Cà lơ

TP - Nào, cả lớp tập trung nghe tôi đọc đề thi. Tiếng giảng viên vang lên. Đang ồn ào, không khí trong lớp trở nên tĩnh lặng ngay lập tức. Các học viên cắm cúi ghi chép, chỉ có Khoa là vẫn nhớn nhác. Giờ này vẫn chưa thấy Chi đến. Bó tay. Quanh năm ngày tháng đi học muộn. 
Minh họa: Trương Phương Hoa

Nhưng đi thi mà cũng muộn thì thật không chịu nổi. Ừ mà có ai bắt Khoa phải chịu đâu nhỉ. Chẳng qua, vì Khoa lo lắng quá mà thôi. Người ta có cần và cũng có biết Khoa lo thế nào đâu. Nghĩ vậy, tự nhiên Khoa thấy chùng xuống. Thôi kệ. Nghĩ vậy nhưng vẫn nhắn tin. Chừng năm phút sau, một cái bóng rón rén lẻn vào. Khoa thấy nhẹ nhõm hẳn.


Tưởng đâu là Chi, nhưng không phải mà là một lão bên kho bạc. Úi giời, lão này cũng là trùm đi muộn và còn hay ngủ gật trong lớp. Có lần, trong giờ kinh tế lão ngủ mơ thế nào mà giật mình ngã đánh rầm, khiến cả lớp hoảng hồn, cười như nắc nẻ. Còn thầy giáo thì khỏi phải nói, giận tím tái luôn. Đã thế lão còn chữa ngượng với cả lớp và lấy lòng thầy bằng cách giơ tay xin phát biểu đóng góp ý kiến. Tất nhiên là ngớ ngẩn và không liên quan đến nội dung bài học. Cả lớp lại được phen cười vỡ bụng.

Khoa cắm cúi viết, đề tài khá tâm đắc. Nhưng nỗi lo vẫn thường trực. Chẳng hiểu có chuyện gì với Chi nhỉ. Đã hai mươi phút trôi qua rồi mà cô vẫn không tới. Lúc nãy, tranh thủ nhắn tin nhưng không thấy cô trả lời. Thôi kệ. Không thi, coi như nợ môn, mà theo trí nhớ của Khoa thì Chi đã nợ đến ba môn rồi. Lúc thì đi công tác, lúc thì bận họp hành.

Dồn đấy, đến kỳ trả nợ có mà ốm. Mà có khi cô ấy ốm thật? Khoa bỗng thấy lo lo. Mặc dù rất nể và ngại nhưng Khoa vẫn quay xuống hỏi tổ trưởng:

- Cà lơ nghỉ có lý do gì không?

- Chịu. Tưởng ông biết chứ. Tổ trưởng cười mỉm đầy ẩn ý.

Thất vọng quay lên, Khoa cắm mặt làm bài tiếp. Đã gần một tiếng trôi qua. Thôi kệ.

Vừa lúc đó, Chi xuất hiện. Cô đứng trước cửa lớp ngập ngừng, e ngại. Khoa mừng rỡ vẫy tay ríu rít ra hiệu cho cô cứ vào cứ vào. Tốc ký thì vẫn kịp, còn hơn hai tiếng nữa cơ mà, ít ra cũng được trên điểm trung bình. Miễn sao không phải đá lại là OK rồi.

