Cách tốt nhất giúp trẻ tránh bị viêm tai giữa khi đi bơi

TPO - Mùa hè, trẻ nhập viện vì viêm tai gia tăng, nguyên nhân là do bố mẹ chưa biết cách bảo vệ tai cho trẻ khi đi bơi.
Viêm tai do đi bơi gia tăng khi hè về.

Mùa hè đến, nắng nóng khiến nhiều cha mẹ có nhu cầu cho con cái đi bơi, đi biển du lịch. Theo các chuyên gia, việc đi bơi không chỉ giải quyết được vấn đề nắng nóng trong mùa hè, mà đây còn là môn thể thao giúp rèn luyện sức khỏe rất tốt.

Tuy nhiên, việc đi bơi không có các phương tiện bảo hộ (bảo vệ), cũng như việc vệ sinh không đúng cách sau khi bơi sẽ rất dễ mắc bệnh, nhất là bệnh viêm tai ở trẻ nhỏ. Một thống kê tại phòng khám Tai Mũi Họng Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cho thấy, số lượng người bệnh đến khám bệnh viêm tai do đi bơi nhiều tăng đột biến trong thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày có đến 100 ca đến khám/ngày.

Theo các chuyên gia, hai bệnh về tai thường gặp phải khi đi bơi đó là bệnh viêm tai giữa và viêm ống tai ngoài. PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - nguyên Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, tai có 3 bộ phận là tai ngoài, tai giữa, tai trong, trong đó bộ phận hay bị tổn thương do đi bơi nhất đó là viêm tai ngoài.

Nguyên nhân do khi bơi ngụp lặn trong môi trường nước, dù nước sạch hay bẩn cũng có nhiều vi khuẩn xâm nhập vào tai.

Còn đối với viêm tai giữa, cũng có thể mắc nếu như nước ứ đọng trong tai không được cho ra ngoài. Bệnh viêm tai giữa nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, viêm xương chũng mãn tính, hoặc có thể dẫn đến bị điếc.

Cùng quan điểm trên GS Phạm Kiên Hữu – Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, viêm tai ngoài ở người hay đi bơi là tình trạng viêm, phản ứng kích thích hay tình trạng nhiễm trùng ở ống tai ngoài. Viêm tai ngoài gây nên triệu chứng ngứa, đau tai, thường xảy ra ở người thường để nước ứ đọng trong tai hoặc người hay đi bơi.

Theo GS Hữu, ngoài đi bơi, các yếu tố khác như môi trường nóng, ẩm; có thói quen làm sạch, lau chùi, móc ráy tai trong ống tai bằng các dụng cụ cứng; có các san thương ống tai ngoài; da ống tai bị khô; vật lạ trong ống tai ngoài; ráy tai nhiều; bệnh chàm hoặc một số bệnh lý ngoài da…cũng là tăng nguy cơ bị viêm.

Khi đưa trẻ đi bơi cần có dụng cụ bảo vệ khỏi nước vào tai. Ảnh: Lê Phương.

Cũng theo các chuyên gia, viêm tai do đi bơi có thể gặp ở mọi đối tượng, nhưng trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ cao nhất. Nguyên nhân là do trẻ chưa có ý thức tự bảo vệ khi bơi, khi trẻ bị nước vào tai thường làm mọi cách để đưa nước ra, thậm chí cho cả những đồ dùng mất vệ sinh vào ngoáy tai, điều đó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại vào tai khu trú và gây bệnh.

Phòng bệnh viêm tai cho trẻ không khó

Để đề phòng bệnh viêm tai khi đi bơi, GS Phạm Kiên Hữu khuyến cáo, ngoài như sử dụng dụng cụ nút tai khi đi bơi hoặc tắm; sau bơi cần nghiêng đầu sang từng bên để nước chảy ra; có thể làm khô ống tai ngoài bằng cách sử dụng luồng hơi nóng từ máy sấy tóc ở cường độ thấp…

Những người có tiền sử bị viêm tai giữa, viêm xoang, tốt nhất là không đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh. Nếu tai từng bị viêm, có một lỗ thủng hoặc đã có mổ tai thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi đi bơi.

Khi thấy tai có các biểu hiện như ngứa, khó chịu, chảy nước, dịch vàng, trắng, sờ vào thấy đau, đặc biệt là vùng sụn trước của tai thì nên đi khám.

 (Tổng hợp theo Khám Phá)