Ngày 24/10, mở màn Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2014 về chủ đề tăng trưởng xanh và tái cơ cấu, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT kiêm Phó Ban Kinh tế Trung ương, ông Đặng Huy Đông khẳng định, trong xu thế tất yếu hội nhập kinh tế, không có quốc gia nào nằm ngoài vòng xoáy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Mỗi nền kinh tế, mỗi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực bằng các sản phẩm dịch vụ có giá trị cao.
Theo ông Đông, một nền kinh tế tăng trưởng xanh phải tăng trưởng do con người và vì con người. Phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết yêu cầu tăng trưởng hợp lý với giảm nghèo bền vững. Tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích lại tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đông thừa nhận, Việt Nam đang gặp không ít thách thức trong vòng xoáy phát triển kinh tế tăng trưởng xanh. “Nguồn lực tài chính, nhân lực là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát triển tăng trưởng xanh”, ông Đông nói.
Theo ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ KH&ĐT), để nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng xanh, cần nguồn tài chính lên tới 30 tỷ USD. Con số làm giật mình nhiều chuyên gia tham dự Diễn đàn.
Nhiều diễn giả đặt vấn đề: Trong bối cảnh nợ công, bội chi đang tăng cao, sắp vượt ngưỡng an toàn, liệu con số này có hợp lý. Ông Mai lý giải: “Trong 30 tỷ USD, sẽ có 70% huy động từ khối tư nhân, nhà nước chỉ góp 30%”. Làm phép tính đơn giản, 30% của 30 tỷ USD sẽ khoảng 9 tỷ USD, tức bằng 10% nợ công báo động hiện nay. Song ông Mai khẳng định, kế hoạch này không làm tăng gánh nặng cho ngân sách.
“Chương trình lấy ngân sách sẵn có của các cơ quan ban ngành chuyên môn và địa phương. Chỉ là cơ cấu lại chi ngân sách hiện tại”, ông Mai nói.
Ở khía cạnh khác, ông Koos Neefjes đến từ Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đặt ra câu hỏi cơ chế nào để huy động 70% trong tổng 30 tỷ USD từ tư nhân? Nếu không có cơ chế hợp lý sẽ rất khó thành hiện thực, vị chuyên gia này nhận định.