1. Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: New York Times.
Tỷ phú bất động sản, ngôi sao truyền hình Mỹ Donald Trump đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 18/11/2016, dự kiến chính thức nhậm chức ngày 20/1/2017. Donald Trump nổi tiếng với các phát ngôn quyết liệt, gây tranh cãi nên thế giới đang theo sát các chính sách đối nội, đối ngoại của Mỹ sau khi ông chính thức nhậm chức ngày 20/1/2017.
2. Tòa trọng tài bác bỏ “đường lưỡi bò”
Người dân Philippines bày tỏ cảm xúc sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết. Ảnh: Reuters.
Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII - Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, kết luận rằng, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn (“đường lưỡi bò”). Tòa cũng kết luận rằng, việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc là không phù hợp nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCLOS trong quá trình giải quyết tranh chấp, Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển…
3. Anh rời Liên minh châu Âu
Anh quyết dứt áo ra đi. Tranh: Wall Street Journal.
Ngày 23/6/2016, Anh tổ chức trưng cầu ý dân về việc nước này rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit); kết quả là 52% số người ủng hộ, sau đó thị trường tài chính thế giới chao đảo, giá đồng bảng Anh lao dốc, Thủ tướng Anh David Cameron từ chức. Nữ Bộ trưởng Nội vụ Theresa May lên nắm quyền, trở thành “bà đầm thép” thứ hai trong lịch sử nước Anh. Bà nói sẽ khởi động tiến trình pháp lý dẫn tới Brexit, muộn nhất là vào cuối tháng 3/2017.
4. Tổng thống Mỹ thăm Cuba
Chủ tịch Cuba Raul Castro nắm tay Tổng thống Mỹ Barack Obama rồi giơ cao trong buổi họp báo chung ở Havana hôm 21/3. Ảnh: AFP.
Ngày 20/3/2016, ông Barack Obama có chuyến thăm lịch sử tới Cuba, trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên Cuba trong 88 năm qua, mở màn cho làn sóng đầu tư của Mỹ vào quốc đảo Caribe từng coi Mỹ là kẻ thù trong suốt 10 đời tổng thống. Chuyến thăm là dấu mốc cao nhất về quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba kể từ khi Tổng thống Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ vào tháng 12/2014.
5. Khủng bố đẫm máu ở trung tâm châu Âu
Hành khách bị thương trong vụ đánh bom ở sân bay Zaventem. Ảnh: AP.
Ngày 22/3/2016, bom nổ ở sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek tại thủ đô Brussels của Bỉ, khiến 34 người chết, hơn 200 người bị thương. Ngày 14/7/2016, tại thành phố Nice của Pháp, một công dân Pháp gốc Tunisia lái xe tải lao vào đám đông đang chào mừng quốc khánh, khiến 84 người thiệt mạng, hơn 150 người bị thương. Ngày 19/12/2016, một người lái xe tải hạng nặng lao vào chợ Giáng sinh ở thủ đô Berlin của Đức, làm 12 người chết, 48 người bị thương. Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đứng đằng sau hoặc truyền cảm hứng cho các vụ tấn công đẫm máu.
6. Đảo chính và thanh trừng ở Thổ Nhĩ Kỳ
Một người dân Thổ Nhĩ Kỳ rút thắt lưng quật các binh sĩ tham gia đảo chính. Ảnh: Getty Images.
Ngày 15/7/2017, một nhóm trong các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đảo chính với lý do chủ nghĩa thế tục, nền dân chủ, nhân quyền không được coi trọng, uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ trên trường quốc tế bị suy giảm. Trong cuộc đảo chính, hơn 300 người thiệt mạng, hơn 2.100 người bị thương, nhiều tòa nhà chính phủ, trong đó có trụ sở quốc hội, dinh tổng thống bị hư hại. Theo báo chí phương Tây, ít nhất 40.000 người, trong đó có 10.000 binh sĩ và 2.745 thẩm phán, bị bắt; 15.000 nhân viên ngành giáo dục và 21.000 giáo viên bị đình chỉ với cáo buộc trung thành với giáo sĩ Fethullah Gulen – người bị chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đạo diễn vụ đảo chính bất thành. Hơn 100.000 người đã bị thanh trừng.
7. Hồ sơ Panama
Tổng quan về Hồ sơ Panama. Đồ họa: DPA.
Sau hơn một năm phân tích, khoảng 400 nhà báo công tác tại 107 cơ quan báo chí ở 78 nước ngày 3/4/2016 bắt đầu công bố tài liệu rò rỉ về hàng trăm người giàu có, chính khách nổi tiếng cùng người thân quen của họ ở nhiều nước có dấu hiệu trốn thuế, rửa tiền, tránh lệnh trừng phạt quốc tế… Hồ sơ Panama là 11,5 triệu tài liệu chứa thông tin chi tiết về tài chính của họ với sự dính líu của gần 215.000 công ty vỏ bọc ở nước ngoài. Tài liệu do công ty luật Panama Mossack Fonseca tạo ra. Vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử làm sống dậy cơn bão giận dữ của người dân, khiến nhiều chính khách phải giải trình về tài sản cá nhân, đưa vấn đề công bằng trong đóng thuế vào chương trình nghị sự…
8. Tổng thống Hàn Quốc “ngã ngựa”
Người dân Hàn Quốc biểu tình, giơ khẩu hiệu đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Ảnh: Wall Street Journal.
Ngày 9/12/2016, Quốc hội Hàn Quốc thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye, đồng nghĩa với việc bà bị đình chỉ chức vụ. Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để quyết định có chính thức phế truất nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc hay không. Trước đó, hàng chục nghìn người Hàn Quốc liên tục xuống đường biểu tình đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức với lý do chính là bà đã để bạn thân Choi Soon-sil can thiệp quá sâu vào chính sự, dùng ảnh hưởng cá nhân để trục lợi… Bà Park có thể từ chức vào tháng 4/2017. Với nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 2/2018, bà có thể trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc phải rời nhiệm sở trong bê bối.