Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930- 3/2/2015):

Cán bộ trước hết phải là người tử tế

TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Quốc Hùng (ảnh), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, nhấn mạnh, Đảng phải dân chủ, công khai chọn người hiền tài cho đất nước. Cần định lượng tiêu chí phẩm chất của hiền, tài, theo đó, cán bộ trước hết phải là người tử tế với dân.
Lớp trẻ đầy đủ đức tài sẽ là đội hậu bị tin cậy của Đảng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Cán bộ phải làm gương

Nhìn lại chặng đường vẻ vang 85 năm qua kể từ ngày thành lập Đảng đến nay, ông có suy nghĩ gì?

Thực tế cách mạng Việt Nam từ khi thành lập Đảng đến nay cho thấy yếu tố con người - tức cán bộ là yếu tố quyết định mọi thành bại. Thực tế, những quyết định đó phần nhiều phụ thuộc vào chính người có chức vụ, cầm cân nảy mực. Đảng ta khẳng định vị thế là Đảng cầm quyền, được nhân dân ủng hộ, tin tưởng. Nhưng Đảng cũng tự nhận trong quá trình lãnh đạo cũng còn có những hạn chế, chưa đạt kết quả như mong đợi của đảng viên và nhân dân.

Đảng đã thực hiện nhiều cuộc chỉnh đốn Đảng, nổi lên là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) và hiện tại là Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI. Đảng mạnh dạn phân tích, mổ xẻ hạn chế, yếu kém để đổi mới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế, thấy chỗ mạnh, chỗ yếu, chỉ rõ cả định tính và định lượng. Định tính là sự thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm nguyên tắc Đảng.

Định lượng là một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, có cả cán bộ cấp cao có vi phạm. Nghị quyết T.Ư 4 là một nghị quyết có tính chiến lược, cần tập trung làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Trước hết, cán bộ đứng đầu các cấp phải làm gương trước nhân dân. Đảng viên, cán bộ phải là những công dân mẫu mực, có ý thức pháp luật, yêu nước thương dân nhất.

Vì xác định con người là yếu tố quyết định, những ngày đầu lập nước, Bác Hồ chọn người thành lập chính phủ mới có cả người không phải đảng viên, xuất thân nhiều thành phần. Bây giờ chúng ta nói nhiều đến việc chọn hiền tài, còn nhân dân lại băn khoăn về nạn chạy chức, chạy quyền?

“Đảng phải suy nghĩ chọn hiền tài trong những người chưa phải đảng viên. Nếu Đảng thấy đúng thì phải xem xét, để cho mọi người có năng lực, tài năng có cơ hội phấn đấu, cống hiến cho đất nước. Có những người tốt chưa vào Đảng, thí dụ GS Nguyễn Lân Dũng hay nhà sử học Dương Trung Quốc…  Đấy là những người tốt, có đóng góp, những người thẳng thắn, mạnh mẽ trong hoạt động ở Quốc hội”. 

Ông Vũ Quốc Hùng

Ông cha ta căn dặn hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nhưng đánh giá thế nào là hiền tài, có phải hiền là không đấu tranh? Phải định lượng tiêu chí phẩm chất của hiền, tài. Tôi nhấn mạnh hai chữ tử tế. Cán bộ trước hết phải là người tử tế với dân. Tôi nói điều này, có người bảo sao anh lại nói thế, chúng ta đều là người tử tế cơ mà. Thực tế có đúng như vậy không, chúng ta còn phải bàn. Ai cũng biết đã là cán bộ, đảng viên thì phải là người tử tế, đó là tiêu chuẩn cơ bản, tối thiểu phải có. Cùng với đó, cán bộ phải yêu nước, thương dân, có tinh thần trách nhiệm, không tham lam.

Để những điều ấy không là khẩu hiệu suông, người làm công tác tổ chức trước hết phải là người trong sáng. Người làm kiểm tra phải thực sự là tai mắt của Đảng, công tâm để xác định rõ chỗ tốt, xấu trong Đảng. Bây giờ, tham nhũng tinh vi, xảo quyệt, lách luật, lách quy định của Đảng.

Cho nên, quy định nhiều nhưng một bộ phận cán bộ vẫn xấu. Có người hôm trước tốt, nhưng hôm sau xấu. Nhưng có những người vốn xấu rồi, nhưng giỏi leo trèo mà trở thành quan chức. Vì vậy, rất cần chọn người đứng đầu của Đảng, chính quyền thực sự trong sáng. Chọn bằng công thức dân chủ - công khai - minh bạch.

Dân chủ là phải hỏi dân – công khai, minh bạch ra cho dân biết. Ví dụ, định chọn người vào ví trí A, B nào đó, phải đưa ra tiêu chí, sau đó tìm những người đủ tiêu chuẩn để lựa chọn, đừng chỉ đưa ra một người. Ai, cơ quan nào giới thiệu phải chịu trách nhiệm. Tránh chọn vì nể nang, vì họ hàng. Ngoài ra, phải giảm bớt rào cản để thực hiện sự dân chủ thực sự.

 Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Đảng phải tự chỉ trích

Đấu tranh phê bình trong Đảng để Đảng trong sạch, vững mạnh, vậy phải làm sao cho hiệu quả hơn, thưa ông?

Vừa rồi, Trung ương Đảng tiến hành lấy phiếu tín nhiệm theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 là một bước tiến. Quốc hội, HĐND các cấp đã tiến hành lấy phiếu, công khai kết quả, có tác dụng rất tốt. Nhân dân cũng rất trông đợi, mong muốn Đảng công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, tôi đề nghị Đảng nên nghiên cứu, có lộ trình, hình thức công khai kết quả lấy phiếu để nhân dân được biết.

Cuốn “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (viết năm 1939) nêu rõ: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ.

Làm như thế không sợ địch lợi dụng, chửi rủa vu cáo cho Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Lúc ấy, Đảng hoạt động bí mật giữa vòng vây của kẻ thù mà còn dám tự chỉ trích, không sợ kẻ thù bôi nhọ. Bây giờ, Đảng cũng phải mạnh dạn công khai khuyết điểm, yếu kém thì mới sửa chữa được.

Để Đảng thực sự vững mạnh, không phải chỉ cần phê bình, chỉ trích mà phải đổi mới cả thể chế kinh tế, thưa ông?

Điểm xuất phát của chúng ta không kém gì các nước trong khu vực, có lợi thế hơn nhiều nước, nhưng vì sao chậm phát triển, tụt hậu, điều gì cản trở? Để hạn chế, khắc phục được tham nhũng thì phải làm được như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đã nói: “Làm cho người ta không dám, không thể và không muốn tham nhũng”.

Muốn vậy, đời sống phải khá lên, phải giảm quan liêu, tham ô, lãng phí. Nếu giảm tham ô, tham nhũng, quan liêu, thất thoát, lãng phí bằng việc nâng cao chất lượng cán bộ, tôi tin chúng ta thừa sức tăng lương gấp nhiều lần hiện nay. Tại sao dự án treo, một phần tiền thuế của dân, tiền đi vay lại đổ vào túi một số cá nhân, hoặc đổ xuống sông, xuống biển.

Những chuyện đó đều vì cán bộ tồi mà ra. Mục tiêu phát triển Vinashin, Vinalines để phục vụ kinh tế biển đảo là đúng, nhưng cán bộ thực hiện không đúng, vụ lợi, tham nhũng. Sự lãnh đạo, quản lý của chúng ta yếu kém, không kịp thời phát hiện ra những cán bộ xấu để thay thế. Đảng phải có một đường lối, chủ trương đổi mới kinh tế và tổ chức cho thật tốt. Mục tiêu của chúng ta là phải làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Chọn hiền tài không cứ đảng viên

Từ khi ra đời, Đảng có những cán bộ rất trẻ, Tổng Bí thư ở tuổi dưới 30, 40. Theo ông làm sao để quy hoạch được thế hệ cán bộ trẻ có đủ đức, đủ tài?

 Tổng Bí thư Trần Phú viết dự thảo Luận cương chính trị năm 1930 của Đảng lúc 26 tuổi. Các bậc tiền bối của Đảng, nhiều  đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư ở lứa tuổi rất trẻ. Đó là Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh… Trước đây, chúng ta có phong trào vô sản hóa - đưa người trẻ vào hầm mỏ để họ hiểu được đời sống của người lao động. Ngày nay, đào tạo thế hệ cán bộ trẻ, cần phải đưa họ vào rèn luyện trong thực tiễn cuộc sống.

Chọn cán bộ không nhất thiết phải là đảng viên và cũng đừng chỉ có con em, họ hàng thân thích. Những người làm tổ chức phải có trách nhiệm chọn hiền tài. Lãnh đạo các cấp, từ trung ương đến địa phương, phải chăm lo đào tạo thế hệ cán bộ trẻ đúng như Di chúc của Bác Hồ căn dặn. Làm sao có nhiều cán bộ trẻ, giỏi, bất luận anh có phải đảng viên hay không. Vì vào Đảng là để có tổ chức - phương tiện phấn đấu, rèn luyện, cống hiến chứ không phải mục đích để thăng quan, tiến chức.

Cảm ơn ông.