chục nơi tiêu thụ như thành phố Thanh Hóa chẳng hạn?
Thú bởi công sức kinh nghiệm dày dặn của bà con dân tộc trên đây nuôi, thứ vịt quý sẽ nhanh chóng quy đổi thành tiền, rất nhiều tiền và nếu cần cả hàng hóa đối lưu. Đường sá thời buổi này đâu diệu vợi như trước? Ấy thế mà vận động nài nỉ mãi, thứ đặc sản nổi danh này vẫn không thể trở thành hàng hóa được, mặc dù đầu ra rộng rãi thênh thang...
Trên đây là trích ngang câu chuyện của một thương lái chuyên đi săn thứ hàng độc cho các quán nhậu thành phố. Nghe như có hơi hướng khẩu khí của anh cán bộ vùng xuôi lên vùng cao để làm công tác xóa đói giảm nghèo? Mà xứ Thanh đang tiềm ẩn nhiều thứ thoát nghèo như giống vịt Cổ Lũng.
Năm nào cũng phải chìa tay xin chính phủ trợ cấp trong khi sản lượng lương thực luôn vượt mức? Có lẽ trước nhất khâu cán bộ phải là nguồn động lực chủ yếu để xứ Thanh giải thoát qua bi kịch này.
Đã và đang thực sự là một cuộc chiến với những sức ỳ lẫn thói quen xa lạ với cung cách kinh tế thị trường, việc xóa nghèo bền vững mới có cơ tiến triển. Dè dặt, chầm chậm từng bước...
Bên cạnh những gắng gỏi bền bỉ ấy, còn phập phồng hy vọng mai kia nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lớn nhất nước Việt được đưa vào vận hành thì mới là cú hích thực sự là sức lan tỏa của một trung tâm kinh tế động lực để các vùng miền xứ Thanh thoát nghèo một cách bền vững?
Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân cả nước. Kết quả xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các địa phương. Đời sống dân vùng sâu vùng xa, bãi ngang, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn.
Đến năm 2015, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống còn 3,6%, nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 88%. Lồng ghép có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo với các chương trình dự án khác. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm 3-4 %.
(Nguồn: UBND tỉnh Thanh Hóa- Kế hoạch phát triển KTXH& QPAN 5 năm 2011-2015 tỉnh Thanh Hóa)