Cá tầm xứ tuyết trên đất Việt

TP - Trên nhiều mặt hồ thủy điện rộng mênh mông từ Nam ra Bắc lần lượt mọc lên những giàn lồng bè nuôi cá tầm- loại cá quý hiếm đến từ xứ sở Bạch Dương từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

> Cá tầm được sinh sản nhân tạo tại Lâm Đồng
> Bắt được cá tầm nặng hơn nửa tấn

Cân cá giữa hồ thủy điện Tuôr Srah

Rời thành phố Buôn Ma Thuột chừng một trăm cây số theo quốc lộ 27 sẽ thấy hiện ra tấm gương khổng lồ xanh biếc: Hồ thủy điện buôn Tuôr Srah, nơi có giàn bè 50 lồng cá tầm được chăm sóc bảo vệ suốt ngày đêm.

Vượt qua chuỗi cầu phao bập bềnh, chúng tôi chứng kiến cảnh công nhân vợt cá từng lồng lên cân để kiểm tra sức khỏe cá theo định kỳ hằng tháng.

Những con cá gốc Nga nặng gần chục cân thích đùa, sau khi được thả lại xuống hồ cứ vờ vĩnh ngửa bụng lờ đờ trôi như chết, chờ người ôm lên vuốt ve, nghếch cái mõm nhọn và cặp mắt hồng tròn xoe láu lỉnh dưới cái nắng cháy da chói chang tỏa khắp mặt hồ.

Theo nghề từ khi Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam (CTVN) mới manh nha hình thành năm 2007, ông Nguyễn Văn Dương trưởng trại cá tầm Tuôr Srah cho biết : 16.000 con cá tuổi từ 5 tháng đến 3 năm đưa từ Đà Lạt về đây được nuôi lớn, chờ chuyên gia siêu âm từng con để biết đực, cái xong mới phân loại để bán vào nhà hàng siêu thị hay quay lại Đà Lạt để ươm trứng, thụ tinh, nhân giống.

Mười bốn thanh niên lao động trên giàn bè, trong đó phân nửa là đồng bào Êđê, M’Nông, Thái khỏe mạnh, bơi lặn giỏi tuyển từ các buôn làng tái định cư sau khi nhường nương rẫy cho dự án thủy điện.

Với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng, anh em chia ca liên tục cho cá ăn, theo dõi chất lượng nước, lặn kiểm tra lồng, vệ sinh thay lưới.

Kỹ sư Thìn tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang từng gắn bó với 120 lồng cá tầm của Tập đoàn ở Vĩnh Sơn- Bình Định trước khi lên đây, nói: Vào nghề, vui buồn của cánh trai trẻ gắn liền với… cá hơn với người yêu, bởi hồ thủy điện luôn xa khu dân cư, hẻo lánh và cũng nhờ thế nguồn nước mới trong sạch, thích hợp với loài cá tầm vốn rất nhạy cảm với môi trường sống.

Thời ở Vĩnh Sơn, có lần chỉ vì sơ ý khi hướng dẫn công nhân làm vệ sinh thay lưới giàn, để lưới thủng trôi tuột mấy chục con cá ra sông mà Thìn bị phạt trừ mất mấy tháng lương. Rút kinh nghiệm, anh em ở đây luôn nhắc nhau không phút giây nào chểnh mảng.

Hành trình di cư cá tầm xứ tuyết

Sau nhiều năm mưu sinh ở nước Nga, sự hứng thú và am hiểu về loài cá tầm quý hiếm trước bờ tuyệt chủng đã thôi thúc tiến sĩ khoa học Hà Văn Hải trở về Việt Nam thuê chuyên gia nước ngoài khảo sát, nuôi thử nghiệm cá tầm ở Đà Lạt.

Nhiệt huyết của ông lôi cuốn nhiều nhà đầu tư và chuyên gia cùng góp sức vào đề án “ Bảo tồn và nuôi loài cá tầm tại Việt Nam”.

Năm 2007 đề án thành công, Cty TNHH Cá Tầm Việt Nam- Đà Lạt mở ra cơ sở ương giống cá tầm, rồi lập Cty cổ phần Tầm Long Đami tại Bình Thuận để thực thi mô hình nuôi cá tầm theo phương thức công nghiệp.

Sau khi thu hoạch lứa trứng cá đen đầu tiên và đạt mốc sản lượng 50 tấn cá tầm thương phẩm đầu tiên cho thị trường nội địa, Cty CP Cá Tầm Việt Nam hình thành, do thạc sĩ kinh tế Lê Anh Đức (SN 1978) làm Tổng giám đốc.

Trứng cá khi đã ngậm phôi, vào lồng ấp 48 tiếng sẽ nở ra cá con. Mỗi cá mẹ nặng từ 10-12 kg có thể đẻ được khối trứng bằng 1/10 trọng lượng cơ thể, ấp nở ra khoảng 35.000 con cá bột, gần 2/3 lượng cá trong số đó có thể sống tốt. Cá tầm cổ đại nặng hàng tấn, cá tầm thương phẩm ngày nay lớn tối đa chỉ chỉ năm, bảy chục kilôgam.

Trứng cá đen thương hiệu “Caviar de Đuc” lần đầu tiên được giới thiệu tại nhà hàng Parkview, khách sạn 5 sao New World Sài Gòn vào tháng 3-2010.

Mỗi ly rượu sâm panh kèm 20g trứng cá Tầm Ossetra Caviar Việt Nam được tính giá khuyến mãi 65 USD/suất.

Sự kiện ấp nở trứng cá tầm thành công tại hồ Tuyền Lâm-Đà Lạt càng làm nức lòng toàn Cty.

Tháng 11-2011 trại nuôi cá tầm có quy mô dự kiến lớn nhất khu vực Đông Nam Á được triển khai trên mặt hồ thủy điện buôn Tuôr Srah dung tích 430 triệu m3, thuộc địa bàn huyện Krông Nô tỉnh Đắk Lắk.

Cho đến nay, Tổng Cty CP Cá tầm VN đã có 6 Cty thành viên chuyên nuôi cá tầm trên các mặt hồ thủy điện từ Tây Nguyên ra miền Trung, miền Bắc.

Riêng Cty Tầm Long Đa Mi được đầu tư gần 300 tỷ đồng xây dựng tổ hợp khép kín gồm phòng thí nghiệm, trại sản xuất cá giống, kho lạnh, nhà máy sản xuất, nuôi dưỡng đến chế biến, xuất khẩu trứng cá, thịt cá ra nước ngoài, gộp cả dự án trồng rừng và sản xuất các loại rau sạch ăn kèm nhằm phát triển hài hòa bền vững.

Tổng giám đốc Lê Anh Đức cho rằng, các hồ chứa thủy điện với diện tích khổng lồ, dòng chảy lưu lượng hàng trăm m3/s cùng nhiệt độ nước mát mẻ trên các vùng cao nguyên Việt Nam là môi trường tuyệt diệu cho hàng triệu con cá tầm thỏa sức sinh trưởng.

Trên thị trường thế giới hiện nay, giá bán buôn cá tầm từ 8.000-12.000 USD/ tấn. Trứng cá tầm tùy loại, dao động từ 1.000- 10.000 USD/kg mà cung chưa bao giờ đáp ứng đủ cầu.

Món cá tầm sả ớt .

Nữ chuyên gia cá tầm Nga Petrushina Tatiana khẳng định: VN có điều kiện tuyệt hảo để đầu tư mạnh mẽ cho nghề nuôi cá tầm. Mùi vị cá tầm VN thơm ngon không kém cá tầm Nga.

Cùng kỹ thuật nuôi, mà tốc độ tăng trưởng của cá tầm ở VN lại nhanh gấp ba lần, còn thời gian nuôi cá cho trứng thương phẩm lại chỉ ngắn bằng phân nửa so với ở Nga, nên sản phẩm cá tầm VN chắc chắn giảm giá thành, lợi nhuận lớn.

Thời gian đầu, Cty phải nhập trứng cá tầm sẵn phôi từ Nga, Đức về VN với giá 10.000 - 12.000 USD/ kg để ấp cho nở tại cơ sở ươm giống ở Đà Lạt.

Sau khi nghiên cứu thành công những công đoạn khó nhất về kỹ thuật thụ tinh cho cá, hầu như mọi bí quyết tinh vi của nghề nuôi cá tầm đã được tập đoàn nắm chắc.

Trong đó có quy trình sản xuất vắc xin phòng chữa bệnh cho cá, tạo điều kiện “ngủ đông” tương đương điều kiện tự nhiên ở xứ tuyết để cá cái ươm trứng…

Ông Nguyễn Đình Hiển - GĐ Cty Cá tầm VN-Đắk Lắk cho biết: Nghề nuôi cá tầm hoàn toàn có thể triển khai tốt trên tất cả các hồ thủy điện ở Tây Nguyên, với điều kiện quy hoạch chặt chẽ và đặc biệt lưu ý các giải pháp bảo vệ môi trường.

Theo Báo giấy