Ngày 25/11, tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (buýt sông) đầu tiên ở Sài Gòn chính thức đi vào đón khách với lộ trình từ bến Bạch Đằng quận 1 đi bến Linh Đông quận Thủ Đức và ngược lại.
Đến nay dù đã gần 1 tháng buýt sông hoạt động nhưng vẫn còn nhiều người dân tò mò muốn trải nghiệm dịch này nên tranh thủ đi thử mặc dù không có công việc thực sự phải đi theo lộ trình này.
Theo chủ đầu tư, tuyến buýt sông số 1 được đầu tư với tổng cộng 5 tàu, sức chở mỗi tàu 75 hành khách, trong đó 4 tàu chở khách thường xuyên, 1 tàu dự phòng.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 3 tàu đưa vào hoạt động. Trong đó có 2 tàu thường xuyên chở khách còn 1 tàu dự bị dẫn đến tình trạng quay vòng tuyến chậm, thời gian dãn cách giữa cách giữa các tuyến dài.
Vì vậy, dù lượng hành khách không quá nhiều nhưng tại bến đầu và bến cuối thường xuyên xảy ra tình trạng “cháy vé” khiến nhiều người thất vọng khi phải chờ đợi nhiều giờ.
Ngồi chờ tàu hàng giờ đồng hồ tại bến Linh Đông, quận Thủ Đức, bà Lê Thị Mận (45 tuổi) cho biết, bà ra bến mua vé từ lúc 10h20 nhưng nhân viên ở đây thông báo phải đợi đến 13h chiều tàu mới chạy, chuyến gần nhất vừa chạy lúc 10h nên bà đành quay về. Đến chiều dù quay ra sớm nhưng bà Mận vẫn phải ngồi đợi chuyến sau vì “cháy vé”.
“Họ thông báo 1h chiều có chuyến khác, tôi đến sớm hơn 15 phút nhưng nhân viên lại thông báo hết và nói phải mua vé trước nên giờ ngồi đợi đến 2h. May mà đi chơi nên ngồi đợi được chứ đi làm kiểu này ai dám đi khi phải đợi hàng tiếng đồng hồ”, bà Mận nói.
Cũng như bà Mận, nhiều người dân phải mất hai lần mới mua được vé đi từ Linh Đông đến Bạch Đằng lúc 14h chiều. Tuy nhiên, khi hỏi vé chiều về thì nhân viên ở đây thông báo phải đến 17h30 mới có tàu vì các chuyến trước đã hết vé.
Theo giải thích của nhân viên bán vé, dù sức chứa của tàu buýt là 75 người nhưng tại mỗi bến chỉ có một lượng khách nhất định được lên tàu vì phải “xí phần” cho các trạm dừng dọc tuyến. Vì vậy, khi xuất bến dù tàu còn nhiều chỗ trống nhưng khách vẫn không mua được vé.
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) cho biết, thời gian qua, mỗi ngày buýt sông phục vụ khoảng 1.000 lượt khách. Trong đó đa số là khách đi thử trải nghiệm còn khách sử dụng buýt sông để đi làm thay thế các phương tiện khác còn rất hạn chế.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cháy vé” như hiện nay là do buýt sông là hình thức mới nên nhiều người dân muốn đi thử để trải nghiệm.
Ông Toản cho rằng, buýt sông phải chạy theo lộ trình đã định trước, một số hành khách phải ngồi đợi nhiều giờ là do không nắm rõ lịch trình. Vì vậy, trước khi đi khách nên tìm hiểu kỹ lộ trình, thời gian xuất bến để thuận tiện cho công việc.