Một ngày se lạnh cuối năm 2011, bà Chích Thị Lương (SN 1960, trú huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) không thấy con gái Moong Thị Oanh (SN 1997) về nên vội chạy đi tìm. Ban đầu, bà Lương nghĩ con chỉ đi chơi đâu đó, nhưng tìm mãi không thấy, bà bắt đầu lo lắng. Cả bản cũng tá hỏa đi tìm Oanh nhiều nơi vẫn không thấy tăm tích. Một ngày, hai ngày rồi nhiều ngày sau nữa, sự mất tích của Oanh vẫn là một bí ẩn.
Nhiều năm sau đó, bà Lương vẫn không bỏ cuộc, bà âm thầm đi tìm con hết nơi này đến nơi khác. Thấy vậy, dân bản đến động viên, khuyên bà “đừng tìm nữa”. Trời đất mênh mông, núi rừng sâu thẳm, biết con ở đâu mà tìm. Ban đầu bà Lương không nghe, vẫn cố gắng tìm con cho bằng được. Nhưng sau thời gian dài không có tung tích về con, cuối cùng bà Lương cũng đành chấp nhận sự thật đau lòng.
Suốt 10 năm, cô chỉ quanh quẩn trong căn nhà nhỏ chật hẹp ở một khu rừng hẻo lánh. Sống trong nhà chồng, Oanh phải cố gắng ngoan ngoãn để tránh bị bạo hành. Cô cắn răng chịu đựng, chờ cơ hội trốn về với gia đình.
“Hôm cả bản đi tìm, thực ra không phải em mất tích mà em đi theo lời hứa của một người đàn ông sẽ giúp mình tìm việc làm lương cao ở công ty ổn định”, gặp tôi, Oanh kể. Ở cái tuổi 14 bồng bột, cô bé chưa nhận ra được đằng sau lời ngon ngọt đó là cạm bẫy giăng sẵn, chỉ chờ sơn nữ gật đầu đồng ý. “Em không dám nói với bố mẹ mà mang theo mấy bộ đồ rồi theo họ đi luôn, không ngờ chuyến đi đó lại khổ sở thế. Đi khỏi nhà, em mất cuộc sống tự do, mất luôn bố mình mãi mãi”, giọng Oanh nghẹn ngào.
Ngày được người đàn ông lạ mặt dẫn đi, thay vì đưa vào “công ty”, Oanh bị đưa sâu vào nội địa Trung Quốc rồi bán làm vợ cho một người đàn ông lớn tuổi. Từ đấy, cô bé 14 tuổi bắt đầu cuộc sống làm vợ nơi xứ người trong sự ghẻ lạnh. Cô luôn bị quản thúc, đi đâu cũng có người theo sau vì sợ cô bỏ trốn. Nhục nhã, xót xa nhưng Oanh vẫn phải cắn răng chịu đựng. Bởi ở nơi bất đồng về ngôn ngữ, không họ hàng thân thích, có kêu cũng chẳng ai thấu.
Ông Cụt Văn Phong (SN 1972) - Bí thư bản Lưu Thắng (xã Chiêu Lưu, Kỳ Sơn) cho biết, nhiều năm trước bản này là một điểm nóng về tình trạng các cô gái trẻ bị lừa đưa đi công ty làm việc, trong đó không ít người bị lừa bán. Trước thực trạng nhức nhối này, cán bộ bản đã cùng với các tổ chức xã hội thường xuyên tuyên truyền để người dân nhận biết được các chiêu thức lừa đảo của bọn buôn người. Tuy nhiên, nhận thức còn hạn chế, vì nhẹ dạ cả tin nên không ít nạn nhân vẫn rơi vào cạm bẫy. Hiện có nhiều cô gái thoát thân, trở về với gia đình, nhưng có người hiện chưa rõ tung tích.
