Ông Hun Sen nói rằng, thêm 40 triệu USD nữa sẽ được chi, ngoài khoản 290 triệu USD mà Trung Quốc đã cung cấp, để Campuchia hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Phát biểu này được đưa ra trong chuyến thăm một sân vận động xây bằng tiền Trung Quốc ở thủ đô Phnom Penh. Ông Hun Sen nói số vũ khí được mua mới sẽ bao gồm hàng chục ngàn khẩu súng để thay thế kho súng cũ và số hàng này đang được chuyển đến. “Tôi muốn tăng cường quân đội”, ông Hun Sen nói trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên Facebook.
Ông cũng một lần nữa bác bỏ thông tin trong bài báo của Wall Street Journal đưa ra tuần trước rằng, Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận bí mật với Campuchia từ đầu năm nay về việc cho quân đội Trung Quốc đến cảng hải quân Ream. Bài viết của Wall Street Journal dẫn lời các quan chức Mỹ và đồng minh. Các quan chức Mỹ cũng đã lên tiếng quan ngại về nguy cơ căn cứ hải quân Ream ở phía Nam Campuchia trở thành nơi đồn trú cho quân Trung Quốc.
Theo Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc, ngoài căn cứ này, đang có lo ngại về việc Trung Quốc được sử dụng sân bay quốc tế Dara Sakor của Campuchia do tập đoàn Trung Quốc Union Development Group xây dựng ở tỉnh Koh Kong. Đường băng của sân bay này có thể tiếp nhận máy bay quân sự cỡ lớn.
Trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, Campuchia đã tiếp nhận các khoản vay trị giá 60 triệu USD và Bắc Kinh cũng đề xuất cho vay thêm 2 tỷ USD để xây các tuyến đường bộ và đường sắt trên khắp Campuchia.
Nhằm xóa tin đồn liên quan Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Campuchia vừa đưa hơn 10 nhà báo đến thăm căn cứ này. Tướng Chhum Sucheat, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia nói với các nhà báo rằng, thông tin của Wall Street Journal gây hiểu nhầm và Campuchia vẫn đang hợp tác tốt với Mỹ, cho dù đình chỉ tham gia tập trận quân sự chung, Khmer Times đưa tin.
“Tin đồn” ở Sri Lanka
Trong khi Campuchia đối mặt với thông tin đã ngầm đồng ý cho Trung Quốc mở căn cứ hải quân, giới chức Sri Lanka cũng đang quyết liệt phủ nhận thông tin họ ngầm chấp thuận cho Mỹ hiện diện quân sự lâu dài trên vùng biển của mình.
Là một quốc đảo nằm dưới mũi phía nam Ấn Độ, Sri Lanka đang trở thành nơi cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, khi cả hai cường quốc đều tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương.
Dù kiểm soát được thành phố cảng Hambantota trị giá 1,5 tỷ USD của Sri Lanka, Trung Quốc không có quyền mở căn cứ hải quân ở đây. Sri Lanka nợ Trung Quốc 8 tỷ USD để xây cảng Hambantota và các khoản nợ khác. Không trả được nợ, Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng này trong hơn 100 năm.
Nắm được tình trạng nợ nần của Sri Lanka với Trung Quốc, một số tổ chức tư vấn chính sách Mỹ đang thúc đẩy Washington phải làm nhiều hơn để đưa Colombo vào tầm ảnh hưởng của mình, vì quốc gia này là một mắt xích quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Trung Quốc coi chiến lược này là cách Mỹ bao vây họ với sự giúp đỡ của một số quốc gia châu Á thân thiện với Mỹ.
Cơn đau đầu của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe về tin đồn cho Mỹ mở căn cứ hải quân trở nên nghiêm trọng hơn trong những tuần gần đây, sau khi một tờ báo địa phương vào cuối tháng 6 đã đăng bài viết về văn bản được cho là dự thảo Hiệp ước địa vị lực lượng (SOFA) giữa Colombo và Washington bị rò rỉ. Mỹ ký SOFA với các nước đối tác như Hàn Quốc, Iraq và Nhật Bản để cho phép lực lượng Mỹ và các nhà thầu của họ tự do tiếp cận các quốc gia đó.
Kể từ khi có bài báo đó, ông Wickremesinghe đã hơn một lần khẳng định không có kế hoạch chấp nhận cho bất kỳ nước nào mở căn cứ lâu dài. Nhưng ông nói đang thảo luận để làm mới một thỏa thuận năm 1995 với Washington với cách hoạt động tương tự như SOFA.
Ông Wickremesinghe nói rằng, tin đồn này là sản phẩm của mâu thuẫn chính trị giữa ông với Tổng thống Maithripala Sirisena.
Ông David Brewster, một nhà nghiên cứu cấp cao tại ĐHQG Úc, cho rằng thông tin làm mới thỏa thuận tương tự SOFA là đáng tin cậy. “Một thỏa thuận như vậy sẽ để Mỹ hỗ trợ Sri Lanka trong trường hợp chính phủ Sri Lanka yêu cầu”, báo SCMP dẫn lời ông Brewster.
Nhưng một số chuyên gia cho rằng, bản SOFA rò rỉ cho thấy Mỹ có thể đang muốn mở rộng các điều khoản trong thỏa thuận, đặc biệt là các điều khoản liên quan đến quyền của quân nhân Mỹ.
Trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc, Campuchia đã tiếp nhận các khoản vay trị giá 60 triệu USD và Bắc Kinh cũng đề xuất cho vay thêm 2 tỷ USD để xây các tuyến đường bộ và đường sắt trên khắp Campuchia.