Cắm cờ trên gò Rùa mừng sinh nhật Bác

TP - Tinh mơ ngày 19/5/1948, nhiều người Hà Nội kín đáo gọi nhau ra hồ Hoàn Kiếm để ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại đảo Rùa. Trong hoàn cảnh Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, thiết quân luật.

Những người đầu tiên phát hiện ra, không tin vào mắt mình. Rồi, tin vui truyền rất nhanh, người nọ kín đáo gọi người kia, kéo nhau ra hồ Hoàn Kiếm. Người đứng đông nhất trước tòa Đốc lý (nay là trụ sở UBND thành phố) vì từ vị trí này nhìn lá cờ rõ nhất. Chỗ này lúc nào cũng có cảnh binh mật thám canh gác tuần tra nghiêm ngặt nhất. Vậy mà các chiến sĩ Việt Minh vẫn bơi được ra gò Rùa giữa hồ, cắm được lá cờ to rồi rút êm.

Mặc cho cảnh binh huýt còi xua đuổi, người kéo đến càng đông. Đám đông không ồn ào mà chỉ có tiếng xuýt xoa và những ánh mắt thiết tha, sung sướng, hả hê, cảm phục hướng vào lá cờ đỏ sao vàng trong nắng sớm. Ai cũng sung sướng vì biết rằng hôm nay - 19/5 chính là kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ.

Trong gần 10 năm Hà Nội bị quân Pháp tạm chiếm, có không ít lần các chiến sĩ hoạt động nội thành cắm cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa. Nhưng khi mọi người kể lại cho nhau nghe, trong đó nhiều người khoe tận mắt chứng kiến lá cờ rất to tung bay phần phật trên đỉnh tháp Rùa và hàng chục năm qua, đã có không ít bài báo, sách in chuyện cắm cờ đỏ sao vàng trên đỉnh Tháp Rùa.

Với lòng yêu mến cờ Tổ quốc nên nhiều người luôn nghĩ cờ đỏ sao vàng phải được cắm (treo) ở những nơi cao nhất, màu đỏ thắm tươi, gió thổi tung bay lồng lộng. Đó là lòng mong muốn chủ quan, tình cảm chân thành. Chính vì thế, không ít người đã viết “cắm cờ trên đỉnh tháp”. Quên mất sự thật hiển nhiên là Tháp Rùa xây bằng gạch, mái cứng láng vôi vữa nhẵn trơn, làm sao có thể dễ dàng trong đêm trèo lên đục lỗ, cắm cờ lên đỉnh tháp trong khi bốn phía hồ Gươm đều có lính canh gác nghiêm ngặt?

Vậy thì trong đêm tối, các chiến sĩ nội thành dũng cảm bơi ra Tháp Rùa rồi cắm cờ vào đâu?

Trong sách Lịch sử Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội ghi rõ có một hoạt động cắm cờ trên Tháp Rùa, vào đêm 19/5/1948. Cuốn sách ảnh phong trào Học sinh kháng chiến Hà Nội (NXB Hà Nội-2006) đã in ảnh và tên những người tham gia sự kiện này. Và điều rất vui: Một trong bốn nhân vật lịch sử ấy còn sống đến hôm nay, hiện đang ở tại TPHCM. Đó là bác sĩ Nguyễn Phúc Nghị, nguyên giáo sư Trường đại học Y Thái Bình.

Bác sĩ Nghị đã kể lại tỷ mỷ việc làm 65 năm về trước trong một cuốn hồi ký (in vi tính). Chuyện từ mấy hôm trước các anh rủ nhau lên hồ Quảng Bá “kiểm tra” khả năng bơi lội; từ chiều 18/5 các anh ra hồ Hoàn Kiếm đi câu cá, giả vờ bực mình vì không câu được con cá nào nên vứt cần câu xuống nước. Chiếc cần câu nổi dập dềnh ấy chính là cán cờ cho các anh vớt lên, đêm hôm sau, 19/5 sinh nhật Bác Hồ kính yêu, bơi ra giữa hồ, trèo lên chân tháp rùa, tra cờ vào cán rồi cắm lên bãi cỏ dưới chân tháp. Anh Nghị nhắc lại lời Nguyễn Sỹ Vân: Cỏ thì rậm, đất thì nhão mà gần chân tháp lại cứng quá. Phải mấy lần ấn thật mạnh mới cắm được cán cờ vững chắc ngay phía đối diện tòa Đốc Lý (trụ sở UBND TP Hà Nội bây giờ). Theo bác sĩ Nguyễn Phúc Nghị, người duy nhất tham gia vào sự kiện cắm cờ trên gò Rùa còn tới hôm nay: Đêm ấy anh chỉ là người mang cờ tới địa điểm ven hồ rồi được phân công đứng trên bờ canh giữ quần áo và báo động cho đồng đội dưới nước, nếu có cảnh sát lùng sục hoặc xe của quân Pháp đi tuần tra.

Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên gò Rùa gây tiếng vang lớn, rung động lòng người. Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Hà Nội, nhưng Việt Minh vẫn có mặt ở thành phố, bất chấp lệnh Pháp thiết quân luật cấm đi lại từ 9 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Người Hà Nội gọi nhau náo nức xem cờ, sáng bừng niềm tin kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Cụ Hồ nhất định thắng lợi.