Cách mạng 4.0 và chuyện Phó giám đốc Sở GD và ĐT đi học ở tuổi 59

TPO - Chuyện ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM đăng ký khóa học CNTT tại một trường đại học trực tuyến đã gây bất ngờ cho nhiều người. Ngay cả người quản lý của ngôi trường nơi ông theo học cũng ngạc nhiên trước sự quyết tâm của ông.
Ông Phạm Ngọc Thanh (ngoài cùng bên trái) trở thành sinh viên CNTT.

Anh Nguyễn Thành Nam, người sáng lập trường trực tuyến Funix, kể về cơ duyên đón nhận sinh viên đặc biệt này: “Trong một buổi hội thảo về công nghệ 4.0, giờ giải lao, có người vác smartphone ra hỏi: Tôi thấy ý tưởng của các anh rất hay, tuy nhiên tôi phải tự thử theo học mới có thể có ý kiến chính thức được. Theo anh, tôi nên bắt đầu thế nào? Trao qua đổi lại mấy câu, anh vào site đăng ký học luôn. Hết buổi hội thảo, thấy anh lên tặng hoa cho các đại biểu, mới biết anh là khách VIP của sự kiện hôm đó".

Khi phóng viên hỏi liệu việc học có phải là một quyết định “nổi hứng”, ông Thanh vui vẻ bảo:  Không phải là chuyện ngẫu hứng, bởi ở tuổi 59 thời gian với ông quý lắm, có rất nhiều việc phải làm. Thực tế, việc học CNTT là điều ông ấp ủ từ lâu. “Thời buổi bây giờ, đâu đâu cũng nói đến cách mạng 4.0, nhu cầu hiểu biết về CNTT rất quan trọng và là tấm hộ chiếu để trở thành công dân toàn cầu. Muốn có một nhà nước thông minh thì phải có chính quyền thông minh, và để cấu thành chính quyền thông minh nhất định phải có người dân thông minh. Suy nghĩ như vậy, nên mình quyết định đăng ký học CNTT”.

Ông Thanh chia sẻ, từ lâu ông đã muốn được học CNTT bài bản, nhưng do công việc bận rộn khiến ông khó có thể thực hiện. Với những khóa học ngắn ngày, ông thi thoảng vẫn xin nghỉ phép để đi học. Chẳng hạn, ông từng nghỉ 4 ngày để theo khóa Chuyên gia đào tạo với suy nghĩ, để thực sự quản lý tốt trong môi trường giáo dục, phải hiểu về định hướng đào tạo như một chuyên gia. Lần này, học CNTT cơ bản, lại là hình thức học mở, có thể tận dụng thời gian rỗi nên ông tự thấy rất phù hợp. Một lý do khác khiến ông đăng ký nhanh đến mức bất ngờ, đó là vì ông bảo, làm quản lý, mà khi có mô hình giáo dục mới mình lại không hiểu, thì sẽ rất khó để giúp đỡ, hỗ trợ cho mô hình mới phát triển.

Lại nghĩ đến những chuyện gây tranh cãi gần đây trong giáo dục. Về phía học sinh, cách đây chừng 2 tháng báo chí rầm rộ đưa tin chuyện một cậu bé được cha cho nghỉ học ở trường, để tự học với lý do: có nhiều bất cập trong phương pháp dạy học, giáo dục cũng như việc bố trí, sắp xếp thời gian học. Nhiều người hưởng ứng suy nghĩ của anh Đặng Quốc Anh, khi họ cũng mệt mỏi đối mặt với việc đưa đón con học chính, học thêm, mệt mỏi với những áp lực vì bệnh thành tích trong học tập. Tuy nhiên, phần lớn suy nghĩ của các nhà giáo dục cũng như cha mẹ phụ huynh vẫn là: Không thày đố mày làm nên. Bởi dù có những băn khoăn, không phải ông bố bà mẹ nào cũng có thể nghỉ làm, và có đủ kiến thức toàn diện để tự dạy con học ở nhà. Và trong câu chuyện này, có thể thấy bóng dáng của một mô hình ở giữa: đó là học trực tuyến. Tuy nhiên, mô hình này mới chỉ có ở các khóa học ngắn hạn, và được coi như một hình thức học thêm, chưa có trường trực tuyến dành cho bậc phổ thông đúng nghĩa.

Một chủ đề khác cũng đang rất nóng trong ngành giáo dục, ấy là việc có nên bỏ chế độ biên chế của giáo viên. Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận định, nếu bỏ biên chế, nhiều giáo viên sẽ tháo chạy. Tiến sĩ phát biểu: "Không còn ràng buộc biên chế, họ sẽ thỏa sức tung hoành ở những lĩnh vực mà họ làm chuyên gia. Điều đó vừa giúp họ thực hiện những ước mơ, biến những nghiên cứu của riêng họ thành hiện thực, vừa đem lại cho họ cuộc sống khá giả với mức lương cao gấp 10, 15 lần khi họ còn ngồi trên giảng đường ĐH". Vấn đề đặt ra là, liệu các giảng viên có chấp nhận chỉ hoạt động trong lĩnh vực giảng dạy với mức lương khiêm tốn khi ở bên ngoài có quá nhiều cơ hội với họ. Hay họ sẽ một công đôi việc vừa dạy vừa có những dự án bên ngoài. Thực tế, khi mà xã hội đang ngày càng gần tới cách mạng 4.0, càng cần có một mô hình học phù hợp. Ở trường trực tuyến, nhiều giảng viên là các nhân tài ở các công ty. Họ sắp xếp một khoảng thời gian riêng cho việc giảng dạy. Chẳng hạn, người Việt duy nhất giành giải MVP của Microsoft Nguyễn Thanh Tùng vốn là Chief Software Architect, phụ trách kỹ thuật cao nhất của Misa, đồng thời của là mentor của trường trực tuyến Funix. Việc tư vấn, đào tạo online giúp anh vừa có thể làm việc, trải nghiệm qua công việc, đồng thời hỗ trợ hướng nghiệp cho sinh viên một cách sống động, thực tế nhất. Có lẽ đây là một trong những giải pháp và là gợi ý cho một hướng đi trong câu chuyện giảm biên chế giáo viên hiện nay.