> Hiến pháp phải để toàn dân hiểu
> Quy định về vai trò của kiểm toán chưa đúng tầm
Hiến pháp vốn có tính ổn định và khái quát cao nhưng chúng ta nhiều lần thay đổi Hiến pháp, theo ông lý do tại sao?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Do hoàn cảnh lịch sử và chiến tranh sau năm 1959 trung bình cứ 20 năm chúng ta tiến hành sửa đổi, xây dựng Hiến pháp một lần, điều đó buộc chúng ta phải suy nghĩ để đưa ra một bản Hiến pháp có đời sống lâu dài hơn (Từ 1946, 1959, 1992 và các lần sửa đổi – PV).
Theo tôi việc bản Hiến pháp sửa đổi nhiều lần có nhiều nguyên do, trong đó nguyên lý là Hiến pháp là chế định hóa cương lĩnh của Đảng hay nói cách khác nó phải luôn bảo đảm sự trung thành với nội dung quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng.
Cương lĩnh của Đảng là định hướng chiến lược thời gian. Theo thời cuộc, với sự tác động của thực tiễn, cương lĩnh của Đảng sẽ có những thay đổi, để ứng biến kịp với thực tiễn phát triển. Trong khi Hiến pháp cần phải có tính khái quát và ổn định cao hơn.
Theo tôi, chúng ta cần tạo ra những chế định có tính ổn định cao, có đời sống lâu dài và bản hiến pháp sẽ đúng với tầm mức vốn có của nó.
Vì lẽ đó, có nhiều ý kiến đánh giá rất cao Hiến pháp năm1946.
Cũng như ông, nhiều người nhắc tới tinh thần hiến pháp 1946, theo ông tinh thần của bản Hiến pháp năm 1946 cụ thể là gì?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Thứ nhất, Hiến pháp năm 1946 có nhiều điểm rất đặc biệt: là Hiến pháp đầu tiên được soạn thảo trong bối cảnh Đảng tự giải tán (về mặt chiến thuật), bản Hiến pháp này được soạn thảo trong thời gian rất ngắn như cụ Hồ nói là chỉ 14 tháng sau khi giành được độc lập (9-11-1946), đây cũng là bản Hiến pháp đầu tiên ở Á Đông.
Thứ hai, về căn bản ban soạn thảo Hiến pháp là những người có cơ bản về pháp lý, họ là những luật gia được cụ Hồ tin cậy giao phó soạn thảo một bản hiến pháp đáp ứng nhu cầu của đất nước sau khi giành được độc lâp. (Ủy ban dự thảo Hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34-SL ngày 20 tháng 9 năm 1945 gồm có 7 thành viên: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng và Trường Chinh – PV).
Thứ ba, bản Hiến pháp năm 1946 đi theo mô hình Dân Chủ cộng hòa. Với tư duy biện chứng, Hồ Chủ tịch dù là người Cộng sản (cũng là người từng sống trong chế độ Xô Viết, Quảng Châu công xã) đã lựa chọn mô hình có sẵn trên thế giới và phù hợp với thực tế đó là mô hình Dân chủ Cộng hòa.
Thứ tư, bản Hiến pháp này được thông qua ở Quốc hội một cách dân chủ, thực hiện các tập quán quốc tế, có sự tranh luận mạnh mẽ và có đồng thuận cao. Người đứng ra chủ trì phiên họp đầu tiên của Quốc hội là ông Ngô Tử Hạ - nghị sĩ cao tuổi nhất, một doanh nhân.
Vì thế nói Hiến pháp năm 1946 tới nay vẫn còn những giá trị rất căn bản vì nó kế thừa những tập quán quốc tế.
Ngoài hiến pháp 1946, chúng ta còn có thể kế thừa được những gì từ các bản Hiến pháp sau này?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Sau bản Hiến pháp năm 1946, tôi chú ý bản hiến pháp năm 1959 – khi Bác Hồ còn sống – vị kiến trúc sư trưởng trên góc độ trí tuệ và uy tín. Bản Hiến pháp năm 1959 diễn ra thời điểm chúng ta vừa thắng lợi các mạng Giải phóng dân tộc, hướng tới mục tiêu lâu dài giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, và miền Bắc có cơ hội xây dựng chế độ mới. Trong bối cảnh thế giới đã phân cực và chúng ta khẳng định đứng trong khối Xã hội Chủ nghĩa. Cho nên Hiến pháp phải thay đổi, tuy nhiên nó vẫn giữ được tính độc lập rất cao. Đó là lần đầu tiên trong Hiến pháp, cụ Hồ đã nhắc tới quyền biểu tình (năm 1946 nó nằm trong quyền hội họp). Lúc này chúng ta vẫn chưa phủ nhận sở hữu tư nhân, nền tảng vẫn là thể chế Dân chủ Cộng hòa.
Hiến pháp năm 1980 mới là bước ngoặt khi chúng ta đổi tên nước CHXH Việt Nam. Khi đó chúng ta lựa chọn hoàn toàn mô hình Xô viết, sau khi chúng ta trải qua chiến tranh biên giới phía Bắc.
