Cách ly chứ không đưa 'cụ' Rùa khỏi hồ Gươm

TP - Một nội dung quan trọng trong cuộc họp “chốt vấn đề” ngày mai của Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm là phương án tiếp cận "cụ" Rùa. TS Lê Xuân Rao(*), GĐ Sở Khoa học&Công nghệ Hà Nội, trao đổi quanh vấn đề này.

> Cụ rùa lại ngoi lên mặt nước
> Bắt rùa tai đỏ bằng nhiều loại bẫy
> Đưa cụ Rùa lên bờ, không khéo có thể làm vỡ mật

13 con rùa tai đỏ đầu tiên, tính đến chiều 23-2, bị tóm bởi các
thiết bị thử nghiệm và đang được nhốt ở Sở KH&CN Hà Nội.
Ảnh: Phạm Mạnh.

Cách ly khỏi hồ

Thưa ông, việc tiếp cận Rùa Hoàn Kiếm để chữa trị khẩn cấp cho cá thể này, song song với việc dọn dẹp hồ Hoàn Kiếm, phải chăng đã được quyết định?

Tiếp cận này sẽ được lãnh đạo thành phố xem xét, quyết định sau khi tham khảo ý kiến của tất cả các bên. Thời gian dự kiến sau ngày 25-2.

Cuộc thảo luận phương án tiếp cận Rùa Hoàn Kiếm đến thời điểm này ra sao, thưa ông?

Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm được giao nghiên cứu, lựa chọn phương án khả thi nhất về công nghệ để chữa trị Rùa Hồ Gươm và bắt rùa tai đỏ. Ngày kia (tức thứ sáu, 25-2. PV), ban chỉ đạo sẽ báo cáo chốt phương án thực hiện.

"Chúng tôi phải xem xét, thẩm định một cách chi tiết để đảm bảo khi đưa lưới xuống không đè lên Rùa Hồ Gươm, khi bắt không để rùa giãy giụa tạo ra những hình ảnh phản cảm, đồng thời không gây thêm tổn thương.

Ngay cả các biện pháp chữa trị, dùng các loại thuốc gì cũng phải nghiên cứu, xem xét thận trọng quy trình, các bước chữa trị thế nào, phù hợp ra sao." - TS Lê Xuân Rao 

Sẽ không còn thảo luận nữa mà là tập trung vào thẩm định hai phương án cụ thể cách ly rùa Hoàn Kiếm ra khỏi môi trường hồ để chữa trị. Đến giờ, chúng tôi thiên về phương án ấy, vì hồ Hoàn Kiếm rất ô nhiễm.

Có thể đưa lên ao nổi nhân tạo, đặt giữa hồ, cũng có thể đưa cá thể vào một bể bơi. Thành phần cơ bản, tính chất hóa lý của nước trong ao nổi cố gắng đảm bảo gần giống với nước hồ Hoàn Kiếm như độ pH, nhiệt độ, v.v…

Việc chế tạo ao nổi và hệ thống bơm, lọc nước, có cần thời gian để đảm bảo cả về yếu tố kỹ thuật, an toàn, và cả thẩm mỹ, chứ không thể nói cái là làm ngay được. Hệ thống bơm lọc nước phải vừa làm nhiệm vụ hút nước vào và đẩy nước ra khỏi ao nổi.

Sau khi ra khỏi môi trường hồ, rùa Hoàn Kiếm sẽ được đưa ngay vào ao nổi chứa nước đã được xử lý theo các tiêu chuẩn hóa lý nghiêm ngặt. Khi tiến hành chữa trị, hệ thống bơm lại phải bơm nước ra, tháo cạn ao nổi. Bên cạnh đó, có thể nghĩ đến làm bãi cát nhân tạo trên phao nổi để rùa phơi nắng trong lúc chữa trị.

Về việc đưa rùa cách ly khỏi môi trường nước hồ Hoàn Kiếm, tại cuộc họp ngày mai, chúng tôi cũng sẽ bàn tiếp cách thức như thế nào đề bắt rùa tránh gây các hình ảnh phản cảm như để rùa giãy giụa hay để rơi, hay bất cứ va chạm gì có thể gây sốc hay choáng cho cá thể v.v…

Dự kiến bao lâu để hoàn thành toàn bộ các công việc nói trên, thưa ông?

