Nhập vào rồi lại tách ra
Hơn 6 năm trước, Lào Cai là một trong những địa phương đầu tiên của các nước tiên phong thực hiện thí điểm sáp nhập Sở Giao thông vận tải với Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng theo tinh thần của Nghị quyết số 18 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Theo đánh giá, đây là hai sở có chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng, sáp nhập không chỉ giúp tinh gọn bộ máy mà còn nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Kết quả, sau sáp nhập giúp địa phương giảm được bốn lãnh đạo cấp sở, chín lãnh đạo cấp phòng và bảy viên chức.
Tiếp nối Lào Cai, tháng 9/2018, tỉnh Hà Giang mạnh dạn thí điểm hợp nhất bộ máy cơ quan tham mưu của Đảng với cơ quan của chính quyền. Cụ thể, tỉnh hợp nhất Sở Nội vụ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy thành Ban Tổ chức - Nội vụ; hợp nhất Thanh tra tỉnh với cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra. Đây cũng là những cơ quan được đánh giá là có chức năng, nhiệm vụ khá tương đồng. Qua hợp nhất, Hà Giang giảm được 3 đầu mối cơ quan cấp tỉnh, giảm 18 đơn vị cấp phòng, giảm 8 biên chế.
Sau hai địa phương trên, tháng 11/2018, tỉnh Bạc Liêu quyết định sáp nhập 4 sở thành 2 sở: Sở Giáo dục và Đào tạo sáp nhập với Sở Khoa học và Công nghệ, thành Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáp nhập với Sở Thông tin và Truyền thông thành Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch…
Sau khi hợp nhất, bên cạnh kết quả tích cực về tinh gọn tổ chức, bộ máy, hoạt động ở những “siêu sở”, “siêu cơ quan” trên nảy sinh nhiều vấn đề bất cập về chức năng, nhiệm vụ. Với Hà Giang, việc hợp nhất giữa cơ quan của Đảng với cơ quan của chính quyền dẫn đến khó tách bạch được chức năng, nhiệm vụ của Đảng và chính quyền. Như lĩnh vực thanh tra, nội vụ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch UBND tỉnh, trong khi lĩnh vực kiểm tra, tổ chức thuộc cấp ủy. Trước những bất cập trên, sau gần 1,5 năm thực hiện thí điểm, cuối năm 2020, Hà Giang quyết định tách ra và lập lại Sở Nội vụ và Thanh tra tỉnh.
Tương tự, tại Lào Cai, Bạc Liêu, các “siêu sở” sau khi được sáp nhập cũng gặp những khúc mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Các sở sau khi được sáp nhập vẫn chịu sự quản lý về mặt chuyên ngành của hai bộ có liên quan, và vẫn phải báo cáo, xin ý kiến, dẫn đến khó khăn cho công việc. Cuối năm 2022, tức là 4 năm sau khi thực hiện, tỉnh Bạc Liêu quyết định tách 2 sở thành 4 sở như cũ.
Một năm sau, cuối năm 2023, tỉnh Lào Cai quyết định tách Sở GTVT - Xây dựng thành 2 sở như trước đây. Theo lãnh đạo tỉnh Lào Cai, đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ, chưa có quy định về chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến vướng mắc trong thực hiện. Việc sáp nhập 2 sở làm 1, trong khi số lượng cấp phó giảm, dẫn đến khó khăn trong sắp xếp, phân công nhiệm vụ. Sở GTVT - Xây dựng lại được đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của 2 bộ với 22 hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành khác nhau nên việc thực hiện báo cáo có mặt hạn chế...
Có nên sáp nhập tỉnh, thành và bộ, ngành?
Trong phiên thảo luận tại tổ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn nói rằng, “chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhiều như Việt Nam, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng vậy. Vậy nên, cũng chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam, khi chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người chiếm đến 62%, không còn nguồn lực để chi cho đầu tư”.
Nhắc lại tinh thần của Tổng Bí thư về sắp xếp bộ máy, trong đó có cả hệ thống hành chính Nhà nước, cả cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Đảng, đặc biệt các đơn vị hành chính, bà Trà cho rằng, “các cấp, các ngành cần tinh thần sẵn sàng, chứ không chỉ sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã”.
Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Theo Nghị quyết 1211, tiêu chuẩn của tỉnh miền núi vùng cao là phải có quy mô dân số từ 900.000 người trở lên, có diện tích tự nhiên 8.000 km2 trở lên, còn các tỉnh khác có dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích 5.000 km2 trở lên.
Đối chiếu với các tiêu chuẩn, một số tỉnh không đáp ứng cả hai tiêu chuẩn; nhiều tỉnh không đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích hoặc dân số…Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện việc sắp xếp tổ chức, bộ máy theo Nghị quyết 18, đến nay việc sắp xếp đơn vị hành chính mới chỉ thực hiện ở cấp xã, huyện, chưa xem xét đến cấp tỉnh.
Tương tự đối với các bộ, ngành, Nghị quyết 18 cũng đề ra yêu cầu nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo… Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc này cũng chưa được thực hiện, số lượng các bộ, ngành vẫn được duy trì ổn định từ khóa XII cho đến nay.
Một chuyên gia am hiểu về công tác tổ chức, bộ máy cho rằng, tới đây, khi tiến hành tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, cần phải đánh giá toàn diện kết quả đạt được, cũng như những vướng mắc, từ đó đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, cách mạng. Đặc biệt, nếu thấy sáp nhập, hợp nhất là phù hợp thì mạnh dạn thực hiện từ trên xuống dưới, kể cả ở Trung ương và ở cấp tỉnh cho đồng bộ, tránh việc “nhập vào rồi lại tách ra” như thời gian qua.