Sáng 6/5, tỉnh Quảng Nam có buổi làm việc với lãnh đạo Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) để giải quyết các vấn đề liên quan về dự án tại địa bàn.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua 7 huyện, thị xã, thành phố thuộc địa phận Quảng Nam với chiều dài gần 92km. Cụ thể dự án đi qua các huyện thị xã, thành phố gồm Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành.
Trong quá trình thi công và sau khi đưa vào sử dụng, đến nay vẫn còn một số tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác vốn cho giải phóng mặt bằng; chậm hoàn trả đường, chưa hoàn thành đường gom, đường ngang; 27 vị trí hàng rào bảo vệ (tương đương 4,7 km hàng rào) chưa thi công; gia cố hạng mục lưu cầu, hạ lưu một số vị trí cống thoát nước, bổ sung mương tưới còn vướng GPMB hoặc nhà thầu từ chối thực hiện…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc thi công cao tốc Đà Nẵng – Quảng Nam có ảnh hưởng nhất định, nhất là vào mùa mưa lũ gây cản trở giao thông. Lãnh đạo tỉnh này đề nghị chủ đầu tư cần kiểm tra thực tế, phối hợp với địa phương để xử lý những tồn đọng, vướng mắc liên quan.
Theo ông Hà Phước Lộc, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng công trình (Sở GTVT Quảng Nam), việc chưa hoàn thiện hàng rào giao thông là rất nguy hiểm, thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc. Do đó vướng mắc này cần được giải quyết rốt ráo.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Tam Kỳ, liên quan đến dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi qua địa bàn, trong quá trình thi công cao tốc, dẫn đến sạt lở hai bên bờ dòng suối Vũng Giang (xã Tam Ngọc, TP Tam Kỳ) khiến người dân bức xúc. Địa phương đề nghị VEC cùng các sở ngành địa phương khảo sát vị trí sạt lở để xử lý.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên, cho rằng vướng mắc trên địa bàn liên quan đến dự án này là trong quá trình triển khai thi công cao tốc khiến một số tuyến đường bị hư hỏng, nhà đầu tư hứa hoàn trả tuy nhiên thời gian dài chưa được triển khai. Người dân nhiều lần kiến nghị, sau đó huyện đã phải tự bỏ tiền để làm các tuyến đường này để người dân đi lại thuận tiện.
Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Quốc Bình cho rằng, đến nay một số tồn tại liên quan dự án chưa thể triển khai được do Hiệp định vay đã kết thúc, Tư vấn giám sát dừng cung cấp dịch vụ, các Nhà thầu rút khỏi công trường do thời hạn hợp đồng đã hết, Dự án không được cấp vốn (hiện nay chưa có vốn khoảng 2.063 tỷ đồng để giải ngân cho khối lượng đã thi công còn tồn đọng và thi công các hạng mục còn lại.
Bao gồm, vốn cho công tác GPMB; tồn tại công trình hoàn trả đường địa phương, đường gom, đường ngang, nút giao, hàng rào bảo vệ và các hạng mục khác.
VEC kiến nghị giải quyết tồn tại tiểu dự án GPMB đoạn qua tỉnh Quảng Nam. Theo đó, kiến nghị địa phương thực hiện quyết toán kinh phí GPMB&TĐC và gửi về VEC để tổng hợp chung vào quyết toán dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi trong quý 2 năm 2022 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức chi phí GPMB của dự án.
Theo ông Bình, các tồn tại vướng mắc của dự án nêu trên chủ yếu do vướng mắc về nguồn vốn. Tuy nhiên đến nay VEC đã được Bộ Chính trị thống nhất về chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát cho các dự án do VEC làm chủ đầu tư. “VEC đang phối hợp với các cơ quan liên quan để trình cơ quan của Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát cho Dự án, dự kiến đến tháng 7/ 2022 sẽ được thông qua” – ông Bình nói.
Đối với nguồn vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, trong thời gian chờ đợi nguồn vốn cấp cho dự án, VEC sẽ xem xét ứng trước của VEC để địa phương triển khai thực hiện công tác GPMB. Đối với nguồn vốn xây lắp của dự án, sau khi được bố trí nguồn vốn VEC sẽ thực hiện chi trả (khoảng 2.063 tỷ đồng) cho giải ngân khối lượng đã thi công còn tồn đọng, làm cơ sở triển khai thi công các hạng mục sớm nhất quý 4 năm 2022.
Ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, cao tốc chạy theo hướng Bắc – Nam phục vụ giao thông trong kết nối vùng. Tuy nhiên có những ảnh hưởng nhất định, đặc biệt gây cản trở dòng chảy trong mùa mưa lũ. Đề nghị Ban quản lý cần bám sát hiện trường, khảo sát thực tế tại những khu vực phối hợp với địa phương để xử lý, không để ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Theo quy hoạch tỉnh nhiều khi phát triển công nghiệp, đô thị cần những tuyến đấu nối lên cao tốc, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị phía đơn vị phối hợp, tạo điều kiện để địa phương triển khai khớp nối.