> Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán 27 nghìn dân tránh bão
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực tiếp chỉ huy công tác phòng chống lụt bão và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh.
Chính quyền các địa phương nắm chắc các vùng trọng điểm, các vùng có khả năng thiếu đói để chuẩn bị lương thực, thực phẩm phòng bị trong trường hợp khẩn cấp. Các địa phương đồng thời triển khai công tác an toàn giao thông, nhất là trên các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa phận bàn; phân công cán bộ xuống các xã thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ"; kiểm tra tình hình di dời, phòng tránh bão lũ cho bà con ở những khu vực trọng yếu; kịp thời xuất ngân sách để mua các vật tư phòng chống lụt bão như áo phao, rọ đá, bao cát… cấp phát đầy đủ cho bà con.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 23 - 25-9, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có mưa to và rất to. Mực nước trên các sông lớn ở mức báo động cấp 1, 2. Mưa to gây ngập lụt nhiều điểm dân cư trên địa bàn, làm thiệt hại đáng kể diện tích lúa nước, hoa màu và đường giao thông.
Đến 11h ngày 26-9, Kon Tum có hàng trăm diện tích lúa nước, hoa màu, hệ thống giao thông bị hư hỏng và sạt lở, một số công trình thủy lợi bị hư hỏng, ước tính thiệt hại 25 ỷ đồng. Huyện Ngọc Hồi và Kon Rẫy có 5 cầu bị sạt lở mố cầu, nghiêng mặt cầu. Tuyến đường Hồ Chí Minh, đường quốc lộ 14C, QL 24, có một số điểm bị sạt lở, hư hỏng gây khó khăn cho việc giao thông.
Ngày 26-9, Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, 100 % tàu thuyền và lao động trên biển ở tỉnh đã vào nơi trú ẩn an toàn. Trong đó, có 4.266 tàu thuyền, với 18.799 lao động đã vào bờ neo đậu, còn lại 17 thuyền, với 168 lao động sau khi nhận được tín hiệu báo bão đã đến đảo Bạch Long Vĩ để trú ẩn.
UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đoàn thể đã nghiêm túc triển khai khá đồng bộ các biện pháp, kế hoạch phòng chống cơn bão số 4.
Trong đó, tỉnh Quảng Bình đặc biệt quan tâm chỉ đạo các huyện, thành phố, các đơn vị chức năng tích cực thông báo, giúp ngư dân đưa tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn; hướng dẫn và đôn đốc nhân nhân tích cực thu hoạch hoa màu, lúa vụ hè thu, đặc biệt là ở các khu vực thấp trũng dễ xảy ra ngập úng; phân công cán bộ trực tiếp về chỉ đạo các xã, các thôn vùng thấp trũng; chỉ đạo dự trữ lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân ở các vùng có nguy cơ bị chia cắt.
Tỉnh cũng có kế hoạch chủ động di dời dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng có khả năng ngập sâu do nước biển dâng cao... Các địa phương, cơ quan, đoàn thể trong tỉnh tích cực thực hiện phương châm “4 tại chổ” và thực hiện nghiêm túc độ trực 24/24 để theo dõi diễn biến, sẵ sàng đối phó cơn bão số 4.
Ngày 26-9,UBND tỉnh An Giang đã công bố tình trạng lũ khẩn cấp trên địa bàn tỉnh An Giang, để làm căn cứ cho các địa phương trong toàn tỉnh thực hiện triển khai ngay các biện pháp cấp bách bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các ngành và các cấp tổ chức nghiêm túc việc trực lũ 24/24. Các Sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các biện pháp theo từng lĩnh vực ngành và địa bàn phụ trách để phòng chống lụt bão.
Trước mắt, có thể trưng dụng các phương tiện gia cố tôn cao đê phục vụ kịp thời công tác phòng chống lũ khẩn cấp bảo vệ sản xuất và tài sản nhân dân. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các đơn vị khai thác cát hỗ trợ địa phương có nhu cầu sử dụng cát để gia cố tôn cao đê bao bảo vệ sản xuất.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các tổ chức đoàn thể tổ chức tốt các điểm giữ trẻ, đưa rước học sinh đảm bảo an toàn cho trẻ và học sinh.
Trong trường hợp có khả năng gây nguy hiểm đến sự an toàn của học sinh thì phải cho học sinh nghỉ học... Các địa phương chủ động di dời dân ra khỏi nơi vùng ngập sâu, vùng sạt lở để đảm bảo an toàn cho tính mạng cho người dân. Số điện thoại đường dây nóng trong địa phương được công bố để người dân biết và cung cấp thông tin kịp thời.
Các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện với tinh thần quyết tâm bảo vệ 143.996 ha diện tích sản xuất vụ thu đông 2011 thu hoạch trọn vẹn. Công ty Điện lực An Giang và Công ty Cổ phần Điện nước An Giang phải đảm bảo có điện 24/24 cho các tiểu vùng có sản xuất vụ thu đông năm 2011.
Thành phố Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang chống chọi nước lũ, giông lốc, nước biển dâng. Tại các quận huyện đầu nguồn của TP Cần Thơ như Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, nước lũ đang lên nhanh.
UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn các cấp từ thành phố đến xã phường bằng mọi cách đảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Các quận huyện đầu nguồn lập phương án sơ tán dân khi cần thiết; chuẩn bị đủ xuồng ghe làm phương tiện tránh lũ; cung ứng ngư lưới cụ giúp dân làm phương tiện đánh bắt thủy sản cải thiện đời sống trong mùa lũ; tổ chức tốt các điểm giữ trẻ trong mùa lũ, đưa rước học sinh, nhất là học sinh tiểu học, mẫu giáo từ nhà đến trường và ngược lại; thành lập các chốt cứu nạn trên sông với thiết bị phao, áo phao, xuồng ghe....
Thành phố củng cố các chốt cứu hộ, mỗi chốt bố trí từ 4-5 người thành thạo công tác cứu nạn, cứu hộ. Các ngành chức năng phối hợp với các địa phương gia cố các tuyến bờ bao ngăn lũ, bảo vệ lúa, cây ăn trái, ao hồ nuôi thủy sản, nhất là các cồn trên sông Hậu.
Thành phố khuyến cáo nông dân những địa phương chưa có đê bao tốt không làm lúa vụ 3 đồng thời củng cố các khu thủy lợi khép kín nhằm chủ động tưới tiêu, ngăn lũ; tháo dỡ các vật cản trên sông, bảo đảm dòng chảy thông thoáng.
Thành phố chỉ đạo chính quyền các địa phương có nguy cơ bị sạt lở bờ sông, bờ kênh tổ chức tuần tra, kịp thời bảo vệ đê bao, bờ sông, di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm khi sự cố xảy ra. Ngành nông nghiệp, y tế đã phối hợp bố trí lực lượng phòng chống dịch bệnh cho người, gia súc, gia cầm, cây trồng, kịp thời dập tắt các ổ dịch bệnh tại khu vực có thiên tai.
Theo Sỹ Thắng, Mạnh Thành, Vương Thoại Trung, Thế Đạt
Thông Tấn Xã Việt Nam