Hết giờ thi. Khoa khoan khoái đứng lên nộp bài rồi quay xuống tìm Cà lơ nhưng chẳng thấy cô đâu. Gọi điện không thấy nghe máy. Cảm giác hụt hẫng xâm chiếm. Thi xong mọi người trong lớp thường rủ nhau đi ăn uống. Một phần để xả stress, phần nữa để tăng cường giao lưu tìm hiểu. Học viên ở nhiều ngành nghề khác nhau, tụ ở lớp này để dùi mài kinh sử, phương châm là vừa học vừa làm vừa chơi. Chỉ có Cà lơ là không chơi. Cô chẳng bao giờ tham gia những vụ như vậy. Giờ giải lao các chị em túm tụm buôn chuyện áo váy chồng con hoặc đi lại xớn tớn dọc hành lang khiến lũ đàn ông phải bập điếu thuốc hít một hơi dài cho đã mắt. Chỉ có Cà lơ, cô thật… lạ kỳ. Cô thường ngồi một mình vắt vẻo ở góc khuất trên ban công và nhìn lơ đãng. Mái tóc xoăn bốc cao và đôi mắt thẳm buồn của cô luôn làm Khoa phải chú ý. Mà chẳng phải mình Khoa. Hình như phong cách ăn mặc phui phủi phớt đời của cô đã gây sự chú ý cho mọi người. Lần đầu nhìn thấy cô vắt vẻo trên ban công, gã bên kiểm toán hất hàm nói: cà lơ nhỉ. Cả hội cười ồ. Từ đó, mọi người trong lớp đều gọi cô là Cà lơ. Cà lơ chẳng màu mè son phấn, tô vẽ điểm trang, váy sống xúng xính như những phụ nữ anh biết. Nhưng ở cô toát lên sự tự tin, thậm chí trên cả mức ấy. Vì vậy đã tạo ấn tượng mạnh với Khoa. Biết cô làm việc cùng lĩnh vực với mình nên anh lại càng để ý đến cô hơn. Những lần ngồi café với nhau, ngoài chia sẻ về công việc, cô không nói nhiều về mình mà chủ yếu lắng nghe. Phụ nữ hay muốn sẻ chia, những bất an, bức xúc hoặc cả lúc họ vui sướng. Nhưng cô thì không. Có đợt nhóm anh làm dự án, Khoa rủ cô cộng tác. Cũng là một cách gần gũi hiểu biết thêm về con người cô. Khoa sống một mình trong căn hộ rộng rãi nên ngày nghỉ, mọi người thường tập trung ở nhà anh để trao đổi, bàn giao công việc. Khác với lúc đi học, Cà lơ bao giờ cũng đến đúng giờ hẹn. Có lần cô đến rồi mà cả nhóm còn cà kê café dưới đường không chịu mò lên. Trong lúc chờ đợi, cô đề nghị Khoa mở bản nhạc đồng quê rồi ra ban công đứng hóng. Cô cứ đứng như thế cả tiếng đồng hồ. Lặng lẽ, âm thầm. Mặc dù rất muốn lại gần, nói mấy câu bâng quơ nhưng Khoa lại thấy không thể làm phiền cô lúc ấy. Khoa vớ vội cây chì phác họa cảnh cô đứng trước ban công lộng gió, chỉ có điều là cô mặc áo cô dâu, nụ cười rạng rỡ trong nắng. Không hiểu sao Khoa lại vẽ cô như vậy.

* *
*
Sau hơn nửa năm cả nhóm cật lực, công việc cũng hoàn thành. Khoa tổ chức một bữa tiệc vui vẻ nhưng Cà lơ lại chối từ. Mặc dù biết cô không bao giờ tham gia nhưng Khoa vẫn hy vọng cô nhận lời bữa tiệc này.

 Với Khoa, đây là bữa tiệc anh dành cho cô là chính nên khi tiễn cô xuống cầu thang, anh vẫn năn nỉ mong cô đổi ý: “Giá như em có thể ở lại thì vui biết mấy”. Khoa cứ nhắc đi nhắc lại câu đó cả chục lần. Sau cùng, cô dừng lại ở bậc cầu thang cuối, quay lại và ngước lên nhìn khiến Khoa đứng khựng lại. Anh không thể quên được đôi mắt thẳm sâu của cô lúc ấy, nó ánh lên một sự tiếc nuối chân thành. “Em bận rồi.

Chúc mọi người vui vẻ! Tạm biệt ”. Vừa nói cô vừa quay đi như trốn chạy điều gì. Giá như anh có thể ôm cô lúc ấy. Cũng có thể chỉ nói với cô một lời vu vơ gì đó. Cà lơ đi rồi, Khoa còn đứng dưới đường nhìn theo mãi cái bóng bé nhỏ của cô cho đến khi khuất dần vì đêm tối. Vậy là ngoài công việc ra Khoa chẳng thu lượm được gì. Chỉ có điều, người nghiêm túc trong công việc như anh cũng phải ngả mũ thán phục. Cà lơ làm việc ngày đêm đến kiệt cùng, cứ như cô ăn đời ở kiếp với công việc đó vậy. 

