Cách nào để năng suất lao động Việt Nam đuổi kịp Lào?

TPO - Trước bối cảnh năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam thấp, các chuyên gia kinh tế và cơ quan nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp giúp cải thiện NSLĐ Việt Nam tăng lên. Cách nào để NSLĐ Việt Nam tăng lên, đuổi kịp và vượt qua NSLĐ của Lào?
Cần cải cách thể chế và du nhập công nghệ cao mới giúp NSLĐ Việt Nam tăng lên. Ảnh minh hoạ

Tại hội thảo “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hoá” diễn ra sáng 11/1, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng ban kinh tế trung ương đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay đang giảm dần. Mô hình tăng trưởng của Việt Nam cũ, chậm đổi mới, tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp. Đặc biệt, NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 87,4% của Lào.

Việc tăng NSLĐ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và quyết định đưa nước ta phát triển nhanh bền vững cho giai đoạn tiếp theo. Chính vì vậy, Việt Nam lắng nghe kiến, giải pháp của nhà khoa học trong và ngoài nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Trần Văn Thọ, đại học Waseda (Tokyo), Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Biểu hiện qua việc lao động dư thừa ở nông thôn, lao động khu vực nông nghiệp còn nhiều. Do vậy để tăng NSLĐ, Việt Nam cần cải cách thể chế để hoàn thiện thị trường lao động, thị trường vốn để lao động và tư bản dịch chuyển đến lĩnh vực có năng suất cao.

“Khoảng cách công nghệ của Việt Nam với nước ngoài còn lớn. Để tăng NSLĐ, Việt Nam cần tích cực chọn lựa, du nhập công nghệ và đầu tư thay đổi thiết bị. Chỉ có cách tân công nghệ và cải cách thể chế mới giúp làm tăng NSLĐ của Việt Nam”, ông Thọ kiến nghị.

GS Thọ cũng nhấn mạnh, với Việt Nam công nghiệp hoá (CNH) có ý nghĩa chiến lược. Đây là khu vực có NSLĐ cao, trở thành đầu tàu cho nền kinh tế. Trong nội bộ ngành công nghiệp, cần luôn chuyển dịch cơ cấu lên các ngành có giá trị gia tăng cao hơn và nhu cầu ngày càng tăng trên thị trường thế giới.

Theo đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, để tránh bẫy thu nhập trung bình, Chính phủ Việt  Nam cần khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức của toàn dân về việc tăng NSLĐ và đưa ra giải pháp cụ thể. Tổ chức Jica Nhật Bản đã tổ chức nhiều lớp về bài giảng về nâng cao NSLĐ ở Việt Nam. Đã có hơn 400 giám đốc các công ty sản xuất của Việt Nam tham gia các khoá học của Jica và áp dụng vào thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng nhấn mạnh đến hơn 100.000 thực tập sinh, kỹ sư của Việt Nam đang làm việc ở Nhật Bản trong lĩnh vực cải tiến khoa học công nghệ. “Lực lượng lao động này có kiến thức, kinh nghiệm cao. Khi họ trở về Việt Nam, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để họ áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm để hỗ trợ việc cải tiến công nghệ, góp phần tăng NSLĐ”, vị đại diện này cho biết.

GS Kenicho Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quá khứ chủ yếu do nguồn vốn và lao động, không phải dự vào năng suất. Hiến kế trong việc đưa nâng cao NSLĐ trở thành chiến dịch quốc gia, ông Ohno cho rằng, cần huy động nhiều phương tiện truyền thông tham gia và kéo dài trong nhiều năm, đến khi NSLĐ Việt Nam trở thành một phần của triết học quốc gia.

Vị giáo sư này cũng đánh giá, để chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao hơn Đông Á.

“Chất lượng chính sách của Việt Nam cần được cải thiện về tư duy và khả năng nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tạo môi trường làm việc cho lực lượng lao động đã qua đào tạo, chứ không phải đào tạo xong rồi về gắn với nông nghiệp, với cái cày, cái bừa”, GS Ohno nhấn mạnh.

Để chứng minh cho chất lượng chính sách, GS Ohno đưa ra giải thuyết, một người đến sau có thể tăng thu nhập trung bình bằng cách tự do hoá, tư nhân hoá và hội nhập. Nhưng chỉ riêng thị trường thì không thể thu nhập cao. Trong trường hợp này, Chính phủ cần xây dựng nguồn nhân lực, các hãng và ngành một cách cạnh tranh trong quan hệ đối tác công – tư hiệu quả.