Cuộc trùng phùng đẫm nước mắt
Tròn 10 năm lưu lạc, cuối cùng Oanh cũng đã trở về được với vòng tay của cha mẹ. Trong căn nhà sàn bằng tre nứa mới lợp còn sơ sài, Oanh ngồi nhặt rau chuẩn bị nấu cơm chiều. Oanh kể, sau khi nghe lời hứa của người đàn ông dẫn đi làm việc công ty, cô được dẫn vượt biên và đi sâu vào nội địa Trung Quốc. Ở đó, Oanh bị bán làm vợ cho người chồng già. Suốt 10 năm làm vợ, Oanh đã sinh được 3 người con gái. Cắn răng chịu đựng, làm tròn bổn phận của người vợ, nhưng cô không được chồng yêu thương. Thay vào đó, Oanh thường nhận những trận đòn roi vô cớ.
Sau vài phút lặng người, bà Lương đưa ngón tay gầy guộc rờ rẫm lên tóc, lên mặt cô gái, lặng đi một lúc bà mới dám tin sự thật con gái mình vẫn còn sống, đã về. “Lúc đó mẹ sững người lại, nhìn kỹ em sợ nhầm, rồi hai mẹ con ôm nhau khóc. Mẹ nói, bố chờ con không được, bố đã mất mấy năm rồi. Nghe đến đó, em càng khóc to hơn”, Oanh kể.
Những năm tháng sống ở nhà chồng, Oanh có quen một người bạn cùng trang lứa cách nhà không xa. Tuy nhiên, vì bị quản lý chặt nên cô ít khi có cơ hội gặp bạn mình. Mỗi lần gặp nhau, Oanh khóc, kể việc mình có gia đình ở Việt Nam nhưng bị lừa bán về đây làm vợ. Trước những lời tâm sự đẫm nước mắt, người bạn khuyên Oanh “muốn về Việt Nam thì đi báo công an mà về”. Từ lời khuyên đó, Oanh mới nghĩ mình vẫn còn cơ hội về quê hương nên bàn bạc với người bạn lên kế hoạch bỏ trốn.
Buổi trưa một ngày Hè, người bạn lấy xe đứng ngoài đường cách nhà Oanh đang ở vài chục mét. Khi thấy mọi người trong nhà đi ngủ, Oanh vội bung cửa chạy ra ngoài hướng về phía người bạn đang chờ sẵn. Cả hai sau đó chạy xe đến đồn công an trình báo về việc mình là người Việt Nam, bị ép lấy vợ, bị đánh đập, hành hạ. “Công an gọi gia đình chồng em lên. Chồng đến nói em về nhà, nhưng em nói có đánh chết em cũng không về nữa. Em muốn về với bố mẹ em thôi. Công an sở tại can thiệp để cho em ra biên giới, hồi hương. Được các chú công an và một số tổ chức hỗ trợ, em được đưa về đến tận nhà an toàn”, Oanh nhớ lại.
Ngày trở về, mẹ của Oanh - bà Chích Thị Lương không tin nổi vào mắt mình. Bởi 10 năm ròng tìm con không thấy, bà nghĩ con mình đã chết. Nay con trở về trước mắt mình bằng xương bằng thịt khiến bà Lương sững người. “Mẹ ơi, con gái mẹ về đây rồi này”, Oanh nói từ xa rồi chạy ào tới ôm chầm lấy mẹ mà khóc. Sau một lúc chuyện trò với mẹ, Oanh chạy ra quán tạp hóa gần nhà mua thẻ hương, ít hoa quả rồi thắp lên bàn thờ bố. “Con út của bố về rồi đây, bố ơi…”, Oanh vừa nói vừa khóc trước di ảnh bố. Cô khóc vì đã không nghe lời bố mẹ, không hỏi bố mẹ mà tin lời người đàn ông dụ dỗ đi làm, để rồi bị lừa gạt. Chuyến đi dài suốt 10 năm khiến cô mất cuộc sống tự do, giây phút bố nhắm mắt xuôi tay cô cũng không được ở bên đưa tiễn.
(Còn nữa)
_______
(Tên một số nhân vật đã được thay đổi)