Trên tinh thần trải nghiệm 20 năm làm Hiến pháp, Hiến pháp năm 1992 gắn liền với Đổi mới. Năm 1992, rơi vào thời kỳ khủng khoảng lý thuyết, khi hệ thống XHCN sụp đổ. Vì vậy chúng ta phải tìm tòi cái mới và có nhiều điều bất cập là khó tránh. Vì vậy việc sửa đổi là cần thiết.
Với tư cách là một Đại biểu quốc hội, một nhà sử học, ông có góp ý gì về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Trước tiên về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi có băn khoăn chúng ta đang tiến hành sửa đổi cục bộ một số điều khoản, một số điểm nhỏ hay thay đổi căn bản - xây dựng Hiến pháp năm 2013. Trong việc sửa đổi Hiến pháp, tôi nghĩ chúng ta cần phải bảo tồn những giá trị, bản sắc của mình. Nhưng những giá trị đã thành phổ quát trên thế giới thì mình phải thừa nhận, phản ánh qua quá trình hội nhập với những giá trị đó.
Sửa đổi theo định hướng nào cũng cần chúng ta phải suy nghĩ thấu đáo.
Chúng ta xác lập đây là thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội, nhưng bước đi cụ thể của nó, nội hàm ra sao vẫn chưa rõ ràng. Trong các thuộc tính của một xã hội Xã hội chủ nghĩa, theo tôi hiện nay chỉ có nội hàm rõ nhất là Đảng lãnh đạo. Để sự lãnh đạo của Đảng được xác lập cụ thể cần phải có một Luật riêng cho Đảng.
Trên con đường quá độ, chúng ta phải tìm tòi khai phá những cái mới nhưng vẫn phải đi cùng với giá trị chung của thế giới là quyền con người, vẫn phải chấp nhận những cam kết quốc tế.
Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng cần lập thiết chế bảo hiến để chống vi hiến?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Mô hình của chúng ta hoàn toàn mới mẻ, mới chỉ có ở một vài nước. Trong khi đó mô hình cơ bản nhất cũng là phát kiến của nhân loại, chứ không phải của chế độ chính trị xã hội nào chính là mô hình: Tam quyền phân lập.
Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng chúng ta nên trở lại được với thể chế Dân chủ cộng hòa để tạo một nền tảng vững chắc. Từ thể chế đó tiếp tục thúc đẩy, hướng tới mục tiêu CNXH.
Việc góp ý vào bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đang diễn ra, liệu ý kiến của người dân có thực sự được lắng nghe?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Việc lấy ý kiến của nhân dân để sửa đổi Hiến pháp là việc làm hết sức trân trọng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tuy nhiên điều tôi hi vọng lớn hơn là người dân sẽ quan tâm hơn tới Hiến pháp, tới những quyền lợi thiết thực của bản thân, quyền cơ bản của con người, công dân được quy định trong Hiến pháp.
Tôi thấy việc góp ý và tiếp thu ý kiến hiện nay vẫn là một “hộp đen” với người dân và ngay cả với bản thân tôi. Trong nhiều hội nghị, hội thảo, tôi cùng nhiều người khác với thiện chí rất lớn đóng góp ý kiến, chính kiến của mình nhưng hầu như chưa có ai giải thích ngược trở lại các ý kiến đó, cũng không có câu trả lời thỏa đáng.
Hiến pháp là bản khế ước xã hội - tức là sự cam kết về quyền và nghĩa vụ giữa nhà nước và công dân. Hiện nay người dân mới được góp ý mà chưa có quyền phúc quyết đối với Hiến pháp. Theo ông có sự khác nhau giữa góp ý và trưng cầu dân ý?
ĐBQH Dương Trung Quốc: Lấy ý kiến nhân dân là một nguyên lý của việc sửa đổi Hiến pháp và lần này Quốc hội dành ba tháng cho việc này. Tôi thấy vấn đề nằm ở phương thức tập hợp ý kiến của người dân để có được tiếng nói của nhân dân mới quan trọng.
Góp ý là trong quá trình hình thành, còn trưng cầu dân ý là quyền quyết định. Trưng cầu dân ý đối với các vấn đề của quốc gia là một định lượng quan trọng. Tuy nhiên việc trưng cầu dân ý cũng cần được đặt trên cơ sở được giám sát chặt chẽ, và cần có quá trình trở thành tập quán. Mặc dù trưng cầu dân ý lấy kết quả của số đông là chính, có trong đó sự bảo thủ nhưng chắn chắn và quan trọng hơn là sự đồng thuận rất và chia sẻ của người dân.
Quyền trưng cầu dân ý đã được Hiến pháp quy định, cũng là tập quán quốc tế, là biểu hiện của dân chủ trực tiếp nhưng đến nay chúng ta chưa thực hiện điều đó.
Xin cảm ơn ông.
Ngày 3-12-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký công bố Nghị quyết tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Ngày 28-12-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về vấn đề này.
Tiếp đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 136/QĐ-TTG về: Ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992