Kể cả kết thúc cuộc họp ngày 25-2, cũng sẽ rất khó để nói mất khoảng bao lâu vì đây là công việc chưa từng làm. Ngay cả dò tìm và bắt rùa, một cá thể cũng không thể biết chính xác mấy ngày. Sức ép về việc chưa có kinh nghiệm chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ tìm và đưa rùa ra khỏi môi trường hồ.

Đấy là chưa kể một số lượng quần chúng không nhỏ sẽ vây quanh hồ để quan sát. Nếu không có sự phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự, bất cứ điều gì không may cũng có thể phát sinh từ đám đông và hậu quả thì không biết thế nào mà lường.

TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội.


Hà Nội làm hết mình

Có ý kiến cho rằng những việc làm gần đây của cơ quan chức năng Hà Nội tuy khẩn trương nhưng chủ yếu xuất phát từ sự sốt ruột của dư luận thay vì có chuẩn bị trước, bài bản? Ngay cả các biện pháp hiện thời cũng bị xem chưa đủ nhanh và mạnh?

Thời gian qua, Hà Nội rất tích cực trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường hồ Hoàn Kiếm.

Sau khi nhận được các phản ánh của báo chí và nhân dân về các vết thương của Rùa Hồ Gươm, UBND TP đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành xin ý kiến chuyên gia về giải pháp tổng thể bảo vệ rùa Hồ Gươm.

Ngay sau cuộc hội thảo, ngày 16-2, Sở KH&CN đã có báo cáo với UBND TP về các ý kiến và đề xuất của nhà khoa học đối với giải pháp bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm. Tại cuộc họp, Thành phố đã chỉ đạo triển khai ngay một số biện pháp như dọn sạch các dị vật dưới lòng hồ, bổ cập nước vào hồ.

Cám ơn ông.

Quốc Dũng thực hiện

(*) TS Lê Xuân Rao còn là Phó trưởng ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hoàn Kiếm do Chủ tịch UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập ngày 17-2-2011, hai ngày sau hội nghị Diên Hồng bàn về cụ Rùa.

Bẫy đón Rùa Hoàn Kiếm

Trong khi phương pháp quăng lưới bắt Rùa Hoàn Kiếm của một tác giả bị đánh giá là “nguy hiểm cho người bắt” do kích thước và trọng lượng cá thể rất lớn (khoảng ba tạ), thì bẫy bắt rùa tự động, đặt chìm dưới lòng hồ của anh Nguyễn Văn Thịnh (Cty TNHH Kỹ thuật – Công nghệ và Thương mại HTH) được xem là giải pháp nặng ký nhất.

Bẫy có hình dáng như cái vợt lớn hình vuông, kích thước 40x40 m.

Tính đến phương án phải đưa cụ Rùa lên cạn để chữa thương, anh Thịnh cho thiết kế thêm một túi phụ bên trong lưới, giống một hom giỏ ở vó bè. Rùa ở trong hom kín đáo, phần nào bớt sợ hãi hoặc giận dữ.

Anh Thịnh đang đặt làm lưới ở huyện Thủy Nguyên, Thái Bình. Đây là loại lưới chuyên dùng để đánh cá lớn ở biển.

'Cụ' Rùa lại nổi

Sáng qua, 23-2, rùa Hồ Gươm lại nổi khá lâu. Cụ nổi gần bờ nhà hàng Thủy Tạ. Buổi chiều trước đó, cụ nổi ở đoạn sát khu vực hai đường thoát nước thải từ đền Ngọc Sơn ra đoạn đường đôi Đinh Tiên Hoàng, gần mép bờ hồ khoảng một mét.

Theo quan sát của nhà báo Hà Hồng (báo Nhân Dân), trong hai lần nổi hôm qua và hôm kia, do cụ Rùa nổi gần bờ nên người quan sát nhìn rất rõ vết thương của cụ. “Những vết mốc trắng trên lưng cụ ngày càng đậm nét, vết thương ở phần mai phải lan nhanh sang cả bên trái, trông nham nhở. Mỗi lần quan sát tôi thấy vết thương của cụ ngày càng nặng hơn”, nhà báo Hà Hồng cho hay.
Theo Báo giấy