Cán bộ chủ chốt đi đâu về đâu khi TPHCM sáp nhập 80 phường?

TPO - Đại biểu HĐND TPHCM bày tỏ trăn trở về vấn đề sắp xếp cán bộ chủ chốt khi thực hiện sáp nhập địa phương và đề nghị thành phố quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của nhân sự.

Hoang mang khi sáp nhập các địa phương

Chiều 6/12, tại kỳ họp HĐND TPHCM lần thứ 13, khóa X, các đại biểu tại tổ thảo luận số đã bàn về vấn đề sắp xếp vị trí công tác cán bộ sau khi sáp nhập địa phương.

Bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM nêu vấn đề liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính các quận, huyện. Nữ đại biểu đề nghị Sở Nội vụ tham mưu thành phố quan tâm đến sự sắp xếp vị trí công tác và tâm tư của cán bộ, công chức ở các đơn vị, cơ quan sau khi sáp nhập địa phương.

Bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TPHCM nêu vấn đề về sắp xếp cán bộ

Theo bà Quân, trong thời gian qua, khi TPHCM diễn ra cuộc sáp nhập đặc biệt ở TP.Thủ Đức (gồm các quận 2, 9, Thủ Đức), đã có cán bộ chưa đủ điều kiện và vị trí để bố trí công việc vẫn đang phải chờ đợi, chưa biết đi đâu về đâu.

"Sắp tới diễn ra sáp nhập 80 phường thuộc địa giới của 10 quận, sẽ có thêm rất nhiều cán bộ, công chức hoang mang vì vị trí công tác của họ", bà Quân bày tỏ.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Tân, Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, cho rằng việc sắp xếp cán bộ khi sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến các cán bộ chủ chốt. Ông Tân dẫn chứng về việc sáp nhập TP.Thủ Đức, trước đây có những lãnh đạo đang là thường vụ, là phó chủ tịch thì hôm sau đã xuống chức trưởng phòng.

"Trong thời gian qua, lãnh đạo các đơn vị cũng đã có sự quan tâm khi đề bạt nhân sự hiện nay và mong muốn trong thời gian tới cũng nên cân đối vấn đề này", ông Tân nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch HĐND huyện Bình Chánh, nêu hiện trạng cán bộ công chức bị quá tải, áp lực và chưa thấy giải pháp cụ thể để cán bộ công chức yên tâm làm việc.

"Trong phương hướng 2024, tôi đề xuất giải pháp thành phố tiếp tục đeo bám nội dung kiến nghị tăng cán bộ, công chức vào diện biên chế để đảm bảo số lượng, nhất là để có nhân lực cho TPHCM thực hiện Nghị quyết 98", bà Kim Dung đóng góp ý kiến.

Ách tắc cấp sổ hồng cho cư dân chung cư

Tại tổ thảo luận số 3, nhiều đại biểu phản ánh một số tồn tại trong việc chậm cấp sổ hồng cho cư dân chung cư.

Đại biểu Lê Minh Đức (quận 4) cho rằng khi xây dựng xong chung cư, chủ doanh nghiệp làm các thủ tục để xin được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng còn gặp khó khăn trong khâu thẩm định giá đất để làm cơ sở tính thuế.

"Việc thẩm định giá phải theo đúng quy định phải có công ty, đơn vị báo cáo trình cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các công ty tư vấn về giá còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chưa có thẩm định cụ thể, chậm tính toán nộp thuế sử dụng đất. Hệ luỵ là doanh nghiệp có tiền nhưng không nộp thuế được, không hoàn tất các nghĩa vụ nên cư dân không được cấp sổ hồng", ông Đức nói.

Nhiều đại biểu phản ánh một số tồn tại ách tắc trong việc cấp giấy sử dụng nhà ở và chung cư

Trả lời vấn đề trên, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết, năm 2022 HĐND TPHCM đã tổ chức một chương trình giám sát chuyên đề và có Nghị quyết ban hành về vấn đề cấp sổ hồng cho cư dân tại các chung cư. Hiện nay, Sở cũng đã trình UBND TPHCM kế hoạch thực hiện theo lộ trình đến năm 2025 để giải quyết 7 nhóm vướng mắc mà HĐND TPHCM chỉ ra.

Tuy vậy, theo vị đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường, công tác cấp giấy chứng nhận của chung cư liên quan đến vấn đề thẩm định giá, thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá là nội dung còn tồn nhiều năm nay và còn tranh luận rất nhiều. Hiện Bộ Tài Nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ trình Quốc hội một số phương án lựa chọn nhưng vẫn chưa được thông qua.

“Hiện nay, Luật Đất đai sửa đổi chưa thông qua nên việc thẩm định giá vẫn thực hiện theo Nghị định 44. Vừa qua, Bộ Tài Nguyên và Môi trường kiến nghị sửa Nghị định 44 tạm thời đến khi Luật đất đai sửa đổi được ban hành. Tuy nhiên, vì thời gian quá ngắn, trong khi việc sửa đổi, trình tự, thủ tục sửa đổi nghị định trùng với thời gian sửa đổi của Luật đất đai nên phải chờ thêm đến khi sửa đổi luật để làm rõ một số nội dung liên quan đến công tác thẩm định giá”, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường nêu bất cập.