Ra hành lang hít thở không khí sau ba tiếng đồng hồ cắm cúi viết liệt tay, Khoa bập một điếu thuốc lấy lại tinh thần. Một quyết tâm lóe lên trong đầu, Khoa lật giở cuốn kỷ yếu lớp, tìm địa chỉ nhà Cà lơ. Khoa muốn đi qua khu nhà cô xem sao. Nghe phong thanh Cà lơ cũng sống một mình.

* *
*
Nhẩn nha giữa đường phố đông đúc, chộn rộn người xuôi ngược, đến chập tối thì Khoa cũng đứng trước cửa nhà Cà lơ. Ngôi nhà hai tầng nằm trong khuôn viên rộng rãi, trước của nhà hai cây vàng anh rợp bóng. Khoa dừng xe cũng là lúc đèn hiên nhà bật sáng. Có bóng người đi lại trong nhà nhưng không phải Cà lơ. Định giơ tay ấn chuông nhưng lại hạ tay xuống. Ngại ngần. Khoa không còn trẻ nữa để mà bồng bột. Đã qua một lần đổ vỡ nên đối với anh bây giờ mọi thứ đều thận trọng. Khoa cứ đi đi lại lại trước cửa nhà cô như gà mắc tóc, sẽ nói với Cà lơ thế nào đây khi gặp mặt? Lý do? Chẳng có lý do nào. Cứ vẩn vơ thế đến cả nửa tiếng đồng hồ, chỉ khi người hàng xóm nhìn anh với với vẻ cảnh giác thì Khoa mới thấy ngượng và quyết định ấn chuông.

Một người đàn bà khoảng bảy mươi tuổi gương mặt phúc hậu nhẹ nhàng ra mở cửa, mời anh vào nhà. Mẹ cô cho biết đã hơn hai năm nay, cô không ở nhà. Bà buồn rầu kể: ngày trẻ Chi học bên Nga, có yêu một người nhưng người đó về nước trước và lấy vợ. Mấy năm trước, người vợ bỏ anh ta, mang theo các con sang sinh sống ở nước ngoài. Bây giờ, Chi sống với người đàn ông ấy. Bà nói: “Em nó ở trên Tây Hồ, ngày nghỉ mới về đây thôi. Mà cũng chỉ mình em ấy về chứ anh ta cũng chưa bao giờ về cùng em nó. Bác cũng chưa bao giờ lên đấy. Nếu con muốn gặp em thì đây địa chỉ…” Bà đứng lên lục tìm tờ giấy ghi địa chỉ, đưa tận tay Khoa nhưng vẫn không quên dặn: “Em nó bảo hơi khó tìm, con đến nhà số… ngõ số… rẽ phải là đến nhà em nó”. Khoa lúng túng xin phép không cần đâu ạ, con có điện thoại của Chi rồi, con sẽ hỏi cô ấy.

Vậy là rõ, Cà lơ của Khoa đã có người cũ. Khoa thất thần bước ra khỏi nhà cô. Phố xá đã sáng rực ánh đèn. Cái lạnh đầu đông se sắt. Khoa đi miên man, thỉnh thoảng trong đầu lại vang lên đến nhà số… ngõ số… rẽ phải là đến… Ừ, sao không đến nhỉ? Nhưng mà vô duyên thế nào…

Nghĩ là vậy nhưng như theo quán tính Khoa vẫn chạy xe lên hồ Tây. Lên giữa đê, Khoa rẽ trái xuống đường ven hồ. Cả mặt hồ mênh mang, rợn sóng. Từng cơn gió như cuộn lên từ mặt hồ, lạnh tê buốt nhưng không khí thoáng đãng dễ chịu khác hẳn trong phố. Khoa đi chậm lại dò tìm số nhà. Bất giác Khoa giật mình, tim như ngừng đập, ngược chiều là Cà lơ, cô đang khoác tay đi dạo cùng người đàn ông chừng năm mươi tuổi, gương mặt cương nghị, từng trải, chân đi tập tễnh, tay trái hơi khèo. Có lẽ do di chứng của đột quỵ. Khoa vòng xe lại, đi chầm chậm sau họ. Cà lơ đi từng bước nhỏ, thỉnh thoảng cô lại cúi xuống sửa lại giày cho anh ta. Họ nói với nhau líu ríu điều gì như vui lắm, Cà lơ ngửa cổ lên trời cười ngất. Mái tóc cô xòa tung trong gió. Khoa chưa từng thấy cô như vậy bao giờ, khác hẳn Cà lơ ngồi vắt vẻo, u sầu trên ban công cửa lớp. Có lẽ, lúc ấy một ánh sáng khác đã cháy lên trong mắt cô.

Khoa cứ đi theo họ suốt cả vòng hồ như một kẻ rình mò thực sự. Nhưng không thấy xấu hổ chút nào. Khoa không thể bỏ cuộc. Mỗi đoạn đường nhỏ, mỗi bước chân của cô, khiến Khoa tức ngực, dấy lên trong lòng sự yêu thương, nể trọng pha lẫn ghen tỵ. Khoa bỗng nhớ lại lời như trách móc của mẹ cô: “Mà cũng chỉ mình em ấy về chứ anh ta chưa bao giờ về cùng em nó”. Hóa ra, cô giấu cả mẹ mình bệnh tật của người đàn ông này. Câu nói ấy cứ lặp đi lặp lại trong đầu Khoa. Anh chỉ chợt bừng tỉnh khi thấy họ rẽ vào cái ngõ nhỏ và dừng lại trước ngôi nhà đầy hoa lá. Cà lơ luồn tay vào mở cửa ngõ. Tiếng lách cách của dây xích, khiến con chó nhỏ nhảy cỡn lên vui sướng, sủa ầm ĩ. “Nào Ki, ngoan nào ngoan nào”. Chi vừa mắng yêu con chó, vừa quay lại đỡ tay người đàn ông từng bước từng bước lên thềm nhà. 

Khoa quay đi, phóng xe bạt tóc. Trở về nhà, Khoa chậm rãi leo lên từng bậc thang gác. Tra khóa vào mở cửa, một làn gió thốc vào từ ban công. Khoa bỗng thấy căn phòng trống trải lạ thường. Buổi sáng hôm cô đứng ở ngoài ban công, Khoa đã cầu sao cho nhóm bạn đừng lên vội để cô được ở với không gian riêng mình, để anh được ngắm cô thật lâu. Lúc ấy, trong đầu Khoa đã hình dung một ngày nào đó căn phòng này sẽ ngập tràn âm thanh của bản nhạc vui nhộn. Và cô sẽ đứng ở ngoài kia. Đầy nắng, đầy gió và hoa. Cô sẽ là cô dâu sinh động nhất mà anh từng biết.

Khoa chợt nghĩ đến việc ngày mai ở lớp học. Sẽ sao đây khi anh lại nhìn thấy cô vắt vẻo mơ màng trên ban công cửa lớp.

Anh có còn nôn nao khi tới giờ học mà vẫn chẳng thấy cô đâu. Ôi, Cà lơ. Cà lơ. Người phụ nữ chuyên đi học muộn. 

Câu chuyện cũng có vẻ cà lơ phất phơ như tính cách nhân vật chính. Nhưng rồi như trò chơi ghép tranh, mọi sự cứ dần hiện lên khi các mảnh ghép vào đúng chỗ. Một cô gái có đời sống riêng tư bí ẩn. Một anh chàng rung động buộc phải trở thành kẻ rình mò. 

Có người sẽ nói, cuộc đời thật bất công. Vì sao một cô gái phải sống như vậy? Vì sao một kẻ phụ bạc lại có được kết thúc có hậu (ít ra là khi truyện ngắn dừng lại)? Và vì sao trời không đối đãi tốt với người tử tế? Tất cả cũng chỉ xoay quanh một chữ tình.

L.A.H