Ông Phương nói: Năm 2020 khó có thể tiêu hết 700 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, trong đó 120.000 tỷ đã phải chuyển kế hoạch từ năm này sang năm khác (từ 2016 đến nay).
Thưa ông, vì sao đầu tư công được đưa lên làm giải pháp nổi bật để tái phục hồi nền kinh tế sau dịch COVID - 19?
Hiếm có giải pháp nào có thể giải quyết được 2 vấn đề như đầu tư công. Thứ nhất, chi càng nhiều thì GDP càng tăng. Với đầu tư công, chúng ta hoàn toàn chủ động nhất là khi dịch COVID-19 khiến DN khó khăn thì không thể bắt họ bỏ tiền ra được, trong khi đầu tư FDI chưa đón được DN lớn nào.
Trong mọi báo cáo, Bộ KH&ĐT luôn nêu quan điểm cố gắng giữ được đầu tư công. Năm 2020, số vốn đầu tư công còn gần 700.000 tỷ đồng (gồm ngân sách trung ương, địa phương và vốn từ các năm 2016-2020 dồn lại) cần giải ngân. Giải ngân được số vốn này sẽ giúp GDP thêm khoảng trên 0,4%.
Vấn đề thứ hai, dự án hoàn thành sớm sẽ tác động vào nền kinh tế. Bởi đầu tư công được xem là vốn mồi kích thích phát triển kinh tế xã hội. Chúng tôi luôn kiến nghị các địa phương đôn đốc. Bởi tiền đã có, thủ tục có hết nhưng địa phương, bộ, ngành chưa cố gắng làm.
Báo Tiền Phong liên tục đăng nhiều bài chỉ rõ các dự án đầu tư công chậm, dở dang. Nhiều chuyên gia lên tiếng cho thấy trách nhiệm thuộc về lãnh đạo chính quyền địa phương, ông nghĩ sao?
Trong đầu tư công, trách nhiệm của người đứng đầu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, ban quản lý dự án được quy định rõ. Người đứng đầu mà né trách nhiệm, không ký hồ sơ thì bước tiếp theo không thể thực hiện. Cấp dưới đốc thúc, sôi sục nhưng người đứng đầu không ký thì dự án vẫn không thể thực hiện.
Trong 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công có phần dành cho các dự án lớn. Theo ông, dự án này ở các bộ ngành, địa phương (như Hà Nội, TP HCM) đang được triển khai như thế nào? Bộ có nhận được báo cáo về tiến độ, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương không?
Chính phủ có nhiều chỉ đạo quyết liệt với bộ, ngành trung ương và địa phương với tinh thần giải ngân nhanh và giải ngân hết. Đó là mong muốn và quyết tâm của Chính phủ. Ở các cấp thực hiện đều có những vướng mắc nhất định. Về mặt cơ chế, đầu tư công liên quan tới nhiều luật như quy hoạch, đầu tư công, đấu thầu, đất đai… Không có lĩnh vực nào bị chi phối nhiều luật như đầu tư công. Đầu tư công cũng rất khó làm đồng thời. Do đó, thời gian triển khai dự án khá dài.
Về chế độ báo cáo, Bộ KH&ĐT nhận báo cáo mang tính tổng hợp của các đơn vị xem giải ngân thế nào, triển khai kế hoạch ra sao. Còn việc đi vào dự án cụ thể chỉ khi nào địa phương cần hỏi về vấn gì đó thì Bộ KH&ĐT mới nhận hướng dẫn địa phương. Vấn đề liên quan thanh tra, kiểm tra, khi có đơn phản ánh thì các bộ phận chức năng phải vào cuộc.
Giai đoạn 2016 -2020 không có nhiều dự án lớn. Dự án cao tốc Bắc - Nam đang trong quá trình chuyển 8 dự án sang đầu tư công. Dự án Sân bay Long Thành, tháng trước Thủ tướng họp với tỉnh Đồng Nai, hợp phần đầu tiên về GPMB tiến độ khá ổn. Các dự án khác thì chủ yếu nằm ở địa phương. Ở TP HCM các “khối u” cản trở thực hiện dự án metro đã được xử lý.
Nhiều ý kiến cho rằng, chi phí cơ hội sử dụng vốn, đầu tư công lớn. Có bao giờ Bộ KH&ĐT đánh giá vấn đề này?
Không có công thức để tính toán chi phí cơ hội khi dự án đầu tư công chậm, triển khai ì ạch cho dù ai cũng cảm nhận được hậu quả của nó. Dự án đầu tư công chậm 1 năm, tăng trưởng của tỉnh cụ thể nào đó giảm bao nhiêu tỷ đồng thì không ai tính được. Thiệt hại của bà con vùng dự án bao nhiêu cũng không tính nổi. Ai cũng biết chậm dự án đầu tư công là mất rất nhiều cơ hội về phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, có điểm khác biệt của đầu tư công so với đầu tư tư nhân là tiền không phải sẵn có. Tiền đầu tư công chỉ là tiền dự kiến. Dự án triển khai đến đâu tiêu đến đó và tiền này chỉ được quyết toán vào cuối năm. Đầu tư công từ 2016 đến nay có những khoản vốn được nhấc đi nhấc lại qua các năm tiếp theo.
Trước đây, chủ đầu tư giữ khư khư khoản tiền đó cho dự án mình quản lý vì sợ mất, và giữ cho hết nhiệm kỳ 5 năm. Từ năm 2021, vấn đề giữ vốn sẽ bị chấm dứt. Chủ đầu tư có vốn không giải ngân được thì chủ tịch UBND các tỉnh, bộ trưởng sẽ điều chuyển số vốn đó sang dự án khác tốt hơn.
Điều này sẽ gây bất lợi thế nào cho các địa phương được nhận vốn đầu tư công và chuẩn bị dự án đầu tư, thưa ông?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương
“Thực tế vẫn còn nhiều dự án “lang thang” ngoài kế hoạch vốn trung hạn nên bị “treo”. Với những dự án này, Luật Đầu tư công mới (triển khai từ 2021) cho phép các tỉnh cơ hội xem xét. Tuy nhiên, việc xem xét phải đáp ứng 2 điều kiện: Thủ tục theo luật mới, phải làm lại và bố trí tiền của địa phương, bộ, ngành. Khi tỉnh, bộ, ngành nào đó bố trí tiền cho dự án treo này thì phải “nhịn” chi cho các dự án trong tương lai. Đó là sự lựa chọn”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương
Cuối năm nay những “khối u” là công trình dở dang, chậm tiến độ sẽ phải xử lý như thế nào?
Theo Luật Đầu tư công mới, 5 năm tới, chỉ chấp nhận dự án đang làm thì phải triển khai nốt. Trước đây, công trình dở dang do thiếu vốn. Kế hoạch 5 năm tới, không được phép để thiếu vốn, đã làm rồi thì phải xong và xong đúng thời hạn. Quá thời hạn chủ đầu tư sẽ bị phạt. Với dự án chưa được làm, chưa khởi công, sắp tới chủ đầu tư phải cân nhắc, ưu tiên cho dự án nào hiệu quả hơn, nên làm dự án mới hay không?
Với những dự án chậm trễ, dở dang, trách nhiệm của địa phương cần được xem xét ra sao?
Luật Đầu tư công quy định hiệu quả của dự án ở mức nào thì phải xử lý, vấn đề này thuộc về các cơ quan nội chính.
Khách quan mà nói giai đoạn 2016-2020 có quá nhiều nguyên nhân chi phối quyết định của người đứng đầu địa phương, bộ, ngành trong đầu tư công. Nguyên nhân đầu tiên là ít vốn.
Trước tình trạng dàn trải, ách tắc, nhiều dự án dang dở, có lúc nào ông cảm thấy sốt ruột?
Nhiều lúc tôi sốt ruột về hai khía cạnh. Thứ nhất, nhìn vấn đề đó cảm thấy bất lực, không làm gì được vì mình chỉ là một phần trong cả chuỗi các cấp, ngành khác nhau trong câu chuyện đầu tư công. Chúng tôi xác định làm tốt việc của mình sẽ đỡ cho cả dây chuyền phía sau; để tuyến sau đẩy mạnh và làm tốt hơn.
Thứ hai, thực tế có nhiều sức ép. Nhiệm vụ đặt ra, cơ quan đầu ngành về đầu tư mà không làm được tốt thì cũng buồn nên chúng tôi quyết tâm làm từng việc. Và từng bước một, chúng tôi đã giải quyết được nhiều việc tốt.
Theo ông năm nay có tiêu hết và tiêu hiệu quả 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công?
Tôi dự đoán khó tiêu hết 700 nghìn tỷ đồng. Thực tế, Luật Đầu tư công mới cho phép giải ngân trong năm 2020 lùi được 1 năm, hy vọng chỉ một lượng vốn nhỏ chuyển sang 2021. Thường chỉ dự án đặc thù mới phải chuyển tiếp.
Cảm ơn ông!
Một trong những lĩnh vực có số dự án chậm tiến độ nhiều nhất là điện lực, với 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ. Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2 với dự kiến vận hành năm 2018 nhưng đến nay chưa hoàn thành. Để gỡ vướng, cơ quan chức năng vừa cho phép chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được sử dụng nguồn vốn chủ trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích. Dự án NMNĐ Sông Hậu 1 có tiến độ vận hành vào năm 2019, song còn